Quần đảo Cát Bà là nơi duy nhất ở Việt Nam hội tụ nhiều danh hiệu quốc tế và quốc gia như Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới; Di sản Thiên nhiên Thế giới (cùng với Vịnh Hạ Long); Vườn Quốc gia Cát Bà.
Hải Phòng định hướng phát triển du lịch Cát Bà theo hướng đảm bảo hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, khai thác cảnh quan không gian, mặt nước, đồi, núi tự nhiên trên nguyên tắc hạn chế tối đa sự can thiệp vào địa hình tự nhiên, hướng tới mục tiêu xây dựng Cát Bà thành đảo du lịch thông minh, sinh thái.
Ưu thế vượt trội
Quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng) là nơi duy nhất ở Việt Nam hội tụ nhiều danh hiệu quốc tế và quốc gia như Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới; Di sản Thiên nhiên Thế giới (cùng với Vịnh Hạ Long); Vườn Quốc gia Cát Bà.
Nơi đây hội tụ đầy đủ các hệ sinh thái tiêu biểu của Việt Nam như rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển và hệ thống các hang động là nơi sinh tồn của hàng nghìn loài động, thực vật trong đó có các loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam, đặc biệt là Voọc Cát Bà, loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới, chỉ còn tồn tại duy nhất ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, phía Đông Nam của đảo Cát Bà có vịnh Lan Hạ, với nhiều bãi cát nhỏ, nước trong và xanh, sóng nhỏ.
Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào đầu tháng 8 mới đây, Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, sở hữu những ưu thế vượt trội về điều kiện tự nhiên, Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới vào tháng 9/2023.
Đây là Di sản thế giới thứ 8 của Việt Nam và cũng là Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam. Việc được UNESCO công nhận mở ra nhiều cơ hội cho phát triển du lịch Hải Phòng – Quảng Ninh, đặc biệt trong việc xây dựng thương hiệu du lịch quốc tế và gia tăng sức hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới.
Theo đánh giá của UNESCO, vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà được xem là bảo tàng địa chất, chứa đựng những di sản với giá trị nổi bật toàn cầu, nơi chứng kiến những thay đổi đặc trưng trong lịch sử phát triển của trái đất.
Vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà là một mẫu hình về karst trưởng thành trong điều kiện nhiệt đới ẩm.
Về giá trị đa dạng sinh học, với sự giao thoa của núi rừng và biển đảo, vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà được đánh giá là một khu vực tiêu biểu, có mức độ đa dạng cao của châu Á khi sở hữu 7 hệ sinh thái biển-đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển bao gồm hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh; hệ sinh thái hang động; hệ sinh thái rừng ngập mặn; hệ sinh thái bãi triều; hệ sinh thái rạn san hô; hệ sinh thái đáy mềm; hệ sinh thái hồ nước mặn.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, với những thế mạnh đặc biệt, Cát Bà gắn với vịnh Hạ Long có thế mạnh để khai thác và phát triển nhiều loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng biển.
Thời gian gần đây, sau Đà Nẵng, Phú Quốc và Hạ Long, đảo Cát Bà đang trở thành tâm điểm của thị trường đầu tư nghỉ dưỡng của cả nước. Với việc sở hữu những ưu thế vượt trội về điều kiện tự nhiên, Cát Bà đã thu hút được một số nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực nghỉ dưỡng như Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Flamingo…
Hiện nay, lượng khách đến Cát Bà đang gia tăng hằng năm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Năm 2022, du lịch Cát Bà đón, phục vụ khoảng 2,3 triệu lượt khách; năm 2023 đón, phục vụ hơn 3 triệu lượt khách. Năm 2024, Cát Bà đặt mục tiêu đón 3,6 triệu lượt khách du lịch.
Hòn đảo không khí thải carbon
Nhìn từ thực tế, du lịch Cát Bà còn mang tính mùa vụ, thiếu các sản phẩm du lịch cao cấp, cơ sở vật chất và điều kiện dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu khách du lịch có khả năng chi trả cao, chưa có các khu vui chơi, giải trí để phục vụ và thu hút khách.
Nhiều công trình mới, hiện đại đã được đầu tư xây dựng, song thực tế vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Cơ sở hạ tầng còn thiếu hụt, còn thiếu những công trình xứng tầm, đặc biệt là các cơ sở lưu trú cao cấp, khiến du lịch quần đảo Cát Bà chưa thể phát triển đúng với tiềm năng.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết, thành phố đã và đang tập trung thu hút đầu tư du lịch chất lượng cao tại Cát Bà kể từ sau khi vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch, trọng tâm là các khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí cao cấp, khách sạn, nhà hàng đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Cát Bà được triển khai nhằm thay đổi bộ mặt du lịch của huyện đảo.
Một trong số các dự án đang được triển khai là Dự án Khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà, huyện Cát Hải với diện tích gần 50 ha và tổng mức đầu tư riêng hạng mục hạ tầng là trên 2.100 tỷ đồng.
Ngày 16/8 vừa qua, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Dân dụng Phú Quốc đã khởi công Dự án Khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà tại thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải.
Dự án dành hơn 60% diện tích phát triển các tiện ích công cộng. Đây được xem là một trong những dự án du lịch tiên phong của Việt Nam hướng tới không khí thải carbon và dành nhiều diện tích cho cộng đồng.
Sau tuyến cáp treo đầu tiên Cát Hải-Phù Long đã hoàn thành, Tập đoàn Sun Group tiếp tục xây mới tuyến cáp treo Phù Long-Cát Bà, tạo nên hệ thống cáp treo kết nối thẳng từ đảo Cát Hải đến trung tâm thị trấn Cát Bà.
Người dân, du khách sẽ dễ dàng di chuyển từ thành phố Hải Phòng sang thẳng trung tâm đảo Cát Bà bằng cáp treo nhanh chóng, thuận lợi và giảm thiểu khí thải ra môi trường…
Cùng với đầu tư hạ tầng cơ sở, thành phố tăng cường hợp tác, liên kết chặt chẽ hơn nữa với tỉnh Quảng Ninh thông qua các hành động thực tế trong tổ chức quản lý, khai thác, phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến và chung tay bảo vệ tài nguyên, môi trường điểm đến di sản chung để cùng nhau khắc phục những bất cập, khó khăn và trị căn bệnh cố hữu ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển du lịch thời gian qua giữa hai địa phương.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam, các tiềm năng, tính chất vốn có của mảng không gian biển quần đảo Cát Bà-Long Châu là tiền đề rất quan trọng để phát triển các ngành kinh tế xanh dựa vào bảo tồn, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Cùng đó, thành phố cần tạo dựng thêm “thương hiệu” cho mảng không gian biển, đảo Cát Bà-Long Châu qua việc tiếp tục đề nghị Chính phủ trình UNESCO cho phép phân vùng chức năng để quản lý hiệu quả Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà sau khi được công nhận mới; thiết lập mới “Công viên Địa chất toàn cầu” trong phạm vi quần thể đảo đá vôi với Cát Bà làm trung tâm.
Đồng thời, Hải Phòng cần quản lý và sử dụng hiệu quả các giá trị bảo tồn đã được quốc tế, quốc gia vinh danh như: Vườn Quốc gia Cát Bà, Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, Khu bảo tồn biển Cát Bà; xây dựng Bảo tàng Cát Bà, bao gồm cả tự nhiên và văn hóa, lịch sử; xây dựng một khu thủy cung biển (tự nhiên); xây dựng Khu tưởng niệm nơi Bác Hồ về thăm ngư dân Tuần Châu, Cát Bà năm 1959, gắn với thông điệp “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ!”./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/tan-dung-uu-the-vuot-troi-dua-cat-ba-thanh-dao-du-lich-thong-minh-sinh-thai-post972404.vnp