Trong năm 2023, câu chuyện được mùa mất giá các mặt hàng nông sản và thủy sản tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên tiếp tục là chủ đề nóng mà các phương tiện truyền thông đăng tải.
Hết thông tin sầu riêng, thanh long, bí đỏ ế ẩm thì lại rộ lên việc thương lái tạm thời ngừng thu mua tôm hùm tại khu vực các tỉnh Nam Trung Bộ.
Tại 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, sản lượng tôm hùm bông chiếm khoảng 20% sản lượng tôm hùm các loại với khoảng 600 tấn mỗi vụ. Riêng tại Khánh Hòa, hiện tôm hùm bông đạt kích cỡ thu hoạch từ 0,7 kg/con trở lên tồn đọng khoảng 200 tấn, trong đó khoảng 70 tấn là tôm loại 1. Đáng buồn là tôm hùm bông đã đến kỳ xuất bán nhưng thương lái ngừng thu mua.
Nguyên nhân được giải thích là phía Trung Quốc đang hạn chế việc nhập khẩu theo đường tiểu ngạch đối với các mặt hàng nông, lâm và thủy sản, trong đó có mặt hàng tôm hùm bông.
Để tránh tình trạng bị động trong xuất khẩu tôm hùm, vấn đề chính vẫn là phải tăng cường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường nước bạn. Nhưng cái khó hiện nay là người nuôi tôm chỉ biết tập trung việc nuôi. Thương lái thì chỉ biết thu mua tôm hùm bán lại cho doanh nghiệp trước khi xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Việc gắn kết giữa các chuỗi liên kết nói trên mong manh, ít sự ràng buộc. Chỉ cần đứt gãy bất cứ khâu nào trong chuỗi liên kết nói trên là ngay lập tức, giá tôm hùm rớt thảm hại…
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong khi người nông dân, doanh nghiệp bị động chờ sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước, thì chính bản thân họ phải thay đổi từ việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới quy trình sản xuất và tìm kiếm thị trường xuất khẩu chính ngạch.
Một trong những thương hiệu nổi tiếng ở Khánh Hòa trong những năm qua đã có tấm “vé vàng” xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Mỹ và Nhật Bản là rong nho.
Ông Nguyễn Quang Duy – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu D&T, cho biết trong nhiều năm qua, doanh nghiệp phải vận động, thay đổi liên tục công nghệ chế biến rong nho cho đến tạo chuỗi liên kết với người dân để chuyển giao công nghệ.
Sau khi xây dựng và định hình thương hiệu rong nho trong nước, ông Nguyễn Quang Duy bắt đầu tập trung tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang các thị trường quốc tế.
Muốn xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ và Nhật Bản, ông Duy cho biết bên cạnh những rào cản về pháp lý thì các quy định về kỹ thuật, chỉ số môi trường luôn được phía nước bạn yêu cầu doanh nghiệp Việt đặt lên hàng đầu.
Cùng với rong nho, việc xuất khẩu chính ngạch yến sào thời gian qua được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chú trọng phát triển.
Điển hình vào cuối tháng 11.2023, Công ty CP Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa đã chính thức xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang thị trường Trung Quốc. Để có giấy phép thông hành vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp này đã phối hợp cùng với các bộ, ngành trung ương và địa phương hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết.
Ông Nguyễn Tấn Tuân – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu 2 loại sản phẩm yến nguyên chất và các sản phẩm sau chế biến đã khẳng định được chất lượng cũng như thương hiệu sản phẩm yến sào Khánh Hòa trên thị trường thế giới.
Ông Nguyễn Tấn Tuân kỳ vọng trong năm 2024, 2025, thương hiệu yến sào của tỉnh Khánh Hòa sẽ đạt được mốc xuất khẩu 1 tỉ USD.