Là một trong những đơn vị được thụ hưởng nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại từ phía Chính phủ Nhật Bản, Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình xác định rõ đây là cơ hội để nhà trường hoàn thiện cơ sở vật chất; hình thành vùng nguyên liệu để phục vụ và phát triển mạnh nghề nấu ăn.
Hoàng Anh Tú, quê ở xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư). Sau khi tốt nghiệp THPT, thay vì đi học đại học, Anh Tú đăng ký học nghề nấu ăn tại Khoa Kinh tế Du lịch (Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình) vì theo Tú, đây là nghề rất có tương lai, phù hợp với xu hướng phát triển của địa phương mình. Với đam mê, tâm huyết và kỹ năng nghề ngày càng được nâng cao trong quá trình học, Anh Tú đã đạt được giải cao trong cuộc thi kỹ năng tay nghề cấp tỉnh được tổ chức vào năm 2023. Anh Tú càng thêm tự tin về những dự định sắp tới trong tương lai.
"Sau khi tốt nghiệp, em sẽ đi làm thuê cho những nhà hàng lớn. Vừa để học hỏi thêm kỹ năng, văn hóa ẩm thực của nhiều nơi, vừa là cách để tích lũy về tài chính. Mục tiêu trong tương lai của em là tự mở được nhà hàng ở quê hương mình. Trong đó, thực đơn sẽ là tập hợp những món ăn đặc trưng của tỉnh nhà. Với em, ẩm thực không chỉ là món ăn mà đó còn là "đại sứ" để người đầu bếp gửi gắm văn hóa, tình cảm, sự trân trọng tới du khách gần xa"- Anh Tú nói.
Nghề nấu ăn được Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình đưa vào giảng dạy từ năm 2017. Hiện nay, có khoảng 500 học sinh, sinh viên đang theo học nghề nấu ăn ở cả trình độ trung cấp và cao đẳng. Dạy nghề nấu ăn, các nhà giáo không chỉ truyền lại những kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng mà còn lan tỏa được ngọn lửa đam mê đối với ẩm thực, hiểu sâu hơn về văn hóa ẩm thực và tiếp tục phát huy những giá trị tinh hoa của ẩm thực, nhất là ẩm thực của vùng đất Cố đô đến với các thế hệ học sinh, sinh viên.
Theo thống kê, từ khi dạy nghề nấu ăn tới nay, nhà trường đã đào tạo, hướng dẫn hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp ra trường. Nhiều em trong số đó trở thành giáo viên dạy nấu ăn, nhiều người là đầu bếp chính trong các nhà hàng, khách sạn lớn và không ít người thành công trong việc mở nhà hàng của chính mình. Nguồn nhân lực sau đào tạo đã được bổ sung vào lực lượng lao động cho nhóm ngành dịch vụ, du lịch của tỉnh. Đây là một trong những nghề được tỉnh ta xác định là trọng điểm trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi không chỉ đủ về số lượng mà còn phải được nâng cao về chất lượng.

Là một trong những địa chỉ uy tín đào tạo nhân lực cho nghề kỹ thuật chế biến món ăn, được nhiều doanh nghiệp lĩnh vực dịch vụ, du lịch liên kết đặt hàng, tuy nhiên, theo bà Lê Thị Hạnh, Trưởng khoa Kinh tế Du lịch, Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình thì việc phát triển nghề kỹ thuật chế biến món ăn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những hạn chế lớn, làm ảnh hưởng tới việc mở rộng, nâng tầm nghề nấu ăn trong nhà trường đó là nhà trường còn thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; thiếu một khu nuôi trồng nguyên liệu để học sinh, sinh viên có đa dạng các nguyên liệu đảm bảo thực hành chế biến các món ăn. Ngoài ra, khi tự tay nuôi trồng, chăm sóc các loại nguyên liệu dùng trong nấu ăn theo hướng hữu cơ, các em cũng sẽ nâng cao ý thức trong việc sử dụng các sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm và tốt cho sức khỏe người sử dụng.
Và mới đây, một tin vui đã đến với thầy và trò Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình. Theo đó, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã ký hợp đồng viện trợ không hoàn lại cho 8 dự án trên cả nước với tổng giá trị viện trợ 900 nghìn USD. Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình là một trong những đơn vị được thụ hưởng nguồn hỗ trợ này để bổ sung, hoàn thiện trang thiết bị đào tạo nghề kỹ thuật chế biến món ăn.
Đánh giá về sự hỗ trợ này, ông Nguyễn Xuân Thịnh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình cho biết, sự hỗ trợ từ Chính phủ và nhân dân Nhật Bản là rất ý nghĩa. Dự án được triển khai sẽ giúp cho các em học sinh đến từ các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn… khi theo học nghề kỹ thuật chế biến món ăn được học chương trình đào tạo mới với các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại của Nhật Bản. Đặc biệt, nhà trường có cơ hội mở vùng trồng nguyên liệu phục vụ cho nghề nấu ăn-một ngành học đang được xác định là trọng điểm.
Ngoài ra, trải qua quá trình học, các em còn được trực tiếp tham gia trồng, chăm sóc nguyên liệu, từ đó có tình yêu với nông nghiệp, có kiến thức, kỹ năng tự tin tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Nhà trường cũng có điều kiện tạo lập quỹ hỗ trợ cho học sinh; nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo các nghề phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn.
Với ý nghĩa đặc biệt đó, nhà trường cam kết sẽ thực hiện đúng nội dung đã được phê duyệt, đồng thời mong muốn sau dự án được ký kết lần này, Chính phủ Nhật Bản và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhân dân Việt Nam nói chung, Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình nói riêng trong lĩnh vực đào tạo nghề, nhất là nhóm nghề phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam.
Bài, ảnh: Đào Hằng
Nguồn
Bình luận (0)