Quảng bá du lịch trên nền tảng công nghệ số
Theo thống kê trong 9 tháng năm 2022, Quảng Ninh đón gần 9,2 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng ngành du lịch dịch vụ ước trên 14,35%, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung 10,21% của tỉnh. Có thể thấy rằng, sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành du lịch Quảng Ninh đã có mức tăng trưởng ấn tượng với những con số “thần kỳ”.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy, để hoàn thành mục tiêu đón 11,5 triệu lượt khách trong năm 2022, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá điểm đến; chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch khác biệt, nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng thị trường.
Đặc biệt, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch cũng được ngành du lịch Quảng Ninh đẩy mạnh trên cơ sở tận dụng tối đa nền tảng công nghệ số. Theo đó, Trung tâm Xúc tiến du lịch Quảng Ninh đưa vào hoạt động fanpage Thông tin du lịch Quảng Ninh, đến nay đã có gần 30.000 người theo dõi. Trung tâm cũng lập fanpage bằng tiếng Anh, tiếng Pháp liên tục cập nhật các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; đăng tải thông tin về du lịch Quảng Ninh tới du khách trên các Website, Youtube, Instagram, Zalo…
Cùng với đó, tỉnh triển khai cổng thông tin du lịch tại 2 địa chỉ website: halongtourism.com.vn và discoverhalong.com bằng cả 3 ngôn ngữ: Việt, Anh, Trung. Nhờ đó, du khách có thể tìm kiếm đầy đủ thông tin về điểm đến, dịch vụ giải trí, các lễ hội, ẩm thực độc đáo, cơ sở lưu trú, mua sắm… cùng bản đồ số du lịch, hướng dẫn đặt phòng trực tuyến, đặt trước xe theo lịch trình, đường dây nóng hỗ trợ và phản ánh chất lượng du lịch…
Bắt nhịp xu hướng, Bảo tàng Quảng Ninh cũng xây dựng mô hình “bảo tàng ảo” giúp du khách trải nghiệm tham quan trực tuyến, đồng thời hiển thị trên nền tảng số Google Arts & Culture – “cửa sổ” đưa các giá trị văn hóa, du lịch nổi trội của Việt Nam và Quảng Ninh đến với thế giới. Chỉ một cú nhấp chuột ở phần “Near by” (Công trình văn hóa ở gần xung quanh người dùng) trên Google Arts & Culture, hình ảnh của Bảo tàng Quảng Ninh, vị trí và website của Bảo tàng Quảng Ninh đã hiện lên.
Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt
Dịch bệnh COVID-19 đã tác động rất lớn đến việc thay đổi hành vi và xu hướng của khách du lịch. Nhu cầu đặt tour du lịch online, phương thức tiếp cận khách hàng, quảng bá, giao dịch, thanh toán dịch vụ đang chuyển dần sang môi trường số, xu hướng du lịch “không chạm” của du khách đã trở thành sự ưu tiên hàng đầu trong ngành du lịch hậu COVID-19.
Nắm bắt nhu cầu đó, gần đây, thành phố Hạ Long đã triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó phấn đấu đến năm 2025, có từ 90% người dân từ đủ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm…
Theo lãnh đạo TP Hạ Long, từ đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, TP Hạ Long đang phấn đấu tạo cho người dân ở khu vực đô thị thói quen thanh toán không tiền mặt; tạo sự minh bạch trong các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế; ứng dụng mạnh mẽ thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả.
Hưởng ứng đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của TP Hạ Long và cũng là tạo thuận tiện cho du khách, xây dựng điểm đến du lịch văn minh, hiện đại, tại Khu du lịch quốc tế Tuần Châu hiện đang triển khai thí điểm “Phố thông minh không dùng tiền mặt” trong Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu. Mô hình thí điểm đang mang lại nhiều tiện ích cho cả doanh nghiệp, hộ kinh doanh và khách du lịch khi đến tham quan tại khu du lịch cũng như Vịnh Hạ Long.
Tại “Phố thông minh không dùng tiền mặt”, mỗi hộ kinh doanh được hướng dẫn cài đặt miễn phí ứng dụng Viettel Money và 1 mã QR code riêng phục vụ cho việc thanh toán. Hiện cơ bản các hộ kinh doanh đã tham gia, bước đầu khuyến khích các hoạt động giao dịch, thanh toán thông qua ứng dụng Viettel Money và các hình thức số khác, từng bước hướng tới 100% các giao dịch được chuyển dịch sang thanh toán số.
Trên cơ sở thí điểm, mô hình “Phố thông minh không dùng tiền mặt” sẽ được đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng ra toàn tỉnh. Mô hình không chỉ góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực, nhất là du lịch mà còn giúp tối ưu hóa dịch vụ, tạo môi trường du lịch văn minh, hiện đại trong nỗ lực phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh.
Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ du lịch thông minh
Ngành du lịch Quảng Ninh tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp chuyển đổi số thông qua đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ du lịch thông minh, như: Thẻ du lịch thông minh, bản đồ số du lịch, ứng dụng thuyết minh du lịch, ứng dụng du lịch trên nền tảng di động… phục vụ du khách. Đồng thời, ứng dụng công nghệ số để quản lý, điều hành du lịch; hình thành các sản phẩm du lịch số bằng công nghệ thực tế ảo, số hóa điểm đến du lịch bằng giao diện ảnh 360, 3D…
Ông Lê Minh Tân, Phó Giám đốc Sở Du lịch, cho biết, trong giai đoạn tới, ngành du lịch Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, thu hút du khách, tạo môi trường du lịch an toàn tối đa. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, sử dụng các tiện ích phục vụ tốt hơn đối với người dân và du khách. Quảng Ninh chú trọng ứng dụng công nghệ vào quản lý du lịch. Điển hình là việc Ban quản lý vịnh Hạ Long xây dựng phần mềm tích hợp dịch vụ hành khách qua cảng tàu du lịch theo hóa đơn điện tử. Với tiện ích này, các thông tin về du khách sẽ được số hóa và lưu trữ bảo mật, thuận lợi cho công tác quản lý, tra cứu, xử lý tình huống phát sinh nhanh chóng. Từ tháng 6, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thu phí vé tham quan Vịnh Hạ Long bằng internet banking và quét mã QR. Quảng Ninh dự kiến đưa vào hoạt động hệ thống bán vé tự động, cổng điện tử tra cứu thông tin tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu và Cảng khách quốc tế Hạ Long, tạo thuận tiện cho du khách tham quan Vịnh Hạ Long.
Quảng Ninh cũng đã đầu tư hơn 100 điểm phát wifi công cộng miễn phí tại các khu vực sân bay, bến xe bus, địa điểm du lịch trên địa bàn để hỗ trợ người dân, du khách trong tra cứu các điểm đến. Cùng với đó là lắp đặt hệ thống camera giám sát ở một số hang động lớn như Đầu Gỗ, Thiên Cung… và hệ thống định vị GPS trên các tàu du lịch tham quan Vịnh Hạ Long.
Ngoài ra, chuyển đổi số trong du lịch còn tạo ra sự khác biệt, mới lạ khi du khách có thể yêu cầu một chuyến tham quan ảo đến điểm đến mong muốn, so sánh giữa các đại lý và kiểm tra phản hồi từ du khách trước về các điểm du lịch trước khi “chốt” một chuyến đi.
Những chuyển động tích cực đã và đang hình thành môi trường du lịch số đồng bộ và tạo thuận tiện cho du khách. Đây chính là động lực để du lịch Quảng Ninh tiếp tục chuyển mình và bứt phá mạnh mẽ, tạo dựng điểm đến du lịch văn minh, chuyên nghiệp và hiện đại, từng bước vươn tầm khu vực và quốc tế./.