Tận dụng cơ hội “vàng” đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào thị trường Anh; Đến ngày 15/8/2023, cả nước xuất siêu hơn 16 tỷ USD… là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 18-20/8.
Đến ngày 15/8/2023, cả nước xuất siêu hơn 16 tỷ USD
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong kỳ 1 tháng 8 (từ 1 đến 15/8), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 28,6 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 14,4 tỷ USD, giảm 10,8% so với cùng kỳ. 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại và linh kiện đạt 2,42 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,38 tỷ USD; hàng dệt may đạt 1,55 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 1,53 tỷ USD…
Về nhập khẩu, nửa đầu tháng 8 kim ngạch đạt 14,2 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng lớn nhất với kim ngạch 4,1 tỷ USD. Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng là nhóm hàng “tỷ đô” thứ hai với 1,87 tỷ USD.
Như vậy, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đang tiếp tục có xu hướng tăng trong vài tháng trở lại đây. Đây là tín hiệu vui cho thấy kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng hơn trong thời gian tới bởi nhập khẩu hàng hóa chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng hóa phục vụ cho sản xuất phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong kỳ 1 tháng 8 (từ 1 đến 15/8), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 28,6 tỷ USD. (Nguồn: Reuters) |
Tính chung từ đầu năm đến 15/8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 402 tỷ USD. Trong đó, xuất nhập khẩu 209,43 tỷ USD, giảm 23,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu đạt 193,17 tỷ USD, giảm 38,73 tỷ USD.
Tính từ đầu năm đến 15/8, cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư hơn 16 tỷ USD.
Để tháo gỡ khó khăn cho xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi lớn nhất cho xuất nhập khẩu. Đơn cử, theo quy định tại Thông tư 36/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính, từ 21/7, doanh nghiệp xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) phải nộp lệ phí. Tổ chức thu phí theo quy định tại Thông tư này gồm: Bộ Công Thương và cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương uỷ quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo quy định tại Điều 34 Luật Quản lý ngoại thương.
Tuy nhiên, thay vì phải đến trực tiếp cơ quan quản lý nộp phí, doanh nghiệp có thể thực hiện thanh toán phí/lệ phí C/O bằng hình thức trực tuyến. Hình thức này nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và các chi phí phát sinh khác. Sau khi thực hiện nộp phí/lệ phí C/O, doanh nghiệp sẽ nhận được biên lai qua email đã đăng ký với cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường thông qua đàm phán, ký kết các FTA mà FTA mới nhất là FTA với Israel. Đây là động thái được các doanh nghiệp, Hiệp hội, chuyên gia đánh giá rất cao vì sẽ giúp mở thêm cơ hội cho hàng Việt Nam ra thị trường thế giới.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 9/2023. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu cho biết rất kỳ vọng vào cơ hội tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu từ Việt Nam thông qua sự kiện quan trọng này.
Việt Nam nhập khẩu lúa mì nhiều nhất từ thị trường nào?
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/29023 cả nước nhập khẩu 334.021 tấn lúa mì, tương đương 111,13 triệu USD, giá trung bình 332,7 USD/tấn, giảm 25,3% về lượng và giảm 26% kim ngạch so với tháng 6/2023 và giá giảm 1%. So với tháng 7/2022 cũng giảm 2% về lượng, giảm 21% kim ngạch và giảm 19,6% giá.
Tính chung trong 7 tháng năm 2023 lượng lúa mì nhập khẩu của cả nước đạt trên 2,81 triệu tấn, tương đương trên 1 triệu USD, tăng 8,7% về khối lượng, tăng 2,9% về kim ngạch so với 7 tháng năm 2022, giá trung bình đạt 356,4 USD/tấn, giảm 5,4%.
Trong tháng 7/2023 nhập khẩu lúa mì từ thị trường chủ đạo Australia sụt giảm trên 21% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 6/2023, giá cũng giảm 0,3%, đạt 328.899 tấn, tương đương 109,03 triệu USD, giá 331,5 USD/tấn; so với tháng 7/2022 thì tăng 8,7% về lượng, nhưng giảm 12,3% kim ngạch và giảm 19,4% về giá.
Tính chung cả 7 tháng năm 2023, nhập khẩu lúa mì từ thị trường Australia, chiếm 75,5% trong tổng lượng và chiếm 73,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước, đạt gần 2,13 triệu tấn, tương đương 737,04 triệu USD, giá trung bình 346,8 USD/tấn, tăng 17,4% về lượng, tăng 7,2% về kim ngạch nhưng giảm 8,7% về giá so với 7 tháng năm 2022.
Đứng sau thị trường chủ đạo Australia là thị trường Brazil chiếm gần 9,3% trong tổng lượng và chiếm 9,6% trong tổng kim ngạch, đạt 261.611 tấn, tương đương 95,82 triệu USD, giá trung bình 366,3 USD/tấn, giảm 19% về lượng, giảm 14,9% kim ngạch nhưng tăng 5% về giá so với 7 tháng năm 2022.
Tiếp đến thị trường Mỹ đạt 172.245 tấn, tương đương 70,51 triệu USD, giá 409,4 USD/tấn, tăng mạnh 35,5% về lượng, tăng 21,5% kim ngạch nhưng giảm 10,4% về giá so với 7 tháng năm 2022, chiếm 6% trong tổng lượng và chiếm 7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước.
Nhập khẩu lúa mì từ thị trường Canada đạt 165.986 tấn, tương đương 68,91 triệu USD, tăng mạnh 3.000% về khối lượng và tăng 2.603% về kim ngạch so với 7 tháng năm 2022.
Tận dụng cơ hội “vàng” đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào thị trường Anh
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết với cộng đồng hơn 5,5 triệu người gốc Á, nhu cầu tiêu dùng gạo tại Anh rất lớn trong khi quốc gia này hoàn toàn không trồng lúa, toàn bộ nhu cầu tiêu dùng đều phải nhập khẩu.
Năm 2021, Anh nhập gần 652.000 tấn gạo, trị giá gần 575 triệu USD. Năm 2022, nhập khẩu gạo tăng 4,1% lên hơn 678.000 tấn, trong khi giá trị nhập khẩu tăng 7% lên hơn 603 triệu USD.
Vương quốc Anh đã nhập khẩu 3.399 tấn gạo từ Việt Nam năm 2022, tăng 24,5% so năm 2021, giá trị xuất khẩu đạt hơn 3,7 triệu USD, tăng 34% so năm 2021. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 14 vào Anh, tuy nhiên thị phần khiêm tốn (0,6%).
Trong số các nước Đông Nam Á xuất khẩu gạo nhiều sang Anh năm 2022, Việt Nam có đơn giá bình quân cao nhất (1.093 USD/tấn), trong khi đơn giá bình quân gạo Thái Lan, Campuchia và Myanmar lần lượt là 916, 915 và 435 USD/tấn.
Trong khi đó, Ấn Độ được biết đến là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất tại thị trường Anh chiếm tới gần 27% tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này. Theo đó, việc đột ngột dừng xuất khẩu sẽ tạo ra thiếu hụt nguồn cung khoảng 75.000 tấn gạo tại Anh trong nửa cuối năm 2023. Cho nên, việc Ấn Độ ngừng xuất khẩu sẽ khiến các nhà nhập khẩu gạo của Anh sẽ chuyển sang mua gạo Việt Nam và Thái Lan. Đây là thời cơ để Việt Nam vươn lên vị trí cao hơn trong danh sách bạn hàng của các công ty nhập khẩu gạo của Anh.
Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh, loại gạo được sử dụng nhiều nhất ở Anh hiện nay là gạo Bastima với các thương hiệu dẫn đầu như: Tilda Pure Basmati Rice (Gluten Free), Laila Basmati Rice, Ben’s Original Long Grain Rice, Grower’s Havest Long Grain Rice, Thai Jasmine Rice, Easy Cook Long Grain.
Việc Ấn Độ ngừng xuất khẩu sẽ khiến các nhà nhập khẩu gạo của Anh sẽ chuyển sang mua gạo Việt Nam và Thái Lan. (Nguồn: Báo Thương Trường) |
Gạo Việt Nam ở Anh chủ yếu được bán cho cộng đồng người Việt Nam và một phần cộng đồng người Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines với giá bán lẻ ở các siêu thị với mức giá 58.000-72.000 đồng/kg. Các thương hiệu gạo Việt Nam phổ biến tại Anh hiện có là gạo tám thơm, gạo tấm, gạo nếp, ST25 (gạo ông Cua).
Theo Statista, thị trường gạo ở Anh dự kiến sẽ tăng trưởng khối lượng 2,1% vào năm 2024. Trong nửa cuối năm 2023, thị trường Anh dự báo thiếu hụt nguồn cung khoảng 75.000 tấn gạo. Tuy nhiên, hiện Chính phủ Anh chưa có phản ứng chính sách đối với thương mại gạo sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo thường.
“Nếu tích cực tiếp thị một cách chuyên nghiệp, bao gồm việc quảng bá trên các phương tiện truyền thông sở tại bằng tiếng Anh, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam chắc chắn sẽ tăng thị phần tại Anh, trong đó có phân khúc thị trường là các nhà hàng phục vụ khách du lịch châu Á, vốn chiếm một lượng không nhỏ trong tổng số hàng chục triệu khách du lịch đến Anh mỗi năm”, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho hay.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Cảnh Cường lưu ý, trong bối cảnh đứt gãy nguồn cung và gạo Việt Nam với chất lượng tốt và lợi thế cạnh tranh nhờ Hiệp định UKVFTA, các nhà xuất khẩu cần tận dụng cơ hội “vàng” để yêu cầu các nhà phân phối gạo tại Anh sử dụng thương hiệu gạo Việt Nam, thay vì thương hiệu của nhà phân phối, giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng Anh về gạo Việt Nam.
Trong nhiều năm qua, mặc dù là nhà xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, gạo Việt Nam xuất sang Anh cũng như nhiều nước khác thường được bán dưới thương hiệu của các nhà phân phối, khiến người tiêu dùng không nhận biết được nguồn gốc gạo từ Việt Nam. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu là giải pháp lâu dài để gạo Việt Nam duy trì thị phần tại Anh cũng như nhiều quốc gia khác một khi chất lượng gạo Việt Nam đã chinh phục được người tiêu dùng.
Tới đây, để tiếp tục hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu tiềm năng, nhất là đối với mặt hàng gạo, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cũng đang chuẩn bị tham gia Hội chợ Speciality Fine Food Fair London vào tháng 11-12/9/2023 để quảng bá đặc sản Việt Nam trong đó có gạo ST25. Đây là cơ hội đúng thời điểm để gạo ST25 của Việt Nam được quảng bá tới các nhà phân phối, các khách sạn và nhà hàng cao cấp tại Anh.