Theo ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, các doanh nghiệp xuất khẩu tỉnh Cà Mau khai thác khá tốt cơ hội từ các FTA mang lại nhằm thúc đẩy gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường các nước thành viên thuộc Hiệp định Thương mại tự do (FTA).
Nhờ tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Cà Mau từ năm 2019 đến nay đều đạt trên 1 tỷ USD.
10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt trên 1 tỷ USD, tăng 9,94% so cùng kỳ năm 2023; trong đó, thủy sản ước đạt hơn 968 triệu USD, tăng 12,23% và xuất khẩu phân bón ước đạt hơn 101 triệu USD, giảm 10,09% so cùng kỳ năm trước.
Thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành có liên quan tiếp tục quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị phần tại các thị trường truyền thống, nhất là tìm kiếm, mở thị trường mới tiềm năng. Năm 2024, tỉnh dự kiến tổ chức từ 2 – 3 cuộc xúc tiến thương mại ngoài nước như châu Âu, Trung Quốc và một số thị trường khác để giới thiệu, quảng bá, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh.
Các doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến thương mại ngoài nước sẽ được tỉnh hỗ trợ một phần chi phí về thuê gian hàng, đi lại, phòng nghỉ, tham gia các hoạt động kết nối…
Mặt khác, tỉnh tăng cường phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, ngành, thiết lập quan hệ với các Thương vụ, Tham tán Thương mại Việt Nam, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài để thu thập thông tin thị trường, doanh nghiệp nhập khẩu, cơ chế, chính sách của các nước, lộ trình cắt giảm thuế quan, các rào cản kỹ thuật trong thương mại, các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và phòng vệ thương mại; dự báo tình hình cung – cầu hàng hóa, các dịch vụ để phổ biến kịp thời đến các doanh nghiệp ứng phó và hạn chế rủi ro, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận, mở rộng thị trường.
Ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cho biết thêm, tỉnh triển khai hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tín dụng dành cho xuất khẩu trên địa bàn; đáp ứng vốn kịp thời, đầy đủ cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng xuất khẩu (sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu, chế biến, xuất khẩu) khi đủ điều kiện cho vay.
Sở Công Thương chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin về các FTA đến các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thông qua hình thức tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, báo chí nhằm tận dụng các cơ hội, khắc phục những hạn chế, thách thức, phát huy tối đa các lợi thế của các FTA mà Việt Nam đã ký kết như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP),…
Ủy ban nhân dân tỉnh cũng tổ chức nhiều cuộc họp bàn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh tại địa phương; trong đó, Chương trình “Càphê kết nối doanh nghiệp” được tổ chức định kỳ vào thứ 7 hàng tuần là dịp để lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, đơn vị, địa phương gặp gỡ, trò chuyện, tháo gỡ những vấn đề doanh nghiệp đang quan tâm.
Cà Mau là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về xuất khẩu thủy sản, đặc biệt tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản chiếm gần 90% tổng kim ngạch của tỉnh, riêng mặt hàng tôm chiếm trên 80%.
Thị trường xuất khẩu thủy sản của Cà Mau đa dạng, rộng khắp cả 5 châu lục, với hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hiện nay, một số thị trường xuất khẩu có tỷ trọng cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, Canada.
Vietnamplus.vn
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/tan-dung-co-hoi-gia-tang-xuat-khau-vao-cac-nuoc-thanh-vien-fta-post989248.vnp