Ngô Trung Hiếu là tân cử nhân ngành quản trị kinh doanh, chuyên ngành marketing, Phân hiệu Trường ĐH Thủy lợi, vừa tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân, Hiếu đã nhanh chóng có việc làm mà mình yêu thích, phù hợp năng lực tại một công ty nổi tiếng trong lĩnh vực gia công linh kiện nhựa tại Khu công nghệ cao TP.HCM, có quy mô hơn 1.200 nhân sự. Những kinh nghiệm của chàng trai này có thể là gợi mở bổ ích cho các bạn sinh viên.
Ngô Trung Hiếu cho rằng hiện nay nhiều sinh viên có tâm lý “cứ từ từ tính chuyện xin việc”. “Đó không phải là suy nghĩ đúng, thậm chí là sai lầm. Thay vào đó, cần có sự chuẩn bị càng sớm càng tốt, đặc biệt là với những nghề phù hợp với ngành học. Nếu chờ tốt nghiệp mới xin việc thì mất khoảng vài tháng chờ đợi. Ngược lại, khi có kế hoạch nghề nghiệp sớm thì cơ hội có việc làm sẽ nhanh hơn”, Hiếu nói và cho biết bản thân khi còn ngồi trên ghế giảng đường đã có kế hoạch tìm việc làm sau khi ra trường. Tới năm thứ 3 đại học, Hiếu đã có kinh nghiệm làm việc tại nhiều công ty lớn, trong đó có công ty thiết kế, may mặc và bán lẻ trang phục thường ngày nổi tiếng của Nhật Bản… Chính nhờ vậy, anh chàng đã dễ dàng vượt qua yêu cầu “cần có kinh nghiệm” của doanh nghiệp tuyển dụng.
Để tăng sự chủ động, Hiếu cho rằng sinh viên nên tham gia các sự kiện tuyển dụng, ngày hội việc làm để có thể tiếp cận với nhiều cơ hội việc làm, thực tập, đặc biệt là những công việc mà bản thân yêu thích, đúng chuyên môn. Đồng thời đừng bỏ qua những cuộc gặp với các cựu sinh viên, vì dịp này giúp các bạn trẻ xây dựng và tăng thêm các mối quan hệ xã hội, được học hỏi kinh nghiệm trong công việc…
Tân cử nhân loại giỏi của Phân hiệu Trường ĐH Thủy lợi cũng chia sẻ kinh nghiệm là trước khi nộp đơn ứng tuyển, song song với việc tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp, hãy tự đặt những câu hỏi cho chính bản thân.
Hiếu lý giải: “Khi thấu hiểu bản thân thì dễ dàng trả lời được những câu hỏi của nhà tuyển dụng như: Tại sao công ty nên tuyển dụng bạn? 10 ưu điểm của bạn là gì? Đâu là những kỹ năng tốt nhất mà bạn có?…”.
Theo Hiếu, song song quá trình học các kiến thức ở trường, nên học hỏi, trau dồi các kỹ năng như: giao tiếp, thuyết trình, viết báo cáo, làm việc nhóm, quản lý thời gian… Đồng thời cần chú trọng việc nâng cao kỹ năng tin học, ngoại ngữ, sử dụng trí tuệ nhân tạo áp dụng vào việc học, cuộc sống…
Ngoài ra, để tăng khả năng được tuyển dụng, có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, Hiếu cho rằng trong những năm học đại học cần dành thời gian tham gia các hoạt động tình nguyện cũng như các hoạt động Đoàn, Hội.
Hiếu lý giải: “Tham gia những hoạt động này giúp tăng kỹ năng sống, kinh nghiệm làm việc, giúp bản thân trưởng thành hơn. Nếu có thể, hãy mạnh dạn ứng cử vào các vị trí trong câu lạc bộ, hội, nhóm của trường để thử thách bản thân”.
Riêng Hiếu, khi là sinh viên anh đã rất tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa. Hiếu từng làm Chánh văn phòng Đoàn trường và nhiều lần được Tỉnh đoàn Bình Dương tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc.
“Tham gia hoạt động Đoàn, Hội không chỉ giúp mình phát triển kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo, mà còn mở ra cơ hội tiếp xúc với nhiều người và xây dựng mạng lưới quan hệ rộng lớn. Chính những kinh nghiệm từ các hoạt động ngoại khóa đã giúp mình tự tin hơn khi gặp gỡ và làm việc với đồng nghiệp trong môi trường công việc”, Hiếu chia sẻ.
Chàng tân cử nhân đúc kết: “Sự kết hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt giữa kiến thức chuyên môn sâu được học tại trường và các kỹ năng sẽ giúp các bạn trẻ mới ra trường vượt qua vòng phỏng vấn và nhận được lời mời làm việc từ doanh nghiệp”.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phòng Truyền thông và Công tác sinh viên (Trường ĐH Thủy lợi), nhận xét: “Ngô Trung Hiếu là chàng trai “tỏa sáng” không chỉ trong học tập mà còn ở hoạt động Đoàn, Hội ngay từ năm đầu đại học. Dù Hiếu gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng đã nỗ lực vươn lên, đã nhận nhiều học bổng của trường. Câu chuyện có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đại học của Hiếu là “quả ngọt” sau hành trình nỗ lực bền bỉ của bạn ấy”.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/tan-cu-nhan-loai-gioi-chia-se-cach-co-viec-lam-ngay-sau-khi-tot-nghiep-185240519180734656.htm