Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) khiến các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng mức độ tinh vi, biến ransomware thành một dịch vụ cho tội phạm mạng. Các mối đe dọa mới cũng xuất hiện, nhắm vào hệ điều hành iOS thông qua Chiến dịch Operation Triangulation năm 2024.
Trong bối cảnh các mối đe dọa tới an ninh mạng biến đổi không ngừng, các đối tượng tấn công, công nghệ, và mối đe dọa mới liên tục xuất hiện, các tổ chức và cộng đồng phải đối mặt với cục diện đầy bất ổn. Ngay cả việc mở một email bất kỳ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.
Theo báo cáo Incident Response Analyst Report 2023 của Kaspersky, 75% các cuộc tấn công mạng đều tận dụng các lỗ hổng trong Microsoft Office. Về phương thức tấn công, 42,3% nhắm đến các ứng dụng miễn phí có sẵn trên Internet, 20,3% lợi dụng tài khoản bị xâm phạm, trong khi chỉ có 8,5% sử dụng phương thức brute force.
Phần lớn các cuộc tấn công bắt đầu đều sử dụng phương thức như sau: kẻ xấu sử dụng thông tin đăng nhập bị đánh cắp hoặc mua trái phép. Sau đó, chúng sẽ tiến hành tấn công qua giao thức máy tính từ xa RDP, gửi email lừa đảo (phishing) chứa tệp đính kèm hoặc liên kết độc hại, và lây nhiễm hệ thống thông qua các tệp độc hại giả dạng tài liệu trên các nguồn công cộng. Về mặt tích cực, số lượng các cuộc tấn công trong quý 1 năm 2023 đã giảm 36% so với cùng kỳ năm 2022.
Một trong những chiến dịch tấn công an ninh mạng nguy hiểm nhất từng được Kaspersky phát hiện, có tên gọi Chiến dịch Operation Triangulation. Chiến dịch này nhắm vào các thiết bị iOS bằng cách khai thác các lỗ hổng phần cứng trong CPU của Apple, để cài đặt phần mềm độc hại.
Đáng chú ý, các hacker đã sử dụng bốn lỗ hổng 0-day cực kỳ nguy hiểm để lây nhiễm vào các thiết bị mục tiêu. Chi phí mua những lỗ hổng này trên thị trường chợ đen có thể lên đến hơn 1 triệu USD.
Khi một thiết bị iOS bị nhắm mục tiêu, thiết bị đó sẽ nhận được một tin nhắn iMessage vô hình chứa tệp đính kèm độc hại. Tệp đính kèm này khai thác một lỗ hổng cho phép tự động thực thi mã độc mà không cần người dùng tương tác. Sau khi được cài đặt, mã độc sẽ kết nối với một máy chủ điều khiển và bắt đầu thực hiện nhiều giai đoạn tấn công. Khi hoàn tất, kẻ tấn công sẽ kiểm soát hoàn toàn thiết bị iOS và xóa sạch tất cả bằng chứng tấn công để che giấu hành vi của mình.
Apple đã vá những lỗ hổng này, tuy nhiên, để bảo vệ thiết bị trước các cuộc tấn công có thể xảy ra trong tương lai, người dùng iOS nên thường xuyên cập nhật phần mềm, định kì khởi động lại máy và tắt iMessage để giảm thiểu rủi ro nhận mã độc qua tin nhắn.
Ông Igor Kuznetsov, Giám đốc Nhóm Nghiên cứu và Phân tích Toàn cầu (GReAT) tại Kaspersky nhận định: “Các tổ chức chính phủ là mục tiêu bị tấn công nhiều nhất. Theo sau đó là các doanh nghiệp trong ngành sản xuất và các tổ chức tài chính. Ransomware và các cuộc tấn công phá hoại mạng là hai mối đe dọa nghiêm trọng nhất, gây ra thiệt hại lớn cho các tổ chức”.
KIM THANH
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/tan-cong-mang-khai-thac-cac-lo-hong-phan-cung-trong-cpu-cua-apple-post754206.html