Quang cảnh buổi giám sát.
Làm việc với đoàn giám sát có ông Nguyễn Ngọc Trỗi- Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện; lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường; Phòng Kinh tế và Hạ tầng; lãnh đạo UBND các xã, thị trấn.
Báo cáo tại buổi giám sát, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết, để thực hiện tốt công tác khai thác khoáng sản trên địa bàn, UBND huyện triển khai 17 văn bản của cấp trên và ban hành 12 văn bản chỉ đạo, tổ chức quán triệt lĩnh vực khoáng sản cũng như việc quản lý, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản đúng mục đích.
Có 13 giấy phép khai thác vật liệu san lấp đang hoạt động với diện tích 64,09 ha, trữ lượng 4.029.668 m3; 3 giấy phép thăm dò khai thác khoảng sản, diện tích 15,88 ha; 21 mỏ hết hạn giấy phép khai thác khoáng sản có quyết định đóng cửa mỏ; có 37.254,04 ha thuộc khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản.
Trữ lượng đã được cấp phép, công suất khai thác hàng năm trung bình 681.300 m3, bảo đảm cung cấp thực hiện xây dựng các công trình, dự án, hạ tầng kỹ thuật và nhu cầu san lấp của người dân.
Hiện có 35 vị trí chưa khai thác, diện tích 654,98 ha, trữ lượng 96.401.874 m3 (gồm đá xây dựng, cuội sỏi và đất san lấp).
Từ đầu năm 2021 đến nay, UBND huyện thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường hơn 10,2 tỷ đồng từ hoạt động khai thác khoáng sản. Các doanh nghiệp có hỗ trợ địa phương cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường giao thông nông thôn, hỗ trợ an sinh xã hội tại địa phương hơn 263 triệu đồng.
Tổ chức 3 cuộc kiểm tra, xử lý 2 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 439 triệu đồng. Ngoài ra còn phối hợp Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Thanh tra sở Tài nguyên – Môi trường xử lý 1 trường hợp vi phạm hơn 388 triệu đồng.
Khảo sát thực tế hầm mỏ khai thác đất san lấp tại xã Tân Bình.
Qua khảo sát thực tế tại các khu vực có mỏ khai thác khoáng sản cho thấy, tình trạng tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản ngày càng tinh vi, phức tạp; công tác giám sát thực hiện tại địa phương còn chưa chặt chẽ; một số hầm mỏ chưa thực hiện thủ tục đăng ký theo thời gian quy định trong hợp đồng thuê đất; chưa bảo đảm bao đê, bảo vệ hay trồng cây xanh theo quy định; biển báo, công khai giấy phép, trữ lượng khai thác không rõ ràng; một số doanh nghiệp chưa lắp đặt trạm cân, camera giám sát theo quy định; hạ tầng giao thông nơi vận chuyển khoáng sản sau khai thác hư hỏng nặng, ảnh hưởng việc đi lại của người dân.
Kết luận buổi giám sát, Trưởng đoàn giám sát đã chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về khai thác khoảng sản, đề nghị UBND huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện chương trình hành động số 24 – CTr/HU ngày 3.1.2011 của Ban Thường vụ Huyện ủy về thực hiện nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25.4.2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Đổi mới công tác tuyên truyền, cụ thể hóa các văn bản của cấp trên; tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ cho cán bộ huyện, xã; tăng cường biện pháp quản lý, yêu cầu các chủ doanh nghiệp thực hiện các biện pháp khắc phục, cải tạo phục hồi hạ tầng, môi trường sau đóng cửa mỏ; bảo vệ tài nguyên, khoáng sản không làm ảnh hưởng cảnh quan môi trường, bảo đảm an ninh trật tự khu dân cư.
Duy Phú