Nếu đang ở khu IP Pavlova, bạn có thể tình cờ biết đến Ngô restaurant, nhà hàng của nhà họ Ngô. Quản lý nhà hàng hiện nay là anh Hung Ngo Van, 27 tuổi, sống ở Czech đã 15 năm. Anh Hung cho biết: “Khi tôi 3 tuổi, cha mẹ tôi rời Việt Nam. Rồi tôi sang Czech cùng cha mẹ lúc 13 tuổi”.
Dĩ nhiên, những tháng ngày đầu ở xứ người không hề dễ dàng. Theo lời của mẹ Hung, “rất nhiều người (Việt Nam) bán hàng ở biên giới với Đức và Áo. Đây là lựa chọn duy nhất nếu không làm việc tại nhà máy”.
Không biết tiếng Czech nên mỗi lần đi khám bệnh đều phải dùng ngôn ngữ hình thể để giải thích – một điều không dễ dàng chút nào. “Sau đó, mẹ tôi cố gắng học thêm một chút tiếng Czech, rồi bà giúp các thành viên khác trong cộng đồng hiểu thêm về văn hóa Czech” – anh Hung kể.
Anh Hung Ngo Van và chị Linh Nhi Vu trong nhà hàng của gia đình .Ảnh: ĐÀI PHÁT THANH PRAGUE
Cũng sang CH Czech dạng hợp tác lao động những năm cuối thập niên 1980 (theo chương trình giữa hai chính phủ) như cha mẹ anh Hung, cha mẹ của chị Linh Nhi Vu – bạn gái của anh Hung – trải qua tháng ngày khó khăn ban đầu tương tự.
Chị Linh Nhi Vu nhớ lại: “Khi cha mẹ tôi mới sang, họ là công nhân. Công việc đầu tiên của cha tôi là làm trong trang trại nuôi bò. Mẹ tôi may quần áo nhưng mấy năm sau chuyển sang bán hàng gần biên giới như bao người thời đó”.
Linh nghĩ cha mẹ mình rất cô đơn và gặp nhiều vất vả khi mới sang, phần vì không biết tiếng, phần vì “hồi đó cộng đồng người Việt không đông như bây giờ”. Theo Đài Phát thanh Prague, người Việt ở CH Czech hiện là cộng đồng thiểu số lớn thứ 3, sau người Slovak và người Ukraine, với gần 31.500 người.
Một góc bên trong Trung tâm thương mại SAPA của thủ đô Prague Ảnh: tasteofprague.com
Siêu thị mini của người Việt Ảnh: chaupraha.com
Với mong muốn tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn ở CH Czech, những người Việt dốc sức làm việc từ sáng sớm đến tối mịt. Cả Hung và Linh đều cảm nhận được sự nhọc nhằn của cha mẹ khi phải làm quần quật suốt 15 giờ/ngày.
Linh nói với Đài Phát thanh Prague: “Thức dậy lúc mặt trời mọc, về đến nhà lúc mặt trời lặn. Cha mẹ tôi không có lựa chọn nào khác. Đó là mẫu số chung của hầu hết các gia đình người Việt gầy dựng cuộc sống mới ở Czech vào thời điểm đó”.
Nhiều bậc cha mẹ chỉ có thời gian cho con vào cuối tuần nên phải thuê người giúp việc người Czech chăm sóc con. Vô tình các bảo mẫu lại đóng vai trò quan trọng kết nối trẻ em gốc Việt với văn hóa bản địa.
Nói như chị Linh, “các bảo mẫu đã giúp chúng tôi – những người nhập cư thế hệ thứ hai – hòa nhập vào xã hội Czech. Họ giúp chúng tôi học tiếng Czech, chỉ chúng tôi biết về truyền thống cũng như ẩm thực Czech”.
Còn với Hung, anh “vẫn cảm thấy mình là người Việt Nam”, cảm thấy bản thân là tổng hòa của hai nền văn hóa: Ở nhà đậm văn hóa Việt, còn ra đường là cả bầu trời ngôn ngữ và con người Czech. Thế hệ người Việt thứ hai ở CH Czech như Linh và Hung tự hào về “bản sắc kép” và cảm thấy bản thân giàu có hơn nhờ điều đó.
Tiệm phở của người Việt ở thủ đô Prague của Cộng hòa Czech Ảnh: Veronika Primm/Lonely Planet