Tại phiên họp giả định Quốc hội trẻ em vừa qua, nhiều đại biểu trẻ em đã để lại ấn tượng sâu sắc, trong đó có Chủ tịch Quốc hội trẻ em Lê Gia Vinh và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giả định Trần Bình Minh.
Hai em Lê Gia Vinh và Trần Bình Minh cũng đã có những bức ảnh nhiều cảm xúc nhất trong Quốc hội trẻ em, đó là bức ảnh Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn gặp Bộ trưởng giả định Trần Bình Minh và bức ảnh Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nắm tay Lê Gia Vinh chụp ảnh lưu niệm.
Thúc đẩy những thay đổi tích cực cho trẻ em
Chủ tịch Quốc hội trẻ em Lê Gia Vinh năm nay 14 tuổi, là học sinh lớp 8/5 Trường THCS Hùng Vương (H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Với phong thái rất chững chạc, tự tin, Gia Vinh đã được chọn vào vai Chủ tịch Quốc hội trong phiên họp giả định Quốc hội trẻ em diễn ra từ 2.7 – 29.9 vừa qua.
Gia Vinh cao 1m74, có niềm yêu thích đặc biệt với môn văn và tiếng Anh. Gia Vinh cho biết, để đóng vai Chủ tịch Quốc hội trẻ em, em đã tham khảo, tìm hiểu rất kỹ lưỡng về đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành liên quan trẻ em.
Cùng đó, em cũng tiếp xúc với “cử tri trẻ em” ở tỉnh Đồng Nai để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Đặc biệt, em tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ thực trạng, nguyên nhân, giải pháp về 2 chủ đề của phiên họp là “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.
“Em cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được trở thành một đại biểu Quốc hội trẻ em và được đóng vai Chủ tịch Quốc hội giả định. Đây không chỉ là trách nhiệm lớn, mà còn là cơ hội quý báu để em có thể đóng góp tiếng nói của mình vào những quyết định quan trọng liên quan đến thế hệ trẻ của đất nước”, Gia Vinh chia sẻ.
Theo Gia Vinh, việc được đại diện cho các bạn đồng trang lứa, thể hiện nguyện vọng và suy nghĩ của họ trước Quốc hội trẻ em đã truyền cho em một động lực mạnh mẽ để cố gắng học hỏi và phấn đấu hơn nữa.
“Em hiểu rằng, với vai trò này, em cần lắng nghe, thấu hiểu những khó khăn mà các bạn trẻ đang phải đối mặt như học tập, mối quan hệ xã hội, bạo lực học đường và những vấn đề sức khỏe tinh thần. Những điều này thúc đẩy em không ngừng rèn luyện kỹ năng giao tiếp, lắng nghe và đồng cảm để có thể trở thành cầu nối giữa bạn trẻ và Quốc hội trẻ em”, Gia Vinh tâm sự.
Nói về dự định trong thời gian tới, Gia Vinh cho biết sẽ tập trung vào 3 mảng quan trọng để phát huy vai trò của mình. “Là một đại biểu Quốc hội trẻ em, em sẽ cố gắng sử dụng tiếng nói của mình, nỗ lực xây dựng và mở rộng các diễn đàn đối thoại giữa trẻ em và các nhà làm luật. Những diễn đàn này sẽ giúp em và các bạn khác có thể chia sẻ suy nghĩ, mong muốn về giáo dục, y tế và môi trường sống lành mạnh. Đồng thời, em cũng sẽ lắng nghe những ý kiến đóng góp để tạo nên những đề xuất chính sách phù hợp hơn, đáp ứng nhu cầu thực tế của trẻ em”, Gia Vinh chia sẻ.
Gia Vinh cũng cho biết, em sẽ chủ động tham gia các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về quyền trẻ em. “Em tin rằng, việc hiểu biết rõ về quyền của mình sẽ giúp các bạn trẻ có thêm sức mạnh và tự tin trong cuộc sống. Em sẽ xin các bác lãnh đạo địa phương tổ chức các buổi giao lưu, hội thảo và các hoạt động thực tế nhằm nâng cao nhận thức của các bạn trẻ về quyền lợi của mình và cách bảo vệ chính mình.
Bên cạnh đó, em sẽ dành thời gian học hỏi thêm kiến thức và kỹ năng, đặc biệt là trong lĩnh vực lập pháp. Việc hiểu sâu hơn về quy trình ra quyết định và cách thức hoạt động của Quốc hội sẽ giúp em đưa ra những ý kiến sắc bén, thực tiễn hơn. Em cũng sẽ tích cực làm việc với các đại biểu khác để thúc đẩy những thay đổi tích cực cho trẻ em”, Gia Vinh nói.
Sự vào vai Chủ tịch Quốc hội trẻ em của Gia Vinh đã nhận được sự yêu quý của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ngay sau khi kết thúc phiên họp, hai nhà lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quốc hội đã nắm tay Gia Vinh chụp ảnh kỷ niệm tại Hội trường Diên Hồng, thể hiện sự quan tâm, chăm lo và đặt niềm tin vào thế hệ trẻ.
Trở thành tấm gương sáng cho bạn cùng trang lứa
Trong phiên chất vấn của Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em, Trần Bình Minh (học sinh lớp 9C Trường THCS Lương Khánh Thiện, H.An Lão, TP.Hải Phòng) đã vào vai Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Em cũng nhận nhiều câu chất vấn và tranh luận xung quanh bạo lực học đường từ các đại biểu Quốc hội trẻ em.
Với phong thái điềm tĩnh, trả lời gãy gọn, khúc triết, Bộ trưởng giả định Trần Bình Minh đã khiến các đại biểu “nhí” rất hài lòng. Đặc biệt, phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá rất cao và cho rằng những vấn đề đại biểu trẻ em nêu ra đều không phải là giả định, nó động chạm đến nhiều vấn đề “cốt lõi” của học đường. Sau đó, ông đã vui vẻ chụp ảnh cùng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giả định và các đại biểu tại Hội trường Diên hồng.
Chia sẻ về việc đảm nhận vai trò Bộ trưởng GD-ĐT trẻ em tại phiên họp giả định, Bình Minh cho biết, bản thân cảm thấy rất tự hào, vinh dự và xúc động khi được là cầu nối giữa trẻ em và nghị trường, nói lên tiếng nói của trẻ em trong các vấn đề liên quan đến trẻ em.
“Em thấy dù được gọi là phiên họp giả định, nhưng 2 chủ đề của phiên họp cùng với những câu chất vấn, tranh luận và trả lời rất thiết thực. Hai vấn đề về bạo lực học đường và thuốc lá điện tử cũng là 2 vấn đề nóng trong xã hội hiện nay. Em đã có những nhận thức sâu sắc và những kiến thức bổ ích về vấn đề bạo lực học đường cũng như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng”, Bình Minh chia sẻ.
Bình Minh cũng cho biết, vai trò Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giả định và đại biểu Quốc hội trẻ em khiến em luôn nhắc nhở bản thân phải không ngừng trau dồi, cố gắng phát huy, học tập chăm chỉ để hoàn thiện bản thân, trở thành một tấm gương sáng cho các bạn đồng trang lứa cũng như tăng quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em.
“Trong hành trình sắp tới, em hy vọng, với vai trò của mình, em có thể góp phần xây dựng một môi trường sống, học tập tốt hơn cho thế hệ trẻ và tạo ra những thay đổi tích cực cho xã hội”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giả định bày tỏ.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/tam-su-cua-chu-tich-quoc-hoi-va-bo-truong-gd-dt-gia-dinh-trong-quoc-hoi-tre-em-185241003181009591.htm