Tâm sự của một người mẹ
Trong một bài viết đăng tải trên mạng xã hội, người phụ nữ có tên Aila tâm sự thành thật rằng sau một năm chịu đựng những nỗi khốn khổ vì bị bắt nạt ở nơi làm việc, chị bắt đầu nhận thấy bản thân dễ cáu giận và thường hay đánh mắng cậu con trai 8 tuổi.
Tự nhận thấy bản thân đang có vấn đề về tâm lý và hành vi, người mẹ chia sẻ câu chuyện của bản thân trên mạng xã hội, hy vọng nhận được sự sẻ chia và khuyên nhủ.
“Tôi đã phải chịu đựng sự bắt nạt nơi công sở trong vòng một năm trở lại đây. Sự cạnh tranh không lành mạnh ở nơi làm việc quá khủng khiếp dẫn tới những trạng thái tiêu cực. Ngay cả khi tôi đạt được thành tích tốt, tôi cũng không vui nổi. Đồng nghiệp gièm pha, ghen tị, chơi xấu khiến tâm lý tôi bị ảnh hưởng nặng nề.
Trước những vấn đề tiêu cực ở nơi làm việc, tôi nhận thấy bản thân đang trở nên dễ cáu giận và thường đánh mắng con trai nhỏ. Nhiều khi nhìn nhận lại, tôi thấy mình vô lý và còn có phần tàn nhẫn với con. Tôi sợ rằng sự tiêu cực trong công việc đã khiến tôi mất đi sự tỉnh táo…”, người mẹ tâm sự.
Người phụ nữ cho biết cô rất trân trọng công việc và không muốn dễ dàng bỏ việc. Cô đã trình bày vấn đề với cấp trên nhưng tình hình không được cải thiện.
Aila cho biết dù cô nhận thấy bản thân có vấn đề trong cách hành xử với con, thậm chí có lúc, cô còn cảm thấy hối hận, nhưng mỗi khi cơn giận xuất hiện, cô vẫn không thể kiểm soát bản thân.
Câu chuyện của Aila đang gây tranh luận trên mạng xã hội Malaysia, mở ra những bàn luận sâu hơn về hiện tượng bắt nạt nơi công sở, cũng như vấn đề sức khỏe tinh thần của phụ huynh.
“Nhiều khi, cơn giận của cha mẹ không phải vì những gì mà trẻ đã làm. Nguyên nhân thật sự đằng sau cơn giận là sự bất mãn trước cuộc sống hôn nhân, áp lực công việc, khó khăn tài chính… Cha mẹ rất dễ trút những bức bối tâm lý của mình lên con trẻ”, một cư dân mạng bình luận.
Cha mẹ cần kiểm soát cơn giận như thế nào?
Áp lực cuộc sống là một lý do thường thấy khiến cha mẹ trở nên mất kiểm soát trước con nhỏ. Dù vậy, khi bình tĩnh lại, chúng ta đều nhận thấy rằng mọi chuyện sẽ được xử lý tốt đẹp hơn, nếu chúng ta giữ được sự bình tĩnh.
Dù vậy, khi cơn giận “bốc lên”, khả năng kiểm soát của cha mẹ sụt giảm nhiều. Điều này cũng… bình thường xét trên góc độ tâm lý học. Dù vậy, làm cha mẹ đòi hỏi phụ huynh phải biết kiểm soát bản thân, đặc biệt là cơn nóng giận, bởi sự giận dữ không kiểm soát rất có hại đối với việc dạy con.
Điều quan trọng nhất cha mẹ cần ghi nhớ về cơn giận là không hành động gì trong lúc cáu giận. Lúc đó, cha mẹ có xu hướng muốn hành động ngay, muốn dạy con ngay, nhưng nhu cầu ấy là do cơn giận “lên tiếng”.
Cha mẹ chỉ nên dạy con khi đã bình tĩnh. Lúc ấy, những lời dạy bảo sẽ có tính giáo dục hơn, nhờ vậy, trẻ tiếp thu dễ dàng hơn.
Đừng đánh mắng, đừng dạy bảo, đừng trách phạt con khi bản thân còn đang giận dữ. Cha mẹ hay cáu giận sẽ khiến con nhỏ học theo. Trong khi đó, kiểm soát tốt tâm lý và hành vi của bản thân là một kỹ năng rất quan trọng.
Trẻ nhỏ sẽ quan sát cơn giận của cha mẹ. Cha mẹ biết cách xử lý cơn giận sẽ dạy cho con kỹ năng kiểm soát bản thân ngay cả trong cơn giận dữ. Để kiểm soát cơn giận, cha mẹ hãy ghi nhớ một số điều.
Đặt giới hạn cho cơn giận
Cha mẹ hãy tự đặt ra những giới hạn cho cơn giận của bản thân khi đứng trước con cái, chẳng hạn không đánh đòn, không quát tháo, không dạy bảo, không trách phạt con khi còn đang giận dữ.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần học cách giao tiếp với con khi bản thân đang không có tâm trạng tốt. Hãy từ tốn nói cho con hiểu: “Lúc này, cha mẹ đang mệt, con hãy giữ trật tự, làm việc của mình, không nghịch ngợm ở thời điểm này”. Những lời dặn dò dễ hiểu, nhẹ nhàng như vậy có thể phát huy tác dụng bất ngờ.
Bình tĩnh trước khi hành động
Khi thấy bản thân đã nổi giận, hãy tự nhủ: dừng lại, hít thở sâu. Hãy nhớ rằng sự việc không có gì khẩn cấp, bạn không cần phải hành động ngay.
Hãy tìm lý do nào đó để bật cười, cho dù là ép bản thân cười, bạn cũng tạo nên tín hiệu tích cực cho hệ thần kinh, giúp các xúc cảm dịu lại, bạn sẽ bình tĩnh hơn.
Nếu bạn thường xuyên giận dữ, hãy dành cho bản thân 20 phút mỗi ngày để ngồi trong tĩnh lặng. Mỗi lần bạn kiểm soát được cơn giận là một lần bạn gia tăng năng lực tự kiểm soát.
Thực tế, đằng sau cơn giận luôn là nỗi sợ, nỗi buồn, nỗi thất vọng…, chính bạn sẽ phải tự hiểu những xúc cảm sâu kín nhất của mình để giải quyết tận gốc vấn đề.
“Rút lui”
Khi đang giận dữ, hãy cho mình tạm thời thoái lui và chỉ quay trở lại khi đã bình tĩnh hơn. Đứng trước con cái, khi thấy mình đang giận dữ, cha mẹ hãy tạm quay về phòng riêng, góc riêng.
Nếu con đã đủ lớn để có thể ngồi lại một mình, hãy từ tốn nói với con: “Cha mẹ đang quá giận để nói được gì với con vào lúc này. Cha mẹ sẽ nói lại về chuyện này khi đã bình tĩnh hơn”.
Việc bạn tạm dừng câu chuyện không có nghĩa là bạn chiều hư hay bất lực trước con. Thực tế, động thái tạm dừng nói chuyện của cha mẹ sẽ khiến con hiểu rõ hơn mức độ nghiêm trọng của sự việc. Ngoài ra, con còn thấy cách cha mẹ tự kiểm soát bản thân trong cơn giận.
Nếu con còn nhỏ và bạn không muốn để con ngồi lại một mình, bạn có thể ngồi cách xa con, hít thở sâu để bình tĩnh lại.
Lắng nghe cơn giận
Cách tốt nhất để xử lý cơn giận là nỗ lực lấy lại bình tĩnh, nhận diện rõ vấn đề và điều cần thay đổi để cải thiện tình hình. Xung quanh chuyện dạy con, nhiều khi vấn đề nằm ở chính cha mẹ. Có thể cha mẹ cần định hướng tốt hơn, cần đưa ra một số quy tắc rõ ràng hơn để các con tuân thủ.
Càng trút giận lại càng giận
Chúng ta tưởng rằng mình cần phải xả cơn giận để nguôi bớt, nhưng thực tế để cơn giận bộc phát ra càng khiến chúng ta mất kiểm soát, cơn giận có thể leo thang khủng khiếp hơn mức dự liệu. Khi bình tĩnh lại, có thể chúng ta sẽ cảm thấy hối hận vì đã làm tổn thương con trẻ trong lúc giận dữ thái quá. Câu trả lời cho mọi cơn giận là cần giữ bình tĩnh trước đã.
Đừng vội phạt con
Hãy xây dựng thói quen không hành động khi đang giận dữ. Hãy trì hoãn việc đối thoại và trách phạt con chừng nào bạn còn chưa thực sự bình tĩnh. Trong quãng thời gian đó, cha mẹ và con cái vẫn cần làm việc, học tập bình thường.
Khi ngồi lại đối thoại, bạn cần lắng nghe con, hồi đáp con một cách hợp lý và tôn trọng. Điều quan trọng nhất trong mỗi cuộc đối thoại về lỗi sai của con chính là cha mẹ phải cùng con xác định được những giới hạn. Điều này sẽ giúp con biết tự kiểm soát, giảm bớt những chuyện khiến cha mẹ giận dữ hoặc phiền lòng.
Không phạt đòn con
Các chuyên gia giáo dục không bao giờ ủng hộ hành vi phạt đòn trẻ nhỏ, bởi động thái này gây ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển của trẻ và có thể để lại những ảnh hưởng tâm lý dài lâu.
Cha mẹ luôn cần kiểm soát bản thân trước con, khi thấy bản thân đã quá giận và có thể để mất kiểm soát, cha mẹ hãy rời khỏi phòng. Trong trường hợp cha mẹ đã có những ứng xử mất kiểm soát đối với con và cảm thấy hối hận, cha mẹ hãy chân thành xin lỗi con.
Đừng đe dọa
Không đánh đòn, nhưng cha mẹ cũng không nên đe dọa con bằng lời nói, bởi điều này gieo rắc nỗi sợ hãi không lành mạnh. Hơn thế, những lời đe dọa thường là phóng đại, khi trẻ nhận ra sự thật này, lời nói của cha mẹ sẽ “mất uy”, trẻ sẽ càng bướng bỉnh, không nghe lời.
Kiểm soát giọng nói và ngôn từ
Bạn càng cố gắng giữ giọng bình tĩnh, bạn càng nhanh chóng lấy lại sự bình tĩnh. Điều này cũng khiến con bình tĩnh hơn. Việc cha mẹ lớn tiếng và dùng lời lẽ giận dữ chỉ khiến chính cha mẹ và con cùng mất kiểm soát.
Đừng giận dữ triền miên
Cha mẹ hay cáu giận sẽ tạo nên không khí tiêu cực trong gia đình, vì vậy, đừng dễ nổi cáu. Bạn cần biết điều gì là quan trọng trong việc dạy con.
Những hành động nhỏ của con, ví dụ: để đồ bừa bãi, có thể khiến bạn bực bội, nhưng đừng dễ cáu giận vì những chuyện lặt vặt. Hãy nhớ rằng, bạn càng vui vẻ, nhẹ nhàng, càng gắn bó, gần gũi với con, con sẽ càng nghe lời bạn hơn.
Theo SCMP/Psychology Today
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/tam-su-chua-chat-cua-nguoi-me-hanh-ha-con-trai-vi-bi-bat-nat-noi-cong-so-20240913183327250.htm