Không còn nhớ vị bánh trung thu
Ngày cận Tết Trung thu, khu nhà trọ của người lao động nghèo ở khu phố 14, phường An Phú (TP Thủ Đức, TPHCM) vẫn không khác ngày thường. Thỉnh thoảng, mấy đứa trẻ con trong xóm chạy ùa ra chơi với nhau, nhưng hiếm có em nào để ý đến ngày Tết sắp tới.
18h, khi trời tối dần, khu nhà trọ với khoảng 20 dãy phòng, lại càng trở nên im lìm hơn. Trong căn trọ lụp xụp chưa vẹn 15m2, chị Trần Thị Thùy Linh (43 tuổi, quê tại Bến Tre) “đầu bù tóc rối”, chăm đứa con trai 3 tuổi chỉ mới biết bập bẹ vài tiếng.
Bất chợt, trời đổ cơn mưa. Chị Linh thở phào vì căn trọ đỡ phần nào nóng bức.
Nhắc đến Tết Trung thu, chị ngại ngùng, cười trừ rồi rơi vào lặng im. Người phụ nữ bộc bạch rằng từ 18 năm trước, ngày chị lên TPHCM lập nghiệp cũng là lúc cuộc sống mưu sinh khiến chị không còn tâm trí nghĩ đến những ngày này.
“Nói ra thì ngại quá, nhưng lần cuối tôi ăn bánh trung thu là 10 năm trước. Lúc ấy, tôi còn làm công nhân cho công ty may. Mỗi dịp Tết Trung thu, công ty đều tặng cho tôi một hộp bánh. Nhưng kể từ khi chuyển chỗ làm, có năm nào tôi dám bỏ tiền mua bánh trung thu đâu”, chị Linh nói.
Vợ chồng chị có 2 đứa con, nhưng chẳng năm nào các con được ba mẹ dắt đi chơi dịp Tết Trung thu. Chị Linh trải lòng vì cuộc sống mưu sinh quá vất vả, những ngày vợ chồng chị tan làm cũng là lúc cơ thể mệt rã rời, chẳng còn hơi sức quan tâm đến con. Khu trọ nằm cách xa trung tâm thành phố, vậy nên bọn trẻ chỉ vui chơi quanh quẩn, hiếm khi đi xa khỏi nơi này.
Để con không thấy tủi thân, chị đành đi mua cho con chiếc bánh trung thu nhỏ. Tiền chi tiêu tháng này chỉ còn một ít, vậy nên chị Linh cứ phân vân mãi: “Không biết có nên mua lồng đèn cho con hay không”.
Mơ một mùa trung thu ấm áp
Chị Linh và chồng từng là thợ sơn công trình. Kể từ khi sinh đứa con út, chị phải nghỉ ở nhà để sinh con. Vì thế, mọi gánh nặng tài chính đổ dồn lên vai chồng chị, anh Nguyễn Văn Á (40 tuổi, quê tại Đồng Tháp). Thu nhập của đôi vợ chồng từ 15 triệu đồng/tháng, giờ chỉ còn một nửa.
“Không đủ khả năng, tôi đành gửi con gái về quê học đại học, nhờ em trai nâng đỡ. Giờ chỉ mong con sớm có công việc ổn định, có một cuộc sống đủ đầy hơn”, chị Linh ngậm ngùi, nói.
Ba mẹ ở quê đều đã lớn tuổi, anh em trong nhà ai nấy cũng khó khăn. Chị Linh không muốn phải làm gánh nặng cho gia đình nên chẳng dám than vãn với ai. Chị chỉ định bụng cố gắng thêm vài năm nữa, tích cóp một số tiền rồi quay về quê hương.
Làn da đen nhẻm vì mưu sinh cả ngày ngoài trời, anh Á lau vệt mồ hôi ướt đẫm trên trán, nhẹ nhàng hôn lên má của con trai. Đôi bàn tay lấm lem màu sơn trắng, anh cố không chạm vào người con vì sợ làm dơ chiếc áo của con.
“Dù nghèo nhưng chúng tôi cũng cố cho con hết tất cả những gì mình có. Năm nay, vợ chồng mua bánh trung thu thì năm sau sẽ cố gắng mua thêm chiếc lồng đèn. Con cái chính là động lực để chúng tôi cố gắng”, anh Á tâm sự.
Cách căn trọ của chị Linh và anh Á chỉ vài bước, khu trọ được lợp bằng lá cũng bắt đầu có tiếng í ới của bọn trẻ con. Tự nhận là hộ dân “ít nghèo khó” nhất khu trọ, chị Thơ (40 tuổi, quê tại An Giang) khoe bản thân vừa mua bánh trung thu và lồng đèn cho con trai nhỏ.
Chị Thơ chia sẻ chị mưu sinh bằng nghề bán trái cây cho cư dân ở khu trọ. Chồng chị làm phục vụ ở quán nhậu, kiếm tiền nuôi con. Dù cuộc sống không mấy dư dả, chị Thơ vẫn cảm thấy may mắn vì còn nhiều người ở khu trọ còn khó khăn hơn mình rất nhiều.
Chỉ tay về dãy trọ, chị Thơ cho hay khu vực này đa số là người lao động thu nhập thấp sinh sống. Họ sống tại đây đã nhiều năm, ai nấy đều thấu hiểu hoàn cảnh của mỗi người và xem nhau như họ hàng thân thiết.
“Năm nào cũng vậy, bất cứ ngày lễ nào, khu trọ vẫn cứ ảm đạm như thế. Vì cuộc sống mưu sinh vất vả, không có nhiều điều kiện nên chúng tôi khó có thể nghĩ đến những dịp vui chơi. Nhưng Tết Trung thu là Tết đoàn viên, dù không đèn, không bánh, chúng tôi chỉ cần nhìn vợ chồng, con cái vẫn còn bên cạnh, cũng thấy rất vui rồi”, chị Thơ trải lòng, có phần xót xa.
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/tam-su-buon-cua-nu-cong-nhan-10-nam-chua-nem-mui-banh-trung-thu-20240916165735139.htm