Tháo rào cản để tạo đà tăng trưởng cho ngành thép 8 tháng xuất khẩu sắt thép của Việt Nam thu về hơn 6,4 tỷ USD |
Chiến lược phát triển ngành thép giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra những định hướng quan trọng, đồng thời mở ra tầm nhìn mới cho ngành công nghiệp trọng điểm này.
Kỳ vọng bắt kịp tiêu chuẩn xanh hóa
Ngành sản xuất thép của Việt Nam phát triển mạnh trong những năm gần đây. Nếu năng lực sản xuất những năm 90 của thế kỷ trước chỉ khoảng 200.000 – 300.000 tấn thép/năm, thì nay đã tăng lên 20 triệu tấn thép thô/năm, thép thành phẩm 28 triệu tấn/năm, đứng thứ 12 trên thế giới.
Tuy nhiên hiện nay ngành sản xuất này đang gặp nhiều khó khăn do sự sụt giảm của lĩnh vực bất động sản, dẫn đến nhu cầu giảm. Ở lĩnh vực xuất khẩu, yêu cầu xanh hóa cũng được xác định là rào cản lớn.
Về vấn đề này, ông Phạm Công Thảo – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam – cho hay, để chuyển đổi sản xuất xanh, ngành thép cần được hỗ trợ, chỉ riêng ngành sẽ không làm nổi. Đơn cử, muốn xanh hóa sản xuất, ngay từ đầu vào như nguyên liệu hay năng lượng đều phải xanh.
Chiến lược phát triển ngành thép:Tầm nhìn mới cho ngành công nghiệp trọng điểm. Ảnh: Hoà Phát |
Đặc thù của sản xuất thép là gây phát thải lớn. “Việt Nam đặt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, nghe có vẻ dài, nhưng với ngành thép không dài vì áp lực chuyển đổi xanh rất lớn, yêu cầu nguồn vốn lớn, vì vậy cần được Nhà nước hỗ trợ vốn, ưu đãi đầu tư, giảm lãi suất”, ông Thảo nói.
Với những thách thức trên, việc Bộ Công Thương xây dựng chiến lược mới cho phát triển ngành thép được kỳ vọng sẽ tạo sự thay đổi tích cực, giúp ngành bắt kịp sự thay đổi của thị trường.
Điểm nhấn quan trọng có thể nhận thấy, chiến lược định hướng phát triển ngành thép theo hướng xanh, tuần hoàn, phát thải carbon thấp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, giai đoạn đến năm 2050, ngành thép phát triển hài hòa thân thiện với môi trường, phù hợp với các ngành kinh tế khác; tập trung vào lĩnh vực sản xuất thép có công nghệ hiện đại, chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh để khử carbon cho nền kinh tế và đóng góp quan trọng vào thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Cùng nhiều định hướng quan trọng
Bên cạnh tăng trưởng xanh, trong Chiến lược phát triển ngành thép giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương cũng xây dựng nhiều định hướng quan trọng khác cho ngành.
Cụ thể, về phát triển sản xuất, chiến lược định hướng xây dựng kế hoạch, chủ động về nguồn cung nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất gang và sắt xốp từ nguồn nguyên liệu quặng sắt trong nước và nhập khẩu để cung cấp phối liệu cho nhà máy luyện thép. Sử dụng công nghệ số hóa trong quá trình sản xuất để tăng cường hiệu suất, chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý, khuyến khích tái chế và sử dụng lại các sản phẩm thép để giảm bớt tác động đến môi trường, tăng cường tài nguyên tái sử dụng.
Định hướng phát triển các sản phẩm thép tập trung 4 nhóm sản phẩm chính: Thép xây dựng; thép ống; thép cuộn cán nóng HRC, thép cán nguội; tôn mạ kim loại và sơn phủ màu bao gồm mạ kẽm, mạ màu, hợp kim Al-Zn.
Phát triển các doanh nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; tiếp tục đầu tư doanh nghiệp có công nghệ mới đảm bảo giảm phát thải khí nhà kính, đáp ứng sản phẩm thép cạnh tranh trong hội nhập quốc tế. Nâng cao chất lượng và hiệu suất sản xuất, tăng cường quản lý, ứng dụng các tiêu chuẩn chất lượng vào sản phẩm.
Về thu hút đầu tư, đổi mới công nghệ cho phát triển ngành thép, định hướng tạo cơ chế thông thoáng để thu hút đầu tư sản xuất từ mọi thành phần kinh tế. Xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Tạo điều kiện cho hợp tác giữa chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân để đầu tư vào các dự án hạ tầng quan trọng như cảng biển, đường sắt và đường bộ để hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển của ngành thép.
Đầu tư phát triển công nghệ sản xuất mới hiện đại tiêu tốn ít năng lượng, phát thải CO2 thấp, nhằm mục tiêu có đủ chứng nhận về carbon để tham gia vào chuỗi cung cấp thép trên toàn cầu. Có các chính sách khuyến khích và ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tiên tiến trong sản xuất thép, áp dụng tự động hóa, IoT và các công nghệ xanh khác để tăng cường hiệu suất và giảm thiểu tác động đến môi trường, thực hiện kế hoạch hành động sản xuất thông minh trong ngành thép, sản xuất thép.
Phát triển các khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp chuyên ngành dành riêng cho ngành thép, cung cấp cơ sở hạ tầng và tiện ích cần thiết để thu hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Dựa vào các doanh nghiệp hàng đầu để thúc đẩy sản xuất hợp tác đa cơ sở và hiện thực hóa việc tối ưu hóa toàn bộ chuỗi cung ứng ngành. Xây dựng một trung tâm dữ liệu lớn cho ngành thép để cải thiện khả năng quản lý. Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và start-up trong lĩnh vực công nghệ thép thông qua cung cấp vốn đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật và các chương trình đào tạo.
Ngoài ra, chiến lược cũng định hướng những nội dung quan trọng khác cho phát triển ngành thép, như: Phát triển nguồn nhân lực; nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp; phát triển hạ tầng cho phát triển ngành thép; phân bổ không gian cho sản xuất, chế biến thép…
Theo dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển ngành thép giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách Công Thương lấy ý kiến đóng góp, mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng ngành thép bình quân hàng năm từ 5-7%; tiêu thụ từ 270-280 kg/người/năm; công suất sản xuất thép của các nhà máy luyện kim trong nước tăng lên để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, đạt từ 40 – 45 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030. Giai đoạn đến năm 2050, tốc độ tăng trưởng ngành thép bình quân hàng năm xấp xỉ 5%; tiêu thụ 360 – 370 kg/người/năm; sản lượng thép của Việt Nam vào năm 2050 đạt từ 65 – 70 triệu tấn. |
Nguồn: https://congthuong.vn/chien-luoc-phat-trien-nganh-thep-tam-nhin-moi-cho-nganh-cong-nghiep-trong-diem-347196.html