Chị N.M.L., 32 tuổi, ngụ ở Q.10, TP.HCM kể những ngày nắng nóng gay gắt như hôm nay, mỗi ngày chị đều tắm từ 5 – 7 lần. Bất cứ lúc nào thấy ra mồ hôi, nóng nực, chị lại vào tắm để cảm thấy bớt nóng. Mấy ngày nay chị bị ho nhưng điều này cũng không thể ngăn cản chị L. ngưng tắm nhiều lần trong ngày.
Dù nắng nóng cũng không nên tắm nhiều
Bác sĩ Nguyễn Viết Hậu, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết cơ thể đang ở ngoài nắng, nhiệt độ môi trường khá cao, về nhà tắm ngay sẽ dẫn đến sự thay đổi nhiệt độ đột ngột và khi đó trung tâm điều nhiệt cơ thể phải hoạt động liên tục.
Do vậy, khi đi ngoài nắng về cũng như khi đổ mồ hôi nhiều không được tắm ngay mà nên nghỉ ngơi, đợi khô mồ hôi khoảng 30 phút. Ngoài ra, cũng không nên tắm nhiều lần trong ngày để tránh việc cơ thể bị thay đổi nhiệt độ liên tục, không có lợi cho sức khỏe.
Bác sĩ Hậu cho hay tắm không những làm sạch da mà còn giúp giữ lỗ chân lông thông thoáng, qua đó chất bã và mồ hôi được giải phóng trên bề mặt da. Tắm cũng có thể giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.
Tuy nhiên, việc tắm quá mức sẽ ảnh hưởng đến hệ vi sinh bề mặt của da, mất đi các vi khuẩn có lợi khi sử dụng nhiều hóa chất hay xà phòng sát khuẩn.
Ngoài ra ở một số người, các hóa chất này có thể tác động lên bề mặt da gây thay đổi độ ẩm của da, kích ứng da, khô da, rạn da, nứt da…
Từ đó, phá vỡ hàng rào vật lý kèm thay đổi hệ vi sinh bề mặt da trước đó, có thể là nguồn gốc xuất phát các ổ nhiễm khuẩn, đặc biệt người già có sức đề kháng yếu, người bệnh về da sẵn có, tổn thương da trong hội chứng Cushing, rất dễ dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn.
Theo nghiên cứu tại Trường đại học Wisconsin – Madison ở Hoa Kỳ, những người tiếp xúc với sự thay đổi nhiệt độ có nhiều khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp. Khi đó người bệnh sẽ có các triệu chứng như hắt hơi, ho, đau họng.
Đặc biệt ở người già hay trẻ em, những người có hệ thống điều nhiệt không thích ứng đầy đủ.
Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể đặc biệt nguy hiểm đối với những người mắc bệnh hen suyễn hoặc dị ứng, vì những triệu chứng bệnh có thể trở nên trầm trọng hơn hoặc kích hoạt nên một đợt cấp mới của bệnh.
Tắm đêm với nước lạnh càng nguy hiểm
Không chỉ tắm vào ban ngày mà cũng do thời tiết nóng nực nên nhiều người còn tắm vào ban đêm. TS Cao Đằng Khang, trưởng khoa phẫu thuật tim trẻ em Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết tắm vào ban đêm, đặc biệt là tắm bằng nước lạnh có thể có một số ảnh hưởng không tốt cho cơ thể như sự chênh lệch nhiệt độ giữa cơ thể và nước lạnh có thể làm cơ thể bị mất nhiệt, làm cho người có sức miễn dịch kém dễ bị cảm lạnh.
Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể ảnh hưởng đến sự co giãn các mạch máu, làm thay đổi huyết áp và ảnh hưởng đến tuần hoàn mạch máu, có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Tắm bằng nước lạnh vào tối khuya, trước khi đi ngủ có thể làm ảnh hưởng gây khó ngủ. Chưa kể, thay đổi về huyết áp và nhịp tim có thể xảy ra do tiếp xúc với nước lạnh, không tốt ở người có sẵn bệnh tim và tăng huyết áp.
Đặc biệt, với những người đã có nhịp tim bị rung nhĩ thì việc loạn nhịp tim có thể dễ dàng xảy ra hơn, ảnh hưởng đến tình trạng tim mạch chung.
Để bảo vệ sức khỏe không nên tắm khuya, đặc biệt sau 23 giờ và bằng nước lạnh. Thay vào đó, nên tắm vào buổi sáng, kết hợp với tập thể dục, sẽ giúp cơ thể sảng khoái, khởi động cho một ngày mới hoặc tắm vào buổi chiều để cơ thể được thả lỏng, lấy lại năng lượng sau một ngày làm việc”, bác sĩ Khang khuyến cáo.