Kỷ niệm 102 năm ngày sinh của GS.TS Trần Văn Khê (24/7/1921-24/7/2023)
GS.TS Trần Văn Khê một cuộc đời say mê nghiên cứu và giới thiệu, quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam ra thế giới. |
GS.TS Trần Văn Khê- một cuộc đời say mê với việc sưu tầm, nghiên cứu, phân tích, phát huy và giới thiệu, quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam ra thế giới. Với cái tình đậm sâu ấy đã mang lại bao trái ngọt cho đời và làm nên một “cây đại thụ” trong mảnh đất thiêng âm nhạc truyền thống Việt Nam.
GS.TS Trần Văn Khê là vị tiến sĩ ngành âm nhạc học người Việt Nam đầu tiên tại Pháp, từng là giáo sư ĐH Sorbonne (Paris, Pháp), thành viên danh dự Hội đồng Âm nhạc quốc tế (UNESCO). Ông nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc ở nước ngoài 55 năm, nhưng ông vẫn không nguôi ước mơ những điều tốt đẹp để nghệ thuật dân tộc được trường tồn và phát triển.
Ông với cái tình đậm sâu, sắt son và chung thủy, chính cái tình ấy đã làm “vang danh nhạc nước nhà”. Với tấm lòng dành cho âm nhạc ấm áp như thế nào thì cũng nồng ấm bấy nhiêu khi nghĩ về những người trẻ.
Qua Tự truyện GS.TS Trần Văn Khê- Trí huệ để lại cho đời, ông đã gửi những lời tâm huyết của một người đi trước, nhắc nhở người đi sau. Với ông, hoàn cảnh “mồ côi đáng thương” trở thành “cơ hội đáng quý” để ông tự tôi luyện bản thân.
Ông viết: “Từ thuở nhỏ, lúc lên mười tuổi, tôi đã mồ côi cha mẹ, không nghĩ đến cái đau khổ của một đứa trẻ mồ côi, biết không trông cậy vào người khác, mà “tự lực cánh sinh” trong mọi việc. Bản chất sanh ra ốm yếu, tôi phải ý thức tập luyện để có một cơ thể cường tráng”.
“Vượt khỏi bóng mây buồn tuổi thơ mồ côi”, ông đã gửi gắm đến bạn trẻ: “Không ai chọn cửa mà sanh, và cũng không ai trong đời chưa từng ít nhiều trải qua sóng gió. Khi cuộc sống đẩy bạn vào một nghịch cảnh, cũng rất có thể đang trao cho bạn một cơ hội để bạn vững vàng hơn trong dòng đời”.
Câu chuyện “Hạt ngọc tâm hồn mang tên khiêm tốn”, ông nhắn nhủ: “Các bạn ơi, ở đời tôi luôn luôn nghĩ rằng những điều tôi đã biết không nghĩa lý gì đối với những điều tôi chưa biết; những chuyện tôi đã nghe không nghĩa lý gì đối với chuyện tôi chưa được nghe; những việc tôi đã thấy chẳng nghĩa lý gì với những việc tôi chưa thấy. Và tôi tiếp tục học hỏi đến hơi thở cuối cùng”.
Câu chuyện “Học như thể đời chẳng dài lâu”, với trái tim thương mến bạn trẻ ông nói: “Học là chuyện suốt đời, ở tuổi 90, tôi vẫn miệt mài học và có lẽ sẽ học đến ngày cuối cũng của hành trình đời người. Còn gì hạnh phúc hơn khi tìm được niềm vui trong sự học và đem tinh hoa chắt lọc từ sự học ấy dâng hiến trọn vẹn cho đời!”.
Nhiều người tặng ông danh từ “một nhà văn hóa phi thường”, vì nhiều người có cảm giác trời phú cho ông một trí thông minh, trí nhớ phi thường và may mắn có một sức khỏe thật tốt, sinh ra dưới một ngôi sao sáng… Ông muốn nhắn đến bạn trẻ, sự thật không phải thế, ông chỉ là người rất bình thường.
“Tôi phải làm việc, học hỏi, luyện tập mới có một kiến thức dồi dào”. Vì con đường nào đi đến vinh quang mà trải đầy hoa thơm, cỏ lạ. Nhưng ông đã vững lòng vượt qua những cảnh khổ quyết chí bền tâm biến cái không thành cái có, cái khó thành cái dễ.
Chuyện “Tự lực cánh sinh”, ông nhắn nhủ: “Khó khăn, cám dỗ vốn dĩ là một phần của cuộc sống, lòng kiên định với mục tiêu sẽ giúp ta vượt qua những điều ấy để hái quả ngọt cho ta và còn để lại cho đời một công trình văn hóa”.
Giáo sư đã gói ghém những suy ngẫm và cảm xúc của gần một thế kỷ trải nghiệm để gửi đến bạn đọc những điều tâm huyết từ những câu chuyện cuộc đời ông qua Tự truyện GS.TS Trần Văn Khê- Trí huệ để lại cho đời. Cảm xúc dạt dào trước những lời tâm huyết của một người đi trước, nhắc nhở người đi sau, tránh những khó khăn trong cuộc đời qua mỗi câu chuyện kể.
Để góp thêm kinh nghiệm sống trên hành trình vào đời của các bạn trẻ. Từ thăng trầm trong cuộc sống, giáo sư để lại cho giới trẻ nhìn thấy ẩn chứa trong đó những bài học cuộc sống sâu sắc. Mỗi một chuyện giáo sư đã để lại một bài học trân quý, để lại một tình cảm ấm áp từ trái tim rộng mở cho thế hệ tiếp nối.
GS.TS Trần Văn Khê biểu diễn đờn tranh tại Geneva, Thụy Sĩ năm 1963. Ảnh chụp từ sách |
Cuối cuộc hành trình, giáo sư mong ước, “Trong quãng đời còn lại, tôi tâm nguyện được chuyển tất cả “gia tài văn hóa” liên quan đến việc nghiên cứu văn hóa nghệ thuật dân tộc Việt Nam mà tôi đã tích lũy trong sự nghiệp hoạt động văn hóa nghệ thuật cả đời tôi từ Paris, Pháp về TP Hồ Chí Minh với mong muốn giúp ích phần nào cho lớp trẻ trong nước về kiến thức văn hóa dân tộc”.
Dù hành trình cuộc đời của ông đã kết thúc, nhưng những giá trị văn hóa tinh thần ông để lại cho đời là vô giá.
HOÀI THƯƠNG