Rời xã Hồng phong, chúng tôi tới làng nghề dệt đũi Nam Cao, huyện Kiến Xương. Đây là làng nghề hơn 400 năm tuổi, và là nơi có kỹ thuật kéo sợi đũi tơ tằm thủ công duy nhất ở Việt Nam và thế giới. Năm 2023, làng cũng đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp chứng nhận “Nghề dệt đũi tơ tằm” và đưa vào danh mục Văn hoá di sản phi vật thể Quốc gia.
Nơi chúng tôi ghé thăm đầu tiên là gia đình nghệ nhân Nguyễn Đình Đại, năm nay hơn 60 tuổi, ở thôn Cao Đạt Đoài. Ông là thế hệ thứ 4 trong gia đình có nghề dệt đũi cha truyền con nối lâu đời nhất ở Nam Cao. Ông cho biết người làng Nam Cao đến nay vẫn thực hiện việc kéo sợi tơ tằm bằng tay, trên thế giới chưa có máy móc nào thay thế được. Kỹ thuật này có thể tận dụng được cả các tổ kén bị đứt không thể ươm được thành tơ, để kéo và vê sợi, rồi nối lại thành sợi đũi. Hiện nay, đũi tơ tằm của Nam Cao cũng không dùng kén phế, mà dùng kén sạch và đẹp, sau khi kéo sợi thì trải qua 20 công đoạn thủ công để tạo nên loại vải có đủ độ mềm và rủ.
Cụ thân sinh ra ông Đại chính là người đã tìm cách “học hỏi” từ các làng dệt lân cận và sáng chế ra khung cửi, tạo kỹ thuật dệt vải riêng cho làng Nam Cao, thay vì chỉ cung cấp nguyên liệu tơ sợi đũi như trước kia. Qua nhiều lần nâng cấp, tới nay, các khung dệt có thêm động cơ, chạy bán tự động đã giúp nâng cao năng suất cũng như giảm bớt vất vả cho người thợ dệt. Vải của Nam Cao đã từng xuất khẩu đi Pháp và châu Âu, nay là Thái Lan, Lào và đang tập trung khai thác thị trường nội địa, đưa vào thiết kế thời trang và các sản phẩm ứng dụng hàng ngày phục vụ người tiêu dùng Việt.
Cùng có nguồn gốc từ sợi tơ tằm, nhưng vải đũi lại có đặc tính riêng biệt so với lụa tơ tằm. Nếu vải lụa mềm, mịn và có thể sản xuất hàng loạt bằng máy, thì vải đũi thô ráp hơn và chỉ được sản xuất thủ công. Vải đũi xốp do sợi rút bằng tay nên sẽ ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè, dễ giặt sạch và mau khô.
Đũi mới đầu nhìn không bắt mắt, nhưng càng tiếp xúc với cơ thể, đũi càng mềm, càng bóng. Ngoài tính ứng dụng trong thời trang, đũi còn có thêm tác dụng về y tế như kháng khuẩn, chống cháy nhờ những đặc tính tự nhiên của con tằm. Vải đũi đang ngày càng có giá trị, do đã trở thành vật liệu quý giá mà ngành thời trang bền vững đang tìm kiếm.
Tạp chí Heritage