Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan vào năm 2021 sau khi các lực lượng nước ngoài kết thúc 20 năm hiện diện ở nước này. Nhưng chính quyền được thành lập bởi phong trào Hồi giáo này, được gọi là Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan (IEA), vẫn chưa được bất kỳ quốc gia nào công nhận và phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt tài chính và đi lại.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Afghanistan Qahar Balkhi cho biết: “IEA nhắc lại rằng điều quan trọng đối với việc xây dựng lòng tin là danh sách đen phải được gỡ bỏ, và dự trữ ngân hàng không bị đóng băng để người Afghanistan có thể thiết lập một nền kinh tế không phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài”.
Balkhi cho biết một phái đoàn IEA do quyền Bộ trưởng Ngoại giao Mawlawi Amir Muttaqi dẫn đầu, bao gồm các quan chức của ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính Afghanistan, đã gặp giới chức phương Tây và một phái đoàn gồm 15 người của Mỹ từ nhiều bộ ngành khác nhau trong hai ngày ở Doha.
Hầu hết các nhà lãnh đạo Taliban đều cần có sự cho phép của Liên hợp quốc để đi ra ngoài Afghanistan và lĩnh vực ngân hàng của nước này đã bị tê liệt bởi các lệnh trừng phạt tài chính.
Khoảng 7 tỷ đô la Mỹ trong quỹ ngân hàng trung ương Afghanistan đã bị đóng băng tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York vào tháng 8 năm 2021 sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước sau cuộc nổi dậy kéo dài 20 năm. Một nửa số tiền đó hiện thuộc về Quỹ Afghanistan có trụ sở tại Thụy Sĩ.
Một cuộc kiểm toán gần đây do với Ngân hàng trung ương Afghanistan đã không giành được sự ủng hộ của Washington đối với việc trả lại tài sản ngân hàng từ quỹ ủy thác có trụ sở tại Thụy Sĩ.
Mai Anh (theo Reuters, CNA)