Đối với nhiều quốc gia, việc hỗ trợ Ukraine giống như một “canh bạc đáng chơi”, tuy nhiên, những lợi ích to luôn đi kèm với thách thức lớn khiến họ không thể không cảnh giác.
Bất đồng nội bộ về nguồn tài trợ cho Ukraine, EU ‘quay xe’ nhắm vào tài sản bị phong tỏa của Nga? (Nguồn: Wikipedia) |
Ủy ban châu Âu (EC) đã sẵn sàng đưa ra các đề xuất về việc sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga vì lợi ích của Ukraine.
Có lẽ vì thế, ngoài kế hoạch tài trợ nhiều năm và rất tốn kém, EC tiếp tục đệ trình đề xuất sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga. Dù trước đó, EU từng tuyên bố rằng, họ không có căn cứ pháp lý nào cho việc tịch thu hoàn toàn tài sản bị phong tỏa của Nga, mà thay vào đó sẽ tập trung vào việc giành quyền sử dụng tạm thời các tài sản đó.
Tuy nhiên, một lần nữa vấn đề tài sản bị phong tỏa của Nga trở lại bàn thảo luận của EU. Ngày 29/8, Người phát ngôn của EC Christian Wiegand đã nói về điều này với giới truyền thông. “Chúng tôi sẵn sàng đưa ra một đề xuất pháp lý có tính đến các cuộc thảo luận với các quốc gia thành viên”, ông Vigard thông báo.
Người phát ngôn EC Wiegand cho biết, lãnh đạo các nước thành viên EU đã thảo luận về chủ đề này tại cuộc họp mới nhất của Hội đồng châu Âu vào cuối tháng 6. “Chúng tôi đang làm việc với Tổng thống Tây Ban Nha – Chủ tịch luân phiên EU từ ngày 3/7, để tìm ra cách tiếp cận từng bước, một cách khôn ngoan và chúng tôi đang tích cực xúc tiến các cuộc thảo luận”.
Ông Wiegand tiết lộ, EC sẵn sàng đưa ra đề xuất chi tiết và tiến hành thảo luận với các quốc gia thành viên. Các giải pháp cụ thể hơn đã được tính tới và đang được tiến hành với các đối tác từ G7.
“Điều rất quan trọng đối với chúng tôi là phối hợp vấn đề này trên phạm vi quốc tế”, Người phát ngôn trên cho biết thêm.
Tuy nhiên, trong một diễn biến mới nhất, tờ Financial Times ngày 29/8, dẫn nguồn tin cho biết, viện trợ tài chính của EU dành cho Ukraine đang bị trì hoãn do bất đồng gay gắt giữa các quốc gia thành viên. Lo ngại về ngân sách quốc gia và chi phí gia tăng ở Brussel, đã đe dọa dòng tài chính hỗ trợ cho Kiev.
Các nguồn tin khẳng định, chính yêu cầu của Brussels về khoản tài trợ bổ sung 86 tỷ EUR (khoảng 93 tỷ USD) để hỗ trợ Ukraine trong 4 năm đã “chia rẽ” các quốc gia thành viên và dẫn đến các cuộc thảo luận về việc giảm số tiền và kéo dài thời gian phê duyệt.
Những ngày cuối cùng của tháng Tám, sau kỳ nghỉ Hè vừa qua, các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao EU tiếp tục có cuộc tham vấn về vấn đề này, trong đó, việc hỗ trợ tài chính cho Ukraine được xếp đầu chương trình nghị sự.
Nhưng các cuộc đàm phán về tài trợ trở nên phức tạp do thực tế EC đã kết hợp việc hỗ trợ tài chính cho Ukraine với nhu cầu bổ sung ngân sách của EU.
Nhiều quốc gia thành viên dù ủng hộ hỗ trợ tài chính bổ sung cho Ukraine, nhưng tỏ ra không chấp nhận việc nộp thêm tiền vào ngân sách chung của EU, với lý do đó là vấn đề quản lý ngân sách nội bộ của khối.
FT lưu ý rằng, chính Đức và Hà Lan dẫn đầu xu hướng này với lập luận rằng, việc “thắt lưng buộc bụng” trong ngân sách mỗi quốc gia do lãi suất tăng và các yêu cầu mới về lương cũng cần được phản ánh rõ ở Brussels.
Một nhà ngoại giao cấp cao của EU cho rằng, “Đây không phải thời điểm thích hợp để Brussels yêu cầu đóng góp nhiều hơn, khi các chính phủ thành viên cũng đang gặp những khó khăn riêng khi đưa ra những quyết định về tài chính.
Những vấn đề thực tế khá mâu thuẫn hiện đang đặt EU vào những cuộc đàm phán căng thẳng nhất trước cuối năm nay.
Tại họp báo sau cuộc họp các ngoại trưởng ngày 31/8, Cao ủy EU về chính sách an ninh, đối ngoại Josep Borrell cũng khẳng định, EU hỗ trợ Ukraine “hôm nay, ngày mai và luôn luôn” theo cách “có thể dự đoán được và bền vững”, tuy nhiên chủ yếu là về vấn đề tài chính.
Chính trị gia Tây Ban Nha cũng đề cập một đề xuất với EC về thành lập Quỹ hỗ trợ Ukraine mới, kéo dài từ năm 2024 đến năm 2027 và bày tỏ hy vọng, cơ quan này sẽ “đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay. Ông Borrell cho biết, quỹ này sẽ có quy mô khoảng 5 tỉ Euro mỗi năm, với tổng cam kết là 20 tỉ Euro trong 4 năm tới.
Nhưng trong khi ông Borrell nói như thể EU có đủ khả năng để tận dụng toàn bộ sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự để hỗ trợ cho Ukraine thì Hungary lại tỏ ra hoài nghi về các chính sách của khối. Phát biểu tại một diễn đàn ở Slovenia hồi đầu tuần trước, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto mô tả EU đang trong tình trạng suy yếu về mặt an ninh, kinh tế và năng lượng, do xung đột tại Ukraine.
Trên thực tế, vào tháng 12/2022, EU cũng đã đồng ý cung cấp cho Ukraine khoản hỗ trợ tài chính vĩ mô 18 tỷ EUR (19 tỷ USD). Ukraine và EU đã đi đến ký kết Biên bản ghi nhớ vào ngày 16/1. Trước đó, truyền thông đưa tin, EU sẽ đáp ứng gần một nửa nhu cầu tài chính của Ukraine cho đến năm 2027.
Vào ngày 22/8, EU đã giải ngân khoản hỗ trợ tài chính vĩ mô trị giá 1,5 tỷ EUR (1,6 tỷ USD) cho Ukraine trong gói 18 tỷ Euro.
Mới đây, trong cuộc họp báo ở Paris, với người đồng cấp Pháp Catherine Colonna, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, Kiev không sợ bất kỳ sự sụt giảm nào trong viện trợ của phương Tây, ông cũng bác bỏ thông tin rằng, một cuộc thăm dò của Mỹ cho thấy sự ủng hộ của công chúng đang giảm sút và những bình luận chỉ trích từ một số người bảo thủ Mỹ.
Khi cuộc phản công của Ukraine tiến triển chậm, một cuộc thăm dò do CNN thực hiện cho thấy, hơn một nửa số người Mỹ phản đối sự hỗ trợ bổ sung về tài chính cho Ukraine.
“Chúng tôi không cảm thấy có sự suy giảm nào về sự ủng hộ từ Quốc hội (Mỹ) hay từ Quốc hội châu Âu”, ông Dmytro Kuleba nói với giới truyền thông.