Con tôi ba tuổi, thường xuyên bị viêm đường hô hấp trên. Tạo sao bệnh dễ tái phát và phòng ngừa bằng cách nào? (Lê Huyền, Đồng Nai)
Trả lời:
Đường hô hấp trên gồm mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản, có nhiệm vụ lấy không khí từ bên ngoài, làm ẩm, sưởi ấm và lọc khí rồi đưa vào phổi. Do tiếp xúc trực tiếp với không khí và môi trường bên ngoài, các tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn, nấm mốc, bụi bẩn…) nên những cơ quan này rất dễ bị kích ứng, viêm nhiễm khi thời tiết thay đổi đột ngột, giao mùa.
Viêm đường hô hấp trên gồm viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm xoang, nhiễm trùng tai giữa… Trẻ mắc bệnh có các triệu chứng như sốt, ho, mệt mỏi, chán ăn, bỏ ăn, đau đầu, khàn tiếng, khó thở. Đối với trẻ sơ sinh, các biểu hiện thường không rõ ràng, có thể bú yếu, thở không đều, da xanh xao…
Phần lớn trẻ viêm đường hô hấp trên được điều trị đúng cách sẽ khỏi sau khoảng 5-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh vẫn có khả năng tái phát do các tác nhân như virus cúm, virus Adeno, Rhinovirus, liên cầu khuẩn tan máu nhóm A, phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, nấm Candida… phát triển trong môi trường. Thêm vào đó, hệ miễn dịch của trẻ non yếu nên khả năng chống lại bệnh còn kém.
Trung bình, trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc các bệnh này 4-6 lần một năm. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể mắc bệnh 6-10 lần một năm. Bệnh tái phát nhiều lần khiến trẻ có nguy cơ chậm phát triển thể chất, trí tuệ.
Để phòng bệnh, bé nên vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý. Cha mẹ tránh để trẻ nhiễm lạnh, không ăn uống quá lạnh. Giữ môi trường sống thông thoáng, không khói thuốc lá, không bụi bẩn nấm mốc…
Trẻ nên tiêm đầy đủ vaccine cần thiết để tăng cường đề kháng hô hấp như vaccine phòng ho gà – bạch hầu – uốn ván, phế cầu khuẩn… khi đến độ tuổi chỉ định. Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm vaccine phòng cúm và tiêm nhắc lại hàng năm.
Khi trẻ có triệu chứng bệnh, phụ huynh nên đưa con đến cơ sở y tế để khám, điều trị. Phụ huynh không tự ý cho trẻ uống thuốc. Phát hiện và điều trị bệnh đúng cách có thể ngăn chặn virus, vi khuẩn xâm nhập vào sâu trong các cơ quan thuộc đường hô hấp dưới, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ
Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |