Tuy nhiên, bất chấp tất cả sức mạnh đó, người dùng có bao giờ nhận thấy smartphone của mình thiếu quạt tản nhiệt hay không?
Dễ hỏng hóc
Các nhà sản xuất smartphone trong nhiều năm qua tìm cách làm cho thiết bị của họ mỏng nhất có thể và những thiết bị cầm tay này sẽ không chỉ dày vài mm nếu phải tính đến quạt mà quạt cũng rất cồng kềnh và cần không gian để di chuyển.
Quạt cũng bị hỏng khá nhanh do các hành động như di chuyển với điện thoại, rơi máy xuống sàn… Mọi thứ trong máy vẫn hoạt động nhưng quạt sẽ bắt đầu kêu lạch cạch hoặc hoạt động kém khiến mọi thứ dần trở nên quá nóng và hỏng hóc.
Cần không gian thoáng
Các thiết bị phụ thuộc vào quạt để làm mát thường không thích hợp đặt trong những không gian chật chội và khi hoạt động với cường độ cao sẽ rất khó chịu. Smartphone luôn bật và quạt làm mát sẽ phải luôn hoạt động. Khi đặt trong túi quần hoặc túi xách, việc làm mát bằng quạt sẽ trở nên khó khăn bởi không gian chật hẹp. Hãy tưởng tượng với laptop, ngay cả trùm chăn để sử dụng trên giường đã là một điều khó chịu.
Chip di động sử dụng ít năng lượng hơn, tạo ít nhiệt hơn
Một thuật ngữ chính xác định mức độ tiết kiệm năng lượng của CPU là công suất thiết kế nhiệt (TDP), vốn thường được liệt kê bằng watt và hiển thị mức tối đa mà CPU tạo ra để chạy khi đầy tải. Snapdragon 8 Gen 3 là chip hàng đầu hiện nay cho smartphone cao cấp với TDP 12,5W, cao hơn mức 5W trên các chip Snapdragon đời đầu nhưng có thể so sánh với các CPU Intel có công suất thấp hơn.
Card đồ họa NVIDIA GeForce RTX 4090 có TDP 450w và đó chỉ là một thành phần của PC. Mức sử dụng năng lượng đó là không khả thi đối với một thiết bị di động hoạt động bằng pin và cũng tạo nhiều nhiệt hơn. Đó là một phần lý do tại sao PC và laptop cần quạt, trong khi điện thoại thì không. Điều này cũng giải thích vì sao smartphone dù phát triển đến đâu cũng chưa thể sánh ngang với đồ họa của PC chơi game chuyên dụng.
Ứng dụng di động tạo ít nhiệt, giảm nhu cầu làm mát
Ứng dụng không chiếm không gian vật lý nhưng nó lại tiêu hao sức mạnh hệ thống. Nếu một ứng dụng kém liên tục yêu cầu mạng, các tiến trình vẫn chạy nền khi ở chế độ ngủ thì thiết bị sẽ ngốn nhiều năng lượng hơn. Không phải mọi ứng dụng di động đều hoàn hảo, nhưng nhìn chung tác động đến thời lượng pin của chúng là không cao, từ đó giảm nhu cầu làm mát chủ động.
Smartphone sử dụng hệ thống làm mát thụ động
Quạt sử dụng hình thức làm mát chủ động, khác với smartphone dựa trên cơ chế làm mát thụ động. Đó là quá trình trao đổi nhiệt dựa vào độ chênh lệch giữa các vật liệu mà không có sự trợ giúp nào từ các bộ phận cơ khí. Nói một cách đơn giản hơn, mọi thứ có thể nguội đi mà không cần phải di chuyển bất cứ thứ gì. Điện thoại thường sử dụng các tấm kim loại giữa các bộ phận điện và thiết kế bên ngoài của chúng để tản nhiệt.
Làm mát thụ động hoạt động rất tốt cho nhu cầu hằng ngày, nhưng không giống như làm mát chủ động, nó không thể giảm nhiệt độ để làm mát nhanh. Đó là lý do tại sao một số smartphone trở nên đặc biệt khó chịu khi thực hiện các tác vụ nặng như chơi game, thời điểm CPU đang tạo ra nhiều nhiệt hơn và smartphone không có khả năng bù nhiệt. Đây là lúc quá trình điều tiết nhiệt bắt đầu hoạt động, làm giảm hiệu suất để có thời gian làm mát các linh kiện.
Một số giải pháp thay thế đang được phát triển
Một số smartphone hiện nay có chế độ làm mát đặc biệt để giải quyết vấn đề khi tải nặng, đặc biệt là các sản phẩm chơi game, như làm mát buồng hơi trên dòng Galaxy S23, hay làm mát bằng nước carbon trên Galaxy Note 9, công nghệ Loop LiquidCool của Xiaomi, hay phụ kiện AeroActive Cooler 6 cho ROG Phone 6 của Asus.