Ông Ya Gương cho biết, trong 5 năm qua (từ 2019-2024) ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có những nét thay đổi hơn hẳn so với những giai đoạn trước đây.
Ông Ya Gương nhận định rằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng không còn cảnh “con trâu đi trước, cái cày đi sau”.
“Ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Lâm Đồng đã sản xuất nông nghiệp theo công nghệ hiện đại như nhà kính, nhà lưới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Việc này có thể thấy rõ ở các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng.
Trước đây, tại các xã của những huyện trên, người đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu trồng lúa, bắp nhưng hiện nay đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng như hoa, rau công nghệ cao, mang lại giá trị kinh tế cao… Đến ngày hôm nay, chúng ta tự hào rằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Lâm Đồng không còn hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày đi sau” nữa”, ông Ya Gương nhận định.
Theo UBND huyện Đơn Dương, từ các chương trình dự án Trung tâm Nông nghiệp huyện đã xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả, đang từng bước được nhân rộng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Mô hình trồng rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính với hệ thống tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt; mô hình ứng dụng công nghệ IOT trong nông nghiệp với bộ RATA IoT-3G/4G…
Có thể thấy rõ hiệu quả về kinh tế như mô hình trồng bí Nhật trên đất lúa một vụ gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm cho thu nhập gấp 3-6 lần trồng lúa. Năm 2018 chỉ có khoảng 24ha của người dân làm theo mô hình này, nhưng đến này đã tăng và duy trì diện tích khoảng 200ha, tập trung tại xã Tu Tra, xã Ka Đơn và xã Pró…
Trong thời gian qua, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Đơn Dương đã mang lại hiệu quả kinh tế, giúp cho người dân biết cách khai thác nguồn tài nguyên đất một cách hợp lý, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất đồng thời sử dụng cơ giới hóa nhằm giảm công lao động trong nông nghiệp. Từ đó góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, từng bước làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Ngọc Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng luôn cố gắng làm tốt công tác đảm bảo đời sống, an sinh xã hội, y tế, văn hóa, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả, đồng bộ, đặc biệt tại huyện nghèo Đam Rông và các, xã thôn đặc biệt khó khăn. Các chương trình, dự án luôn chú trọng ưu tiên đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và vùng sâu, vùng xa góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống và thu nhập giữa các địa phương.
Được biết, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ 4, năm 2024 sẽ diễn ra trong hai ngày 26 – 27/9 sắp tới tại TP. Đà Lạt, với sự tham dự của hơn 330 đại biểu. Trong đó, có 250 đại biểu chính thức đại diện cho các tầng lớp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Đại hội sẽ tổng kết, đánh giá kết quả phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2019 – 2024. Đại hội cũng sẽ khen thưởng hơn 130 tập thể và hơn 300 cá nhân vì có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguồn: https://danviet.vn/tai-sao-pho-truong-ban-dan-toc-tinh-lam-dong-noi-vung-dbdt-khong-con-canh-con-trau-di-truoc-cai-20240920172614466.htm