Chồng tôi 37 tuổi vừa bị nhồi máu cơ tim, cấp cứu kịp nên không để lại di chứng nặng. Tại sao người trẻ cũng mắc bệnh này, làm thế nào để phòng ngừa? (Ngọc Trâm, Long An)
Trả lời:
Nhồi máu cơ tim cấp xảy ra khi mảng xơ vữa hoặc huyết khối hình thành trong lòng động mạch vành, khiến dòng máu đến cơ tim tắc đột ngột gây tổn thương mô cơ tim.
Tình trạng có thể xảy ra bất ngờ, có những trường hợp được cảnh báo trước hàng giờ, hàng tuần. Các dấu hiệu đặc trưng như đau thắt ngực tái phát, đau vùng ngực khi hoạt động thể lực, đau giảm khi nghỉ ngơi.
Người lớn tuổi có nhiều yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch dẫn đến tắc hẹp mạch vành gây nhồi máu cơ tim hơn. Khi lớn tuổi, tế bào bên trong lớp nội mạc của mạch máu lão hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho mảng xơ vữa hình thành. Người cao tuổi thường có bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh động mạch ngoại biên. Người hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia trong nhiều năm có nguy cơ cao mắc bệnh.
Nhồi máu cơ tim ở người trẻ (dưới 40 tuổi) thường xảy ra do huyết khối gây tắc hoàn toàn hoặc hẹp nghẽn một nhánh động mạch vành. Nguyên nhân do stress, béo phì, rối loạn mỡ máu, lối sống không lành mạnh (ít vận động, chế độ ăn nhiều cholesterol xấu…), sử dụng chất kích thích.
Một số người mắc bệnh liên quan đến miễn dịch (lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì…) khiến tình trạng xơ vữa mạch xảy ra.
Đôi khi nhồi máu cơ tim xảy ra ở bệnh nhân có mạch vành không xơ vữa mà huyết khối hình thành do thành mạch vành bị rách khi có yếu tố khởi kích (căng thẳng, huyết áp tăng rất cao trên 180/120 mmHg) trên cơ địa mạch máu dễ bị xé rách. Rách mạch vành tự phát thường xảy ra ở phụ nữ trẻ và trung niên, những thai phụ hoặc người có bệnh loạn sản sợi cơ.
Bên cạnh đó, sử dụng ma túy, cocaine cũng khiến mạch vành co thắt hoặc bóc tách gây nhồi máu cơ tim ở người trẻ.
Triệu chứng nhồi máu cơ tim thường gặp ở người trẻ là cơn đau thắt ngực ở vị trí sau xương ức, kéo dài trên 30 phút, khó thở, thở dốc, vã mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực, buồn nôn và nôn. Biểu hiện rõ rệt hơn so với người lớn tuổi. Tuy nhiên, không ít trường hợp không xuất hiện dấu hiệu điển hình. Đây là nguyên nhân khiến nhiều người bệnh chủ quan, đến bệnh viện cấp cứu muộn, để lại di chứng nặng nề như rối loạn nhịp tim, suy tim, có thể ngưng tim do rối loạn nhịp, vỡ tim, huyết khối trong vùng tim, túi phình…
Chồng của chị vừa bị nhồi máu cơ tim may mắn được cấp cứu kịp thời. Để phòng ngừa bệnh tái phát, anh nên có chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe tim mạch như tăng cường các loại ngũ cốc, rau xanh và trái cây; hạn chế đường, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, cholesterol xấu.
Anh nên tập thể dục đều đặn, giảm stress, không hút thuốc lá, giữ cân nặng ở mức vừa phải, kiểm soát đái tháo đường, rối loạn lipid máu…; kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ có thể can thiệp bất thường kịp thời.
ThS.BS.CKII Võ Anh Minh
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |