Kính thực tế tăng cường AR là bước tiến lớn về công nghệ, giúp định nghĩa thế hệ máy tính tiếp theo khiến các “ông lớn” đầu tư không tiếc tay để phát triển.
Sau thập kỷ phát triển và đầu tư hàng tỷ đô la (Mỹ), CEO Meta Mark Zuckerberg đã hé lộ một trong những dự án đầy tham vọng: nguyên mẫu kính thực tế tăng cường có tên Orion. Một tuần trước đó, CEO của Snap, Evan Spiegel lên sân khấu tại Hội nghị đối tác hàng năm của công ty để giới thiệu kính Spectacles thế hệ thứ 5 tích hợp công nghệ AR.
Cả hai doanh nghiệp hàng đầu thế giới đều nhìn thấy tiềm năng to lớn của công nghệ này, với tầm nhìn kính AR có thể thay thế điện thoại thông minh trở thành thế hệ máy tính tiếp theo. “Đây là một bước tiến lớn về công nghệ, giúp định nghĩa thế hệ máy tính tiếp theo”, ông Chris Cox, giám đốc sản phẩm của Meta nói trong cuộc trả lời phỏng vấn CNBC.
Giấc mơ về kính thực tế tăng cường và hỗn hợp là điều mà các “ông lớn” công nghệ đã theo đuổi trong nhiều năm.
Đầu năm nay, Apple bắt đầu bán kính thực tế ảo Vision Pro với giá 3.500 đô la. Hơn một thập kỷ trước, Google là công ty đầu tiên ra mắt thị trường vào năm 2013 với Google Glass, nỗ lực ban đầu về thiết bị AR, nhưng sản phẩm này gặp nhiều trở ngại và cuối cùng bị hủy bỏ. Microsoft cũng đã đầu tư vào công nghệ AR hơn một thập kỷ, tung ra kính HoloLens vào năm 2016. Không thu hút được sự chú ý, HoloLens phải ngừng sản xuất.
Công nghệ AR là gì?
Công nghệ AR (Augmented Reality – Thực tế Tăng cường) là công nghệ thực tế ảo tăng cường được nhà sản xuất phát triển dựa trên công nghệ VR. Thực tế tăng cường tập trung vào việc kết hợp giữa thế giới thật với thông tin ảo, không phải tách người dùng ra một không gian riêng như thực tế ảo. Nó có thể hỗ trợ tương tác với nội dung ảo ngay trong đời thật như chạm, có thể phủ một lớp hình ảnh lên trên ảnh thật…
“Chúng ta đang ở thời kỳ niên thiếu. Chúng ta thấy rất nhiều tiềm năng nhưng chưa đạt được mục đích”, ông Tuong Nguyen, nhà phân tích của Gartner nhận định.
Mặc dù Snap và Meta đã ra mắt các nguyên mẫu AR, nhưng họ vẫn còn nhiều năm nữa mới bán được những thiết bị đó cho người tiêu dùng. Công nghệ này quá đắt đỏ để sản xuất hàng loạt. Hiện tại, Meta dự định sử dụng kính Orion làm thiết bị dành cho các nhân viên phát triển.
“Meta sẽ sử dụng kính thực tế tăng cường AR chủ yếu trong nội bộ để xây dựng phần mềm cần thiết. Chúng tôi cũng sẽ hợp tác với một số đối tác để đảm bảo sự đa dạng sản phẩm này trong tương lai”, Zuckerberg phát biểu tại hội nghị Meta Connect do doanh nghiệp này tổ chức hồi tháng 9.
Tương tự như vậy, Snap dự định đầu tư xây dựng hệ sinh thái cho thuê kính AR đối với các nhà phát triển cam kết có thể trả 99 đô la mỗi tháng trong vòng một năm cho kính thực tế tăng cường Spectacles.
“Snap đã cố gắng giảm bớt rào cản cho mọi người bắt đầu tiếp cận công nghệ mới này. Chúng ta đang ở một thời điểm thích hợp, khi cả người tiêu dùng và nhà phát triển đều sẵn sàng cho một điều gì đó mới mẻ”, CEO của Snap Spiegel chia sẻ.
(Nguồn CNBC)
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/tai-sao-meta-va-snap-do-hang-ty-do-la-vao-kinh-thuc-te-tang-cuong-ar-192241025155904628.htm