Cảm giác thèm ăn không chỉ là ham muốn ăn uống thông thường. Nói đúng hơn, đó là sự kết hợp phức tạp của tiến trình cảm xúc, hành vi, nhận thức và sinh lý trong cơ thể, trang tin The Conversation (Úc).
Khi bị bệnh, cơ chế sinh học kích thích chúng ta thèm ăn đường bột là vì những mục đích sau:
Thúc đẩy miễn dịch
Khi bệnh tật tấn công cơ thể, hệ miễn dịch sẽ bắt đầu được kích hoạt để loại bỏ mầm bệnh. Vì vậy, để hoạt động tốt, hệ miễn dịch cần thêm năng lượng. Hiện tượng này thường sẽ dẫn đến sự gia tăng quá trình trao đổi chất của cơ thể, đẩy nhu cầu năng lượng và hấp thu dinh dưỡng tăng cao.
Những món có đường và tinh bột là nguồn thực phẩm cung cấp năng lượng nhanh chóng và dồi dào. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều đường, vượt mức cần thiết thì sẽ dễ gây ra các viêm nhiễm trong cơ thể, từ đó cản trở quá trình phục hồi.
Do phản ứng với căng thẳng
Bị bệnh sẽ khiến cơ thể căng thẳng. Căng thẳng làm tăng hoóc môn adrenaline, cortisol và huy động năng lượng trong cơ thể để ứng phó với tình huống gây căng thẳng.
Do đó, căng thẳng kéo dài sẽ phá vỡ cân bằng năng lượng trong cơ thể, gây thiếu hụt dinh dưỡng và kích thích thèm ăn. Hệ quả là cơ thể sẽ thèm các món có nhiều năng lượng như tinh bột và đường.
Hệ thống tưởng thưởng của não bộ
Ăn các món có nhiều đường và tinh bột sẽ dễ dàng kích hoạt hệ thống tưởng thưởng trong não, làm tăng tiết các chất dẫn truyền thần kinh mang cảm giác dễ chịu như dopamine và serotonin.
Tuy nhiên, không phải ai bị bệnh cũng thèm đường bột. Nếu người bệnh không thèm ăn gì, đặc biệt là các món có nhiều đường bột, thì có thể do cơ thể đang bị mệt mỏi, khó chịu, buồn nôn hay vị giác thay đổi.
Những nguyên nhân khác là quá trình trao đổi chất của cơ thể chậm lại và việc tiêu thụ quá nhiều các món có chất lỏng như cháo, súp, nước hay các loại trà. Dùng các món này làm tăng cảm giác no và giảm thèm ăn, theo The Conversation.