Người giàu “giấu giàu” đối với con ruột
Tác giả kiêm diễn giả về tài chính cá nhân người Canada – Andrew Hallam (54 tuổi) – chuyên nghiên cứu về phong cách sống của các triệu phú, tỷ phú. Ông là tác giả của những đầu sách phân tích về giới nhà giàu, như Millionaire Teacher, The Global Expatriate’s Guide To Investing, Millionaire Expat…
Hallam cho biết những người giàu có mà ông có cơ hội tiếp xúc sâu đều có một điểm chung trong cách nuôi dạy con cái, đó là “giấu giàu” đối với con. Họ trì hoãn lâu nhất có thể việc cho con biết rằng cha mẹ giàu có, cho tới khi con của họ đã hình thành nếp sống kỷ luật, tính cách trưởng thành, nhận thức vững vàng.
Theo lý giải của tác giả Andrew Hallam, nhiều triệu phú muốn “giấu giàu” đối với chính con cái của họ là để những đứa trẻ lớn lên có ý chí mạnh mẽ. Việc biết gia đình mình giàu có và mình sẽ được thỏa mãn các nhu cầu một cách dễ dàng khiến những đứa trẻ dễ bị nhụt chí, không có động lực vươn lên.
“Không ai giàu ba họ”
Câu nói quen thuộc lưu truyền trong đời sống Á Đông rằng “không ai giàu ba họ” kỳ thực là một câu nói chính xác. Theo quan sát của ông Hallam đối với giới nhà giàu, thường khối tài sản lớn được tạo nên chủ yếu bởi một thế hệ xuất sắc trong gia đình. Các thế hệ tiếp theo sẽ tìm cách duy trì khối tài sản ấy. Nếu không biết cách, thế hệ sau sẽ làm tiêu tán khối tài sản vì có những quyết định sai lầm.
Rất nhiều gia đình từng giàu có ở thời điểm 70 năm trước nhưng tới thời điểm hiện tại, con cháu của họ không còn giàu có nữa. Trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ do tạp chí tài chính kinh doanh Forbes đưa ra thường niên, phần lớn trong số này là những người giàu tự thân, tức là thế hệ giàu có đầu tiên trong một gia đình.
Trong danh sách này còn có nhóm những người giàu nhờ thừa kế, nhưng đa số họ thuộc vào thế hệ thứ 2 trong gia đình giàu có, tức là thế hệ con của những người gây dựng nên khối tài sản lớn. Như vậy, việc tài sản được thừa kế toàn vẹn, không bị phân tán, không bị sa sút tới thế hệ thứ 3 trong một gia đình là điều rất khó.
Điểm yếu của cha mẹ giàu
Theo tác giả Hallam, khi một gia đình trở nên giàu có, họ thường không muốn thấy con mình phải vật lộn vất vả như cha mẹ từng phải trả qua, nhưng sự vật lộn có giá trị riêng của nó.
Nếu những đứa trẻ lớn lên mà không phải chịu đựng bất cứ khó khăn, thử thách nào, cũng chưa từng phải vật lộn trong cuộc sống, những đứa trẻ ấy khó có được ý chí, tinh thần, nghị lực mạnh mẽ.
Không ít người giàu làm nhụt ý chí vươn lên của con cháu mình bởi những đứa trẻ sinh ra và sớm biết “nhà mình giàu”, từ đó, những đứa trẻ không còn nhiều động lực cố gắng nữa.
Chẳng hạn, một gia đình giàu có sẵn sàng chi trả toàn bộ học phí đại học đắt đỏ cho con cháu của họ, những thanh niên này đi học trong tâm thế thoải mái và không cần lo lắng gì về tiền bạc.
Trong khi đó, nhiều bạn học khác của họ phải sớm lo lắng chuyện tiền bạc, phải vay nợ ngân hàng để trả học phí, phải đi làm thêm để có thể tự chi trả sinh hoạt phí… Sớm phải tự lo toan tài chính cá nhân khiến những thanh niên này có cách nghĩ, cách sống trưởng thành, có trách nhiệm, có động lực vươn lên.
Tỷ phú giàu nhất thế giới hiện nay – Elon Musk – từng sống những năm tháng sinh viên rất túng thiếu. Anh em ông từ nhỏ tới lớn đều phải sống trong cảnh kinh tế chật vật, bởi người mẹ đơn thân của họ một mình nuôi lớn 3 người con. Bà chỉ có thể kiếm đủ tiền đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất của các con. Anh em nhà Musk từng chấp nhận ăn đói, mặc đồ cũ, để ưu tiên có tiền trả học phí.
Chính hoàn cảnh gia đình khó khăn đã khiến anh em tỷ phú Elon Musk sớm tự lập và nỗ lực cải thiện cuộc sống của cá nhân và gia đình.
Nhiều cha mẹ giàu có sẵn sàng giúp con mua xe, mua nhà, rót vốn khởi nghiệp cho con. Những việc này khiến sức bật và khả năng tiến xa của con họ bị giảm sút nhiều.
Lấy ví dụ về việc luyện tập thể hình, cha mẹ chỉ có thể hướng dẫn con về phương pháp tập luyện, con phải tự mình tập luyện để tạo dựng “cơ bắp tài chính” cho riêng mình. Cha mẹ không thể nào tập luyện thay con để giúp con có được những “cơ bắp” mà con mong muốn.
Cách ứng xử “keo kiệt, lạnh lùng”
Không ít người bạn giàu có của tác giả Hallam không chỉ “giấu giàu” mà còn cố tình tạo ra sự eo hẹp tài chính, để có cơ hội dạy con những kỹ năng quan trọng. Chẳng hạn, một người bạn triệu phú USD của Hallam dạy con trai cách tìm mua đồ chơi cũ giá tốt trên mạng, hay cách mặc cả khi đi mua đồ ở chợ đồ cũ.
Ngay cả khi cho phép con mua đồ chơi cũ, người bạn của Hallam vẫn yêu cầu con tự chi trả bằng tiền tiết kiệm của con.
Người bạn này cũng cho biết trong tương lai, anh sẽ chỉ hỗ trợ con chi trả một nửa số tiền học phí ở bậc đại học. Sau này, khi con của anh muốn mua xe, mua nhà, anh sẽ chỉ dạy con kỹ năng lựa chọn để có một cuộc mua bán tốt đẹp, thuận lợi. Tiền mua xe, mua nhà, con sẽ phải tự lo.
Tỷ phú người Mỹ Warren Buffett (94 tuổi) có khối tài sản 145 tỷ USD, nhưng khi các con ông cần tiền mua nhà, mua xe, ông chỉ cho con… vay. Khoản vay này đi kèm với những thống nhất cụ thể về mức tính lãi, thời điểm trả. Tỷ phú Warren Buffett giàu có ở mức không thể nào “giấu giàu” đối với các con, nhưng ông chỉ chấp nhận làm… “ngân hàng”, cho con vay tiền chi dùng vào việc quan trọng.
Ông yêu cầu các con phải trả cả gốc lẫn lãi đúng hạn. Tỷ phú Warren Buffett có thừa điều kiện để hào phóng với con, nhưng ông hiểu tầm quan trọng của việc dạy con về kỷ luật tài chính và chi tiêu trong năng lực kiếm tiền của bản thân. Nếu các con ông không thể kiếm ra nhiều tiền, họ phải học cách sống tiết kiệm.
Cách ứng xử của tỷ phú Warren Buffett khiến các con ông phải “tự thân vận động”, tự kiếm tiền, học cách tích lũy tài chính, vì họ không thể trông cậy, ỷ lại vào người cha giàu có. Tỷ phú Buffett từ lâu đã khẳng định rằng ông sẽ quyên góp 99% tài sản của mình cho các tổ chức từ thiện, thay vì để lại cho các con thừa kế.
Chính nhờ vậy, các con của ông Buffett đều có sự độc lập tài chính và biết cách tự điều chỉnh thói quen chi dùng của bản thân.
Theo AES International
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/tai-sao-gioi-nha-giau-khong-muon-con-ho-biet-nha-minh-giau-20240907130437371.htm