Theo Luật nhà ở mới của Canada có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, quốc gia này đã cấm “những người không có gốc tịch Canada mua bất động sản nhà ở ” trong thời hạn hai năm.
Lệnh cấm mới áp dụng cho các BĐS có từ ba đơn vị trở xuống, cũng như các khu nhà liền kề và chung cư nằm trong và xung quanh “các khu vực đô thị dân số”, nơi có nhiều lo ngại về chi phí tăng cao trong những năm gần đây.
Lệnh cấm này bao gồm các miễn trừ cho thường trú nhân và người tị nạn. Nếu vi phạm luật trên, những người mua nhà có thể bị phạt hàng nghìn đô la, như một phần trong nỗ lực của Chính phủ nhằm “kiềm chế sở hữu nước ngoài không hiệu quả”.
“Thông qua luật này, chúng tôi đang hành động để đảm bảo rằng nhà ở thuộc sở hữu của người Canada, vì lợi ích của tất cả những người sống ở đất nước này,” Ahmed Hussen, Bộ trưởng Bộ Nhập cư Canada của Canada, nhận định trong một tuyên bố vào tháng trước.
Các nhà lập pháp Canada đã thông qua lệnh cấm vào tháng 6 năm ngoái, nhằm đối phó với tình trạng chi phí nhà ở tăng cao tại các thành phố lớn trên khắp Canada.
Trong nhiều năm, giá nhà tại Canada đã tăng đáng kể, thậm chí đã đã đạt đến đỉnh cao mới trong đại dịch COVID-19, một phần do lãi suất thấp và thu nhập khả dụng cao hơn. Đồng thời, giá nhà thuê cũng tăng lên, khiến nhiều người rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, đặc biệt là ở các trung tâm đô thị.
Thomas Davidoff, giám đốc Trung tâm Kinh tế Đô thị và Bất động sản tại Đại học British Columbia (UBC), cho hay, luật cấm người ngoại quốc mua nhà ở tại Canada sẽ có ít tác dụng đến Toronto và Vancouver, hai trong số những thành phố lớn nhất và thị trường BĐS đắt đỏ nhất của Canada. Ông nói, việc tăng thuế cấp tỉnh đã nhắm mục tiêu vào việc mua nhà của người nước ngoài ở đó.
Tuy nhiên, chia sẻ với hãng tin Al Jazeera, ông cho rằng việc giảm nhu cầu nói chung dự kiến sẽ khiến giá nhà thấp hơn và lệnh cấm có thể có tác dụng ở các thành phố của Canada chưa áp thuế cao đối với đầu tư BĐS nước ngoài.
“Nếu ai đó từ nước ngoài muốn mua một căn hộ và cho ai đó sống ở địa phương thuê lại, đó không phải là vấn đề. Tôi nghĩ rằng thật sai lầm khi tập trung vào quốc tịch của chủ sở hữu hơn là việc sử dụng tài sản tại thị trường nhà ở Canada”, ông Davidoff nói.
Nhà ở giá cả phải chăng cũng là một phần của trong nỗ lực của Chính phủ nước này, với việc Thủ tướng Trudeau nói rằng các khoản đầu tư mới “sẽ giúp nhiều người Canada có quyền sở hữu nhà hơn, bảo vệ người thuê và người mua, đồng thời mở rộng nhà ở cho người bản địa trên khắp đất nước”.
Vào tháng 3 năm 2021, Hiệp hội Bất động sản Canada cho biết chi phí mua nhà trung bình trên toàn quốc đã đạt mức kỷ lục là 524.324 USD (716.828 đô la Canada), tăng 31,6% so với năm 2020. Bước nhảy vọt đó chủ yếu là do giá trị bất động sản trong và xung quanh Vancouver và Toronto.
Một tháng sau, một cuộc thăm dò của Ngân hàng Hoàng gia Canada cho thấy 36% người dân tại quốc gia này không đủ khả năng để mua nhà ở độ tuổi dưới 40.
Chủ sở hữu nước ngoài chỉ chiếm một phần nhỏ trong thị trường BĐS Canada. Theo Statistics Canada, một trang web của chính phủ, những người không cư trú sở hữu 2,2% tài sản dân cư ở thành phố Ontario và 3,1% ở thành phố British Columbia vào năm 2020. Tỷ lệ này lần lượt là 2,7 và 4,2 ở các khu vực đô thị Toronto và Vancouver.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, về lâu dài, lĩnh vực BĐS rời xa khu vực tư nhân sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến triển vọng của ngành. “Chúng ta cần coi nhà ở là cơ sở hạ tầng, nhà ở là một cách để khuyến khích các lĩnh vực khác của nền kinh tế chứ không chỉ ngành bất động sản.”
Trung tâm Kinh tế Đô thị và Bất động sản của UBC đã chỉ ra một rào cản dài hạn khác: hạn chế quy hoạch. Hầu hết đất được chỉ định làm nhà ở ở Canada chỉ dành cho việc xây dựng những ngôi nhà biệt lập, dành cho một gia đình, vốn không phù hợp với túi tiền của hầu hết mọi người.
Tuy nhiên, bất chấp sự phức tạp của vấn đề nhà ở tại Canada, người nước ngoài đã phải chịu rất nhiều trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng nhà ở. Tại Vancouver, các báo cáo về việc các nhà đầu tư giàu có từ Trung Quốc đại lục mua BĐS sang trọng đã gây ra phản ứng dữ dội đối với cộng đồng người Canada gốc Á đông đảo của thành phố.
Diana Mok, phó giáo sư tại Đại học Western ở Ontario, nói với Al Jazeera rằng bằng cách chỉ ra “thủ phạm” – trong trường hợp này là người nước ngoài – chính phủ Canada đang cố gắng thể hiện rằng họ đang hành động để giảm chi phí nhà ở.
Một số người vẫn nghi ngờ lệnh cấm sẽ ổn định giá cả trong thời gian dài, họ mong muốn chính quyền nên thực hiện một cách tiếp cận rộng rãi hơn để giải quyết khả năng chi trả nhà ở, bao gồm đảm bảo tiền lương theo kịp với chi phí sinh hoạt gia tăng.
Khánh Vy (Theo Al Jazeera)