(Dân trí) – Người đàn ông hành nghề ăn xin ở Ấn Độ tiết lộ hiện có tổng tài sản lên tới 75 triệu Rupee (hơn 22 tỷ đồng) và khẳng định ngay cả với công việc không tưởng cũng mang lại sự giàu có đáng kể.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với truyền thông Ấn Độ, ông Bharat Jain tiết lộ đã hành nghề ăn xin trong suốt hơn 40 năm qua. Nhờ làm việc chăm chỉ mỗi ngày từ 10 đến 12 tiếng không có ngày nghỉ, đến nay tổng tài sản của người đàn ông này lên tới 75 triệu Rupee (hơn 22 tỷ đồng).
Ông Jain cho biết, mỗi tháng ông kiếm được trung bình 70.000 Rupee (21 triệu đồng) và sở hữu những bất động sản có giá trị ở thành phố Mumbai. Câu chuyện về người đàn ông này đang thu hút sự chú ý của dư luận Ấn Độ.
Ăn xin chăm chỉ suốt hơn 40 năm
Trên những con phố đông đúc ở thành phố Mumbai, tại một số điểm đông nhất như Chhatrapati Shivaji Maharaj Terminus (CSMT) và Azad Maidan, người ta luôn thấy bóng dáng của ông Jain xuất hiện rất đúng giờ.
Ông tự xưng mình là “người ăn xin có tài sản giàu nhất thế giới” và từ lâu biết cách biến nghề này thành một công việc sinh lợi.
Hành trình trở thành người ăn xin của ông Jain do hoàn cảnh xô đẩy, gia đình gặp khó khăn tài chính. Không có tiền theo đuổi việc học, ông quyết định đi ăn xin.
Suốt vài thập kỷ, ông dựa vào việc ăn xin trở thành nguồn thu nhập chính. Mỗi ngày nhặt nhạnh vài nghìn rupee tùy thuộc vào lòng hảo tâm của người đi đường, gần như ông Jain không cho phép mình được ngơi nghỉ.
Ông làm việc từ 10 đến 12 tiếng mỗi ngày bất kể ngày nghỉ, lễ Tết. Nhờ công việc này cộng thêm khả năng nhanh nhạy trong kinh doanh đã giúp ông có cuộc sống tương đối xa hoa với hầu hết những người cùng nghề.
Đầu tư khôn ngoan
Ông Jain tiết lộ, trong tổng tài sản hơn 22 tỷ đồng của mình không chỉ là tiền đi ăn xin, đó còn là những khoản sinh lời nhờ làm ăn ngoài. Với những số tiền tích góp được, ông mua 2 căn hộ ở Mumbai trị giá 14 triệu Rupee (4,2 tỷ đồng). Đây là nơi ông sống cùng cha đẻ, anh trai, vợ và 2 con trai.
Ngoài ra, ông còn có 2 cửa hàng ở thành phố Thane, mang về nguồn thu tiền thuê nhà hàng tháng. Những khoản đầu tư này giúp ông xây dựng nền tảng tài chính ổn định cho gia đình và đảm bảo cuộc sống tương lai.
Khi Jain tiếp tục theo đuổi nghề ăn xin, thì gia đình được hưởng lợi từ nguồn tài chính ổn định. Ông cho 2 con trai ăn học đàng hoàng. Hiện cả hai cùng hỗ trợ cho việc kinh doanh trong gia đình. Đó là một cửa tiệm bán văn phòng phẩm quy mô lớn để tăng thu nhập.
Đến nay, khi tài chính đã ổn, các thành viên trong nhà nhiều lần khuyên nhủ ông Jain nên bỏ nghề, nhưng ông kiên quyết không đồng ý.
“Tôi thích nghề ăn xin và không muốn từ bỏ công việc”, ông nói.
Cách tiếp cận với nghề của ông được đánh giá khá độc đáo. Ông khẳng định bản thân không tham lam, chỉ biết vơ vào cho bản thân mà quên đi cộng đồng.
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ Economic Times, người đàn ông ăn xin 54 tuổi này cho biết thường xuyên quyên góp tiền cho các ngôi đền và tổ chức từ thiện tại địa phương.
Theo truyền thông Ấn Độ, câu chuyện về ông Jain không phải là trường hợp cá biệt tại quốc gia này. Ngành công nghiệp ăn xin tại Ấn độ rất lớn.
Một số người ăn xin nổi danh khác như Sambhaji Kale hay Laxmi Das đều có khối tài sản đồ sộ. Đây là những ví dụ phản ánh một nền kinh tế ngầm đang phát triển mạnh ở Ấn Độ, nơi ăn xin có thể trở thành việc kinh doanh có lợi nhuận nếu biết cách điều hướng.
Dù nghề ăn xin là bất hợp pháp ở Ấn Độ, nhưng đây vẫn là một tập tục phổ biến tại quốc gia này bất chấp việc chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn.
Những biện pháp như bắt giữ, phạt tiền gần như chưa đạt hiệu quả. Thậm chí một số còn hoạt động dưới dạng đường dây ăn xin có tổ chức và trục lợi cá nhân.
Nguồn: https://dantri.com.vn/doi-song/tai-san-nguoi-dan-ong-an-xin-hon-22-ty-dong-tiet-lo-lam-viec-12-tiengngay-20241209111659736.htm