Những ngày gần đây, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai liên tục tiếp nhận các bệnh nhi bị tai nạn thương tích, trong đó có những trường hợp rất nặng.
Bệnh nhân M.A. bị đuối nước được khám sức khỏe trước khi được chuyển lên Khoa Hô hấp và xuất viện. Ảnh: H.Dung |
Vài ngày tới, các trường học trong tỉnh sẽ tổng kết năm học 2022-2023, học sinh có thời gian rảnh để tham gia các hoạt động, sinh hoạt ngoài trời. Các gia đình cần chú ý giáo dục, bảo vệ trẻ, đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia các hoạt động này, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
* Nguy hiểm đuối nước
Những ngày vừa qua, vợ chồng chị N.T.H. (ngụ xã Long Phước, H.Long Thành) vô cùng lo sợ bởi cậu con trai đầu là V.M.A., 15 tuổi, bị ngạt nước, đe dọa đến tính mạng.
Chị H. nhớ lại, chiều 13-5, bé A. xin chị đi đánh cầu lông với bạn nhưng sau đó trốn mẹ cùng 3 người bạn trong xóm ra sông ở gần nhà bơi. Được khoảng 20 phút, một bé trong số đó hớt hải chạy về báo cho chị H. biết bé A. bị đuối nước, đã được người dân xung quanh vớt lên nhưng chưa tỉnh.
“Tôi hoảng hồn chạy ra bờ sông thì thấy con trai trong tình trạng lơ mơ và la lên “Mẹ ơi, mẹ ơi cứu con”. Con tôi sau đó được đưa đến một phòng khám đa khoa gần đó để sơ cứu, rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành. Do tình trạng bệnh nặng nên cháu được chuyển tiếp lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai” – chị H. nói.
BS CKII PHẠM VĂN KHƯƠNG, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình – bỏng, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khuyến cáo: “Các gia đình không nên cho trẻ sử dụng xe máy phân khối lớn khi trẻ chưa đến tuổi được pháp luật cho phép sử dụng. Dặn dò trẻ tránh xa ao hồ, sông suối, không tự ý đi bơi khi chưa biết bơi và không có sự giám sát của người lớn. Không nên tham gia các trò chơi mạo hiểm khi chưa đảm bảo an toàn…”. |
ThS-BS Trần Lê Duy Cường, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, chiều hôm đó, khi anh đang ở nhà thì được bệnh viện gọi báo có ca ngạt nước nguy hiểm. Anh tức tốc chạy vào bệnh viện. Lúc này, bé A. đang trong tình trạng bị kích thích, la hét nhưng không thở được. Các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản để trợ thở cho bệnh nhi; cho bệnh nhi sử dụng thuốc an thần, thuốc chống phù não, kháng sinh.
Đêm đầu tiên tại khoa, bệnh nhi sốt rất cao, 39-40 độ C. Bác sĩ phải thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ não cho bệnh nhân. Tuy nhiên, đến hôm sau, bệnh nhân rơi vào tình trạng suy đa cơ quan, suy thận, buộc phải lọc máu 2 chu kỳ.
Đến khi thận của bệnh nhân bắt đầu hoạt động được thì ngưng lọc máu. Vài ngày sau đó, bệnh nhân được cai máy thở, chăm sóc tích cực. May mắn, đến nay bệnh nhi đã hoàn toàn tỉnh táo, ăn uống, sinh hoạt bình thường và đã được xuất viện. Trường hợp này nếu không được sơ cứu kịp thời, đúng cách hoặc đưa lên bờ trễ, não sẽ bị tổn thương và không có khả năng hồi phục.
Chị H. tâm sự, gia đình chị có hoàn cảnh khó khăn, chồng làm phụ hồ, chị làm thợ may. Bé A. tuy đã 15 tuổi nhưng cơ thể gầy gò, ốm yếu, học không được nên nghỉ học từ năm ngoái, ở nhà phụ mẹ trông em. Hơn 1 năm qua, bé không tham gia bảo hiểm y tế, đến khi vào bệnh viện, tổng chi phí hơn 100 triệu đồng. Nếu không có bệnh viện hỗ trợ kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ thì gia đình chị không biết phải xoay xở ra sao.
* Nhiều trẻ bị tai nạn thương tích
Tại Khoa Chấn thương chỉnh hình – bỏng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai hiện có khoảng 50 bệnh nhân đang điều trị nội trú, phần lớn bị tai nạn thương tích như: leo trèo cây cao bị ngã, đi xe đạp điện, xe máy phân khối lớn bị tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt…
BS CKII Phạm Văn Khương, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình – bỏng cho hay, khoảng 2 tuần nay, số bệnh nhân bị tai nạn thương tích nhập viện tăng đột biến. Nếu như trước đây mỗi tuần khoa thực hiện mổ cấp cứu cho 15-18 bệnh nhân thì nay con số này đã tăng lên 25-30 bệnh nhân.
Mỗi năm vào dịp hè, Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận và điều trị cho từ 5-7 ca đuối nước có tổn thương phổi. |
Có những trường hợp bị thương rất nặng như: bệnh nhân T.T.D., 15 tuổi, bị tai nạn giao thông dẫn đến gãy xương đùi, vỡ gan, vỡ lách, giập phổi. Hay bệnh nhân M.D. (14 tuổi, ngụ H.Trảng Bom) chưa có bằng lái xe, do được nghỉ học nên đã lấy xe máy của cha chở bạn đi chơi. Do không làm chủ được tốc độ nên em D. thắng gấp, cả hai cùng té ngã, riêng em D. bị gãy tay phải và gãy xương đùi trái, đang được theo dõi, điều trị tại khoa.
Theo BS Khương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ gia tăng thời gian qua. Nguyên nhân chính là nhiều trẻ trong độ tuổi từ 13-15 sử dụng xe máy phân khối lớn. Dù chưa đủ tuổi để sử dụng loại phương tiện này nhưng nhiều em đã được cha mẹ cho sử dụng xe máy để đi học hoặc tự ý lấy xe máy của cha mẹ để đi. Ngoài việc chưa nắm rõ các quy định của Luật Giao thông đường bộ, chưa ý thức được trách nhiệm khi tham gia giao thông, các em còn chưa có phản xạ tốt trong việc xử lý các tình huống giao thông trên đường.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp vì muốn chứng tỏ với bạn bè nên đua đòi “độ” xe đạp điện nhằm gia tăng tốc độ của xe. Đến khi tham gia giao thông trên đường, không xử lý được tình huống dẫn đến va chạm với các xe khác hoặc tự té ngã. Với trẻ em ở vùng nông thôn, tai nạn thường gặp là các em nhỏ leo trèo lên cây, lên cao rồi trượt chân té ngã dẫn đến gãy tay, gãy chân.
BS Khương nhấn mạnh, trẻ bị tai nạn thương tích nếu được phát hiện, sơ cứu kịp thời, đúng cách rồi đưa ngay đến cơ sở y tế để điều trị thì khả năng phục hồi cao. Ngược lại, nếu gia đình sử dụng các phương pháp dân gian để điều trị, điều trị sai cách hoặc chậm đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và khả năng phục hồi của trẻ.
Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo, các gia đình cần quan tâm, giám sát, để mắt đến trẻ, giáo dục cho trẻ hiểu những tai nạn thương tích có thể xảy ra. Qua đó, giúp trẻ ý thức, cẩn trọng hơn với những việc mình làm. Với những trẻ trong độ tuổi nhỏ hơn, các gia đình cần lưu ý đến các tai nạn như: bỏng nước sôi, bỏng hóa chất, hóc dị vật, kẹt tay chân vào cửa, đuối nước, điện giật…
Hạnh Dung
.