Hàng không giá rẻ Jeju Air của Hàn Quốc chìm sâu vào khủng hoảng khi có thêm 1 máy bay của hãng này gặp lỗi càng đáp, chỉ một ngày sau thảm họa tồi tệ hôm 29/12.

Theo Hãng tin Yonhap, ngày 30/12, một chuyến bay của Jeju Air gặp sự cố càng đáp, buộc máy bay phải hạ cánh trở lại sân bay Gimpo ngay sau khi cất cánh.

Lỗi của sự cố này tương tự tình trạng của máy bay gặp nạn hôm 29/12 phải hạ cánh bằng bụng, trượt khỏi đường băng, đâm vào hàng rào và bốc cháy ở sân bay quốc tế Muan, Hàn Quốc, khiến 179 người được xác nhận đã tử nạn trong tổng 181 hành khách và thành viên phi hành đoàn.

Máy bay được sử dụng cũng cùng dòng Boeing B737-800 với chiếc máy bay gặp nạn.

JoongAng Daily cho biết Jeju Air đang vận hành 41 chiếc máy bay, trong đó có 39 chiếc thuộc mẫu thân hẹp Boeing 737-800. 

Hàn Quốc xem xét triển khai kế hoạch “kiểm tra đặc biệt” toàn bộ máy bay Boeing 737-800 đang khai thác tại nước này, sau thảm kịch của Jeju Air tại sân bay Muan. Boeing 737-800 là mẫu máy bay được hầu hết các hãng hàng không giá rẻ ở Hàn Quốc sử dụng, theo Yonhap. 

JejuAir179nguoichet Blomberg.gif
Máy bay Jeju Air gặp nạn hôm 29/12 tại sân bay quốc tế Muan, Hàn Quốc khiến 179 người đã được xác nhận đã thiệt mạng. Ảnh: BLB

Thảm kịch hôm 29/12 cùng với sự cố mới có thể khiến Jeju Air rơi vào khủng hoảng toàn diện nếu gây mất niềm tin của khách hàng. Chỉ trong một ngày, có gần 70.000 vé máy bay đã bị hủy. Cổ phiếu Jeju Air lao dốc.

Trong phiên giao dịch 30/12, cổ phiếu Jeju Air giảm gần 8,7% xuống còn 7.500 won. Trong phiên có lúc cổ phiếu này giảm gần 16%, xuống thấp nhất kể từ khi hãng này niêm yết năm 2015.

Việc hủy vé là điều dễ hiểu bởi an toàn là vấn đề khách hàng quan tâm hàng đầu.

Trên Dailysabah, Song Kyung-hoon, người đứng đầu Phòng hỗ trợ quản lý tại Jeju Air, chia sẻ tại một cuộc họp báo rằng tỷ lệ hủy chuyến tại hãng có cao hơn so với bình thường. Tuy nhiên, lượng đặt chỗ mới vẫn ổn định.

Ông Yang Seung Yoon, nhà phân tích tại Eugene Investment Securities, cho rằng cần thời gian để xác định nguyên nhân vụ tai nạn. Tuy nhiên, tâm lý tiêu dùng sẽ bị tổn thương vì uy tín rất quan trọng đối với các hãng hàng không giá rẻ.

Trong ngắn hạn, xu hướng hủy chuyến là khó tránh khỏi. Dù vậy, tình hình sẽ trở lại bình thường nếu Hàn Quốc tìm ra nguyên nhân và vấn đề an toàn được đảm bảo. Cấu trúc ngành hàng không Hàn Quốc nói riêng và thế giới nói chung được đánh giá sẽ không có nhiều thay đổi. Thống kê cho thấy, vận tải đường hàng không có độ an toàn cao hơn nhiều so với các hình thức khác.

Giới chức Hàn Quốc đang tìm nguyên nhân vụ tai nạn hôm 29/12. Nếu do lỗi càng đáp liên quan tới máy bay Boeing hoặc liên quan tới hoạt động bảo trì bảo dưỡng thì Jeju Air có thể lún sâu vào khủng hoảng. Còn nếu là yếu tố khách quan như va chạm với chim như một số ý kiến thì ảnh hưởng sẽ nhẹ hơn.

Trong quá khứ, nhiều hãng hàng không chứng kiến cổ phiếu giảm mạnh sau tai nạn máy bay. Tuy nhiên, mức giảm cũng không quá sâu và sau đó hầu hết cổ phiếu đều hồi phục. 

Chỉ có trường hợp cổ phiếu MAS của hãng hàng không Malaysia Airlines là lao dốc thảm hại sau hai vụ máy bay rơi liên tục trong vòng 4 tháng (MH17 và MH370) hồi năm 2014. Malaysia Airlines khi đó còn gặp khó khăn về tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh.

Boeing 737-800 là một trong 4 biến thể chính của dòng 737 Next Generation, được khai thác từ năm 1997. Đây là phiên bản thế hệ thứ ba của dòng Boeing 737, một trong những máy bay chở khách phổ biến nhất thế giới.

Tai nạn máy bay 179 người tử vong: Hãng bay giá rẻ lớn nhất Hàn Quốc sẽ ra sao?Trước tai nạn hàng không khiến 179 người thiệt mạng, Jeju Air là hãng bay giá rẻ được ưa thích và có quy mô lớn thứ hai tại Hàn Quốc, chỉ xếp sau hãng hàng không quốc gia Korean Air.