Trong ngày đầu khai mạc khu trưng bày tư liệu, hiện vật về những chuyến tàu không số tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, những người cựu chiến binh, du khách khi đến đây không chỉ thấy mà còn được chạm vào những chứng tích làm nên đường Hồ Chí Minh trên biển.
Tối 22-11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến tàu không số” tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên (TP Tuy Hòa). Thời gian trưng bày từ ngày 22-11 đến 31-12-2024.
Khu trưng bày có tổng cộng 92 ảnh, 35 hiện vật, 2 bản đồ, sơ đồ, 5 bảng trích, 5 danh sách và 7 tài liệu.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái – giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên – cho hay đây là hoạt động nhằm tôn vinh, ghi nhớ công lao của cán bộ, chiến sĩ, dân công đã lãnh đạo, phục vụ bến Vũng Rô trong vận chuyển, tiếp nhận chi viện từ những chuyến tàu không số từ Bắc vào Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, tinh thần vượt qua khó khăn của quân và dân Phú Yên.
“Đồng thời đây là một trong những hoạt động mang ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 60 năm bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của tàu không số”, bà Thái nói.
Những hiện vật, tư liệu được sắp hài hòa theo một mạch câu chuyện từ hình ảnh vịnh Vũng Rô trước năm 1975 hay dấu tích tàu không số tại bến Vũng Rô do ta tự đánh chìm khi tàu bị địch phát hiện, ảnh chụp năm 1978…
Nhiều người xem không khỏi xúc động trước những hiện vật xưa cũ, đã hoen gỉ theo thời gian như chiếc đèn măng xông được sử dụng báo hiệu tại hải đăng Mũi Điện để đón các chuyến tàu không số.
Hay những chiếc thùng đựng thuốc cứu thương, tư trang của thủy thủ, đến chiếc ăng gô của thủy thủ tàu không số tặng chiến sĩ bảo vệ bến Phạm Văn Quyết trong lần tàu cập bến Vũng Rô vào ngày 25-12-1964.
Bình đông do ông Ngô Văn Định thu được của địch trong trận chiến đấu bảo vệ bến Vũng Rô khi chuyến tàu thứ 4 vào bến bị địch phát hiện, tháng 2-1965.
Tại buổi trưng bày, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trung tá Hồ Đắc Thạnh – nguyên thuyền trưởng tàu không số C41, nguyên phó tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân – cũng đã trao các kỷ vật mà bản thân lưu giữ cho bảo tàng.
Như chiếc compa, thước bán nguyệt Quân chủng Hải quân cấp cho ông vào năm 1962, dùng để đo hải lý trên biển.
“Đây là những công cụ để xác định phương hướng trong quá trình vận chuyển vũ khí vì điều kiện lúc này khá thô sơ. Đây là những kỷ vật tôi luôn giữ bên mình trong những chuyến tàu ngược xuôi Bắc – Nam.
Tôi muốn nó được trưng bày để thế hệ sau biết đến những hy sinh, chiến công của cha ông”, Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh nói.
Chăm chú xem những hiện vật, bạn Phạm Thị Hồng Uyển – sinh viên năm 2, ĐH Phú Yên – chia sẻ: “Đến đây vừa nghe thuyết minh viên nói về những chuyến tàu không số vừa thấy tận mắt những hiện vật mình rất thích, có cảm giác như mình sống trong giai đoạn đó vậy!
Ngoài khâm phục các chiến sĩ mình cũng rất nể khi có những hiện vật được giữ gìn cẩn thận như chiếc đèn pin, dây dù…”
Nguồn: https://tuoitre.vn/tai-hien-duong-ho-chi-minh-tren-bien-qua-nhung-hien-vat-20241122205227945.htm