Nhà xuất bản Trẻ tái bản ba cuốn sách quý về Đại tướng Võ Nguyên Giáp gồm: “Võ Nguyên Giáp – Những năm tháng cuộc đời”, “Không phải huyền thoại”, “Võ Nguyên Giáp – Hào khí trăm năm”.
Ba tư liệu quý giúp độc giả có cái nhìn rõ hơn về cuộc đời Đại tướng từ khi còn là cậu học sinh sôi nổi của trường Quốc học Huế đến người thầy dạy sử, vị tướng quyết đoán, và nhà chính trị thời bình với tầm nhìn xa trông rộng trong lĩnh vực khoa học kĩ thuật, giáo dục, bảo vệ biển đảo. Hay hiểu hơn về Đại tướng dưới góc nhìn là một nhân vật văn học trọn vẹn, với những ưu tư và trách nhiệm của một con người được lịch sử chọn.
1. Với cuốn sách “Võ Nguyên Giáp – Những năm tháng cuộc đời”, là 103 sự kiện lớn đã được chọn lọc, khắc họa sơ lược nhưng rõ nét 103 năm cuộc đời của Đại tướng (tính theo tuổi âm).
Cuốn sách đã được Nhà xuất bản Trẻ biên soạn nội dung, với sự góp ý của gia đình Đại tướng. Sách sử dụng cách tiếp cận thị giác với nội dung ngắn gọn, súc tích và nhiều hình ảnh, bản đồ minh họa nên dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ. Ví dụ trận Điện Biên Phủ chỉ gói gọn trong 4 sự kiện, và diễn biến trận đánh, bao gồm cả hình ảnh, sơ đồ chỉ gói gọn trong 3 trang.
So với các công trình nghiên cứu chuyên sâu dày hàng nghìn trang về Đại tướng thì “Võ Nguyên Giáp – Những năm tháng cuộc đời” là một cuốn sách rất khác: chỉ hơn 100 trang, từ ngữ ngắn gọn, hiện đại cùng với nhiều hình ảnh sinh động trong khổ sách ngang đặc biệt.
Lướt qua những tiêu đề, độc giả dễ thấy toát lên một tiết tấu nhanh và lôi cuốn: Cẩm nang đánh “pháo đài bay’’; Tỉ lệ nào làm Mỹ chịu thua?; Điện Biên Phủ trên không; Thập tử nhất sinh; Đòn điểm huyệt; Giải phóng Trường Sa; Bức mật điện…
Không chỉ xoay quanh những câu chuyện của đại tướng, xen kẽ các trang sách là những mẩu thông tin ngắn gọn về các sự kiện, nhân vật có liên quan để gợi nhớ và giúp người đọc có thể hình dung rõ ràng hơn bối cảnh lịch sử ngày ấy.
Bằng cách trình bày ngắn gọn, sinh động, quyển sách là lời đáp cho những ai muốn biết: “Năm ấy, ở tuổi ấy Đại tướng đã làm gì, và làm như thế nào, trong bối cảnh nào?”. Đặc biệt sách có kèm quà tặng là 2 bức ảnh chân dung Đại tướng trong đời thường do nhiếp ảnh gia Duy Anh chụp.
2. Người đọc từng biết đến hình ảnh vị Đại tướng tổng tư lệnh qua những văn bản lịch sử, những hồi kí và những thước phim tư liệu. Song phải đến “Không phải huyền thoại”, chân dung của ông mới hiện lên như một nhân vật văn học trọn vẹn, với những ưu tư và trách nhiệm của một con người được lịch sử chọn. Đây cũng là cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp và cao trào chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Với mối quan hệ đặc biệt của mình, nhà văn Hữu Mai đã có cuộc hành trình trên trang giấy để tìm ra đâu là khía cạnh phi thường của một con người giữa quan hệ với muôn người, những ảnh hưởng đến sinh mệnh và cục diện chiến cuộc, đâu là khía cạnh chân thực của những nét ngoại cỡ của tầm vóc lịch sử.
Câu hỏi vì sao Việt Nam thắng trận Điện Biên Phủ rốt cục đã có câu trả lời, nhưng điều khiến “Không phải huyền thoại” vượt ra khỏi khuôn khổ biên niên sử bình thường ở chỗ còn lột tả được khía cạnh khắc nghiệt của chiến tranh. Khốc liệt ở chiến hào, quyết liệt trên những căn hầm sở chỉ huy và không khoan nhượng ở bàn nghị sự quốc tế.
Số phận của một xu thế chính trị rơi vào những thời điểm quyết định, và người cầm quân phải thỏa mãn được đáp án kép: Phương án đúng và thời điểm đúng. Phía sau chiến thắng vẻ vang là những tâm sự gì, nhà văn Hữu Mai tìm được câu trả lời đầy sức mạnh qua hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người được đài CNN nhận định là “một trong số những hình tượng quan trọng nhất trong thời kì đầu lịch sử nước Việt Nam cộng sản”.
Tác giả Hữu Mai viết cuốn sách này nhân lời mời tham gia cuộc vận động sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân. Ông từng là cầu nối và chứng kiến cuộc gặp giữa John Kennedy (con trai cố tổng thống Mỹ Kennedy) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong cuộc gặp đó, John Kennedy đặt câu hỏi: “Tại sao người Việt Nam đều giành chiến thắng trong lúc kẻ thù mạnh nhất?”. Đến lượt tác giả Hữu Mai tự đặt câu hỏi: Tại sao phần lớn sách nước ngoài viết về chiến tranh Việt Nam, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều chưa đề cập đến một điều cơ bản: Vì sao nhân dân Việt Nam đánh thắng?
Tập sách này, theo ông, “mong làm rõ thêm, bổ sung thêm, cụ thể hóa thêm thực tế cuộc chiến, may chăng có thể mang lại điều gì bổ ích đối với những vấn đề người đọc quan tâm”.
Ngoài lối kể vô cùng lôi cuốn, điểm đặc sắc của cuốn sách nằm ở sự công phu nghiên cứu và trích dẫn tư liệu từ nhiều nguồn đa dạng, khiến bản thân cuốn sách trở thành nguồn tham khảo quan trọng cho những ai muốn tìm hiểu về lịch sử giai đoạn này.
3. Với “Võ Nguyên Giáp – Hào khí trăm năm”, ấn phẩm là sự góp phần khắc họa rõ nét chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp – một nhân vật lịch sử đặc biệt văn võ song toàn đã đồng hành với lịch sử nước Việt Nam hiện đại.
Được biên soạn dưới dạng biên niên, thông qua 101 đề mục kèm hình ảnh minh họa sinh động, sách còn cung cấp cho độc giả những thông tin lí thú về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tại sao ông lại làm được quá nhiều điều đến thế trong sự hữu hạn của đời người? Tại sao những điều ông đã làm được lại tỏ ra nghiệm đúng hơn cả trong sự vô hạn của những phương án? Kéo pháo vào rồi kéo pháo ra, lúc thì đánh chắc tiến chắc, lúc lại thần tốc, thần tốc hơn nữa, rồi xây dựng nền kinh tế tri thức làm then chốt bên cạnh chú trọng kinh tế biển đảo…
Cuộc hành trình gian lao và không ngừng nghỉ suốt 80 năm hoạt động cách mạng trong cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã toát lên hào khí của một thời đại sôi động của đất nước, mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhân vật nổi bật.
Tác giả Trần Thái Bình đã dựa trên những chi tiết cụ thể, những sự kiện, con người của lịch sử, thông qua nhiều thủ pháp văn học như: Tường thuật, kể chuyện, trích dẫn… cung cấp cho bạn đọc những hình ảnh thực về cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách của Đại tướng.
Ba cuốn sách còn là lời nhắc nhở đối với thế hệ trẻ về di nguyện của Đại tướng: “Thế hệ cha anh đã rửa được cái nhục mất nước, tôi mong thế hệ trẻ các bạn phải rửa được cái nhục nghèo hèn”.