Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) đảm bảo với các nhà đầu tư và chính trị gia đang tập trung tại Davos rằng nền kinh tế số 2 thế giới có “tiềm năng to lớn” và vẫn là “động lực quan trọng” cho tăng trưởng toàn cầu, bất chấp những “cơn gió ngược” mà nước này đã chứng kiến trong năm qua.
Người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc hôm 16/1 cho biết nền kinh tế nước ông đã tăng trưởng “khoảng 5,2%” vào năm ngoái. Đây là một tiết lộ bất ngờ, được đưa ra một ngày trước khi dữ liệu kinh tế quan trọng này được công bố chính thức.
Con số tăng trưởng 5,2% năm 2023 phù hợp với cuộc thăm dò ý kiến của các nhà phân tích của Reuters. Các nhà kinh tế kỳ vọng Bắc Kinh sẽ một lần nữa đặt ra mục tiêu tăng trưởng chính thức trong năm nay là 5%, mục tiêu mà họ cho rằng sẽ khó khăn hơn do thị trường bất động sản Trung Quốc đang quá tải và áp lực giảm phát.
Phát biểu tại hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra ở Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Lý Cường, vị quan chức cấp cao thứ hai ở Trung Quốc sau Chủ tịch Tập Cận Bình (Xin Jinping), nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã tìm cách mở rộng nền kinh tế mà không sử dụng các biện pháp rủi ro hoặc ngắn hạn, như các chương trình tín dụng hoặc chi tiêu lớn.
“Chúng tôi không tìm kiếm sự tăng trưởng ngắn hạn trong khi tích lũy rủi ro dài hạn, thay vào đó chúng tôi tập trung vào việc củng cố các động lực nội bộ”, ông nói. “Giống như một người khỏe mạnh thường có hệ thống miễn dịch mạnh mẽ, nền kinh tế Trung Quốc có thể xử lý những thăng trầm trong hoạt động của mình. Xu hướng tăng trưởng dài hạn chung sẽ không thay đổi”.
Các bình luận của ông Lý nhất quán với các ước tính công khai về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm ngoái. Con số chính thức sẽ được công bố tại Bắc Kinh vào ngày 17/1.
Caixin, một hãng tin Trung Quốc, cho biết một cuộc khảo sát các nhà kinh tế tuần trước đã kết luận rằng nền kinh tế có thể tăng trưởng 5,3% vào năm 2023.
Tại Davos, Thủ tướng Lý Cường đã sử dụng phần lớn bài phát biểu của mình để giới thiệu Trung Quốc như một thị trường hấp dẫn đối với các công ty toàn cầu và là một quốc gia có triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Ông chỉ ra rằng Trung Quốc, nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, có nền công nghiệp đa dạng nhất thế giới. Ông giới thiệu về “thị trường siêu lớn” của Trung Quốc, lực lượng lao động có trình độ và tay nghề cao, vị trí dẫn đầu toàn cầu về xe điện cũng như tầng lớp trung lưu khổng lồ và vẫn đang phát triển nhanh chóng.
Ngoài ra, vị quan chức hàng đầu Trung Quốc cũng kêu gọi thế giới giải quyết điều mà ông mô tả là “sự thiếu hụt niềm tin” giữa các quốc gia và, gián tiếp chỉ trích chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.
Ông kêu gọi tạo ra một “môi trường không phân biệt đối xử” để trao đổi khoa học và công nghệ, đồng thời tuyên bố rằng “sự phân biệt đối xử” trong chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu “làm tổn hại đến hiệu quả phát triển nhưng cũng gây ra nhiều rủi ro và vấn đề kinh tế”.
Washington đã thực hiện một loạt biện pháp trong những năm gần đây để bảo vệ các công nghệ tiên tiến của Mỹ khỏi những gì họ cho là hoạt động gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ. Những biện pháp đó bao gồm đặt ra các hạn chế đối với việc Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ và hạn chế một số hợp tác nghiên cứu với Trung Quốc.
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC0, người phát biểu sau ông Lý Cường, cho biết: “Chúng tôi muốn nói với những người bạn Trung Quốc của mình rằng chúng tôi không muốn tách rời nhưng chúng tôi cần giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng của mình theo một cách nào đó”.
Bà Von der Leyen cho biết Trung Quốc đang chuẩn bị kiểm soát xuất khẩu 3 kim loại được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn – germanium, gali và than chì – và đây “không phải là xây dựng niềm tin”.
Minh Đức (Theo NY Times, FT, Axios)