Tái cấu trúc, làm mới “con tàu dầu khí”
Giai đoạn 2015-2020 có thể nói là khó khăn nhất đối với Petrovietnam trong lịch sử hơn 60 năm xây dựng và phát triển. Liên tiếp các cuộc khủng hoảng giá dầu sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là cuộc “khủng hoảng kép” do tác động của dịch Covid-19 và giá dầu xuống thấp, cùng với những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, đầu tư… đã giáng những đòn mạnh vào toàn bộ hoạt động của Tập đoàn; tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên, người lao động bị ảnh hưởng; uy tín hình ảnh, thương hiệu của Petrovietnam bị giảm sút. Tất cả những yếu tố đó đã tạo ra một lực cản lớn. Thực tế đó đòi hỏi Petrovietnam cần phải có một cuộc “cải tổ” để tạo động lực, một luồng sinh khí mới nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển mới của ngành Dầu khí.
Công tác tái cấu trúc, sắp xếp bộ máy giúp Petrovietnam hoạt động ổn định, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả tích cực (Ảnh minh họa)
Nhận thức rõ vấn đề này, thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; Nghị quyết 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; nhằm triển khai hiệu quả các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035”, ngay sau khi kiện toàn lãnh đạo Tập đoàn, công tác tái cơ cấu, sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả đã được quyết liệt triển khai thực hiện và nhận được sự đồng thuận rất cao.
Việc tái cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy được Petrovietnam thực hiện từ đầu năm 2018 và chỉ sau chưa đầy 1 năm, số ban/Văn phòng đầu mối tại bộ máy Cơ quan Tập đoàn đã được rút gọn gần một nửa. Đã có không ít cán bộ phải thay đổi vị trí công tác, hoặc từ chức vụ cao xuống chức vụ thấp. Mặc dù vậy, tuyệt nhiên không nảy sinh các vấn đề tiêu cực nội bộ, không có vụ khiếu kiện kéo dài. Kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong toàn Tập đoàn. Ai cũng nhận thức rõ: Chỉ có xây dựng bộ máy quản trị tinh, gọn mới có hiệu quả trong điều hành và đó là điều cốt yếu để Tập đoàn phát triển bền vững.
Để củng cố, tạo nền tảng phát triển bền vững, công tác cán bộ cũng được Petrovietnam đặc biệt chú trọng. Song song với việc tái cấu trúc tổ chức Bộ máy điều hành, Tập đoàn đã thực hiện quyết liệt việc sắp xếp, bố trí nhân sự lãnh đạo các ban/Văn phòng phù hợp với năng lực, kinh nghiệm theo chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các ban chuyên môn/Văn phòng. Đồng thời, chức năng, nhiệm vụ của bộ máy tham mưu giúp việc cho Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc được rà soát, quy định cụ thể, bước đầu đã khắc phục được tình trạng trùng lắp, chồng chéo trong xử lý công việc. Từ đó, một người có thể đảm nhiệm nhiều việc nhưng một việc chỉ do một tổ chức, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính.
Công tác điều động và luân chuyển cán bộ được quan tâm thực hiện, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có triển vọng, cán bộ trong diện quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn và tránh tình trạng khép kín trong công tác cán bộ. Tập đoàn đã tích cực điều động, luân chuyển những cán bộ trẻ trong quy hoạch từ Tập đoàn xuống các đơn vị để đào tạo, bồi dưỡng thực tiễn và điều động những cán bộ có kinh nghiệm thực tế từ đơn vị cơ sở, từ các liên doanh với nước ngoài về giữ các chức vụ lãnh đạo trong Cơ quan Tập đoàn và các Tổng công ty lớn, đặc biệt là tại các dự án trọng điểm.
Sự đồng thuận, nhất trí trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đã giúp công cuộc cải tổ của Tập đoàn đạt được mục tiêu đề ra (Ảnh minh họa)
Công tác tư tưởng cũng được Tập đoàn quan tâm thực hiện, quá trình kiện toàn cán bộ trong quá trình tái cơ cấu, sắp xếp bộ máy được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ, tuân thủ đúng quy định, quy trình. Qua đó, tạo được sự thống nhất và đồng thuận trong toàn bộ cán bộ, đảng viên và người lao động. Bên cạnh đó, công tác tái cơ cấu, sắp xếp bộ máy tại các đơn vị thành viên Petrovietnam được triển khai quyết liệt và hiệu quả.
Có thể nói, công tác tái cơ cấu, sắp xếp bộ máy đã tạo một luồng sinh khí mới, khí thế mới trong toàn bộ mọi hoạt động của Tập đoàn. Việc cắt giảm các đầu mối ban chuyên môn/Văn phòng và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong bộ máy bước đầu đã khắc phục tình trạng ỉ lại, né tránh trách nhiệm, gây chậm trễ trong xử lý công việc. Cán bộ, đảng viên, người lao động bày tỏ sự tin tưởng, yên tâm lao động, công tác, nỗ lực vượt khó để cùng lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.
“Trái ngọt” từ “cải tổ” bộ máy
Như đã đề cập, thông qua thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp bộ máy, đặc biệt là công tác cán bộ, “con thuyền dầu khí” sau thời gian có dấu hiệu chậm chạp, sức ì lớn đã được làm mới, giàu khát vọng, sức chiến đấu mạnh, khả năng thích ứng cao. Những cán bộ được bổ nhiệm, được sắp xếp, luân chuyển đã bắt tay nhanh vào việc, để lại dấu ấn tích cực trong công tác quản trị, điều hành doanh nghiệp. Không chỉ được đánh giá cao về năng lực chuyên môn, họ còn là những cán bộ giàu khát vọng, sức chiến đấu, “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” và đặc biệt là đã được tôi rèn, trưởng thành qua thử thách trong môi trường ngành Dầu khí. Với những phẩm chất tốt đẹp đó, một luồng sinh khí mới đã được họ “thổi” vào toàn bộ mọi hoạt động của Petrovietnam. Từng khâu, từng mắt xích từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên được vận hành ổn định, liên tục với tinh thần “Một đội ngũ – Một mục tiêu” để tạo thành sức mạnh đoàn kết to lớn đưa “con tàu dầu khí” mang “khát vọng tăng trưởng” vươn xa.
Chính nhờ tinh thần và khí thế đó, Petrovietnam đã vững vàng ứng phó hiệu quả với cuộc “khủng hoảng kép” do tác động của dịch Covid-19 và giá dầu xuống thấp năm 2020. Petrovietnam là một trong số ít tập đoàn/công ty dầu khí trên thế giới làm ăn có lãi, đạt lợi nhuận dương với gần 20 nghìn tỷ đồng, có đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Người lao động Vietsovpetro.
Tiếp nối thành tựu đó, trên đà phục hồi tăng trưởng, với phương châm hành động “Quản trị biến động – Đón đầu xu hướng – Kết nối nguồn lực – Phát huy công nghệ – Thúc đẩy đầu tư – Phát triển bền vững”, năm 2022, Petrovietnam đã xác lập nhiều kỷ lục mới trong SXKD. Cụ thể, tổng doanh thu toàn Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 4 tháng, đạt 931,2 nghìn tỷ đồng, vượt 67% kế hoạch năm, tăng 48% so với năm 2021 – thiết lập kỷ lục mới trong lịch sử Petrovietnam, vượt mức kỷ lục của năm 2012 khi thời điểm có nhiều thuận lợi về giá dầu và sản lượng khai thác. Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 6 tháng, năm 2022 đạt 170,6 nghìn tỷ đồng, vượt 2,64 lần kế hoạch năm, tăng 52% so với năm 2021.
Không bằng lòng với những gì đã có, đã làm được, với mục tiêu phải đóng góp nhiều nhất, cao nhất cho đất nước, mục tiêu tăng trưởng và tăng trưởng với mức cao đã được Petrovietnam đặt ra. Năm 2023, với phương châm “Quản trị biến động – Mở rộng quy mô – Tăng tốc chuyển đổi số – Dịch chuyển mô hình – Nâng cao năng suất – Tái tạo kinh doanh”, Tập đoàn đã tiếp tục thiết lập những kỷ lục mới trong SXKD. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2023 đạt 942,8 nghìn tỷ đồng, vượt 39% kế hoạch năm, cao hơn 11,6 nghìn tỷ đồng so với kỷ lục năm 2022 (931,2 nghìn tỷ đồng), tương đương 9,2% GDP cả nước. Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 151,8 nghìn tỷ đồng, vượt 94% lần kế hoạch năm 2023, chiếm khoảng 9% tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2023. Những kết quả tích cực này đã góp phần quan trọng phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong mọi tình huống, Petrovietnam luôn giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng; cân đối vĩ mô và tham gia bình ổn thị trường; cung cấp nhiên liệu cho an ninh quốc phòng, cho đời sống, kinh tế đất nước: đáp ứng trên 75% nhu cầu xăng dầu cả nước, đáp ứng trên 73% nhu cầu phân bón cả nước, trên 75% thị phần LPG cả nước và 20% thị phần nội địa trong kinh doanh xăng dầu. Toàn Tập đoàn dành 750 tỷ đồng thực hiện an sinh xã hội trên mọi miền Tổ quốc.
Kiên định mục tiêu tăng trưởng, với phương châm hành động “Quản trị biến động – Bổ sung động lực mới – Làm mới động lực cũ – Tạo nguồn năng lượng mới – Vươn tới đỉnh cao mới”, 11 tháng năm 2024, các chỉ tiêu sản xuất cơ bản hoàn thành và vượt kế hoạch cả năm. Trong đó, khai thác dầu thô dự kiến cả năm đạt 9,77 triệu tấn, vượt 19% kế hoạch năm; khai thác khí dự kiến đạt 6,43 tỷ m³, vượt 26% kế hoạch năm; sản xuất xăng dầu (không gồm NSRP) dự kiến cả năm đạt trên 6,72 triệu tấn, vượt 16% kế hoạch năm; sản xuất đạm dự kiến cả năm đạt 1,82 triệu tấn, vượt 4% kế hoạch năm. Với mục tiêu tăng trưởng, Tập đoàn luôn phấn đấu các chỉ tiêu năm sau cao hơn năm trước, đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn đã hoàn thành toàn diện 6/6 chỉ tiêu tài chính cả năm 2024 theo kế hoạch pháp lệnh Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Hội đồng Thành viên giao, về đích trước từ 3-5 tháng; tăng trưởng từ 5-31% so với năm 2023. Đặc biệt, Petrovietnam đang hướng đến mục tiêu đạt 1 triệu tỷ đồng tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2024, thiết lập một kỷ lục mới.
Cần nhấn mạnh điều này, cùng với việc liên tiếp xác lập các kỷ lục mới trong SXKD, những năm qua, Petrovietnam cũng xử lý, giải quyết dứt điểm được những khó khăn, vướng mắc tại một số dự án trọng điểm. Đó là việc Petrovietnam đã “hồi sinh” đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2, NMNĐ Sông Hậu 1; khánh thành kho cảng LNG 1 triệu tấn/năm Thị Vải; đẩy nhanh tiến độ các dự án NMNĐ Nhơn Trạch 3 và 4… Và đặc biệt, Petrovietnam đã đưa Chuỗi dự án khí – điện Lô B – Ô Môn vào triển khai sau quá trình chuẩn bị nhiều năm.
Chuỗi dự án khí – điện Lô B – Ô Môn.
Trong bối cảnh mới, trước những đòi hỏi từ thực tiễn đối với sự phát triển của Tập đoàn, Petrovietnam xác định đổi mới tổ chức bộ máy và tái cơ cấu doanh nghiệp tinh, gọn, nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ hết sức cần thiết, cấp bách phải làm ngay. Điều này đã được đồng chí Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam khẳng định tại cuộc gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam: “Để có thể vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Petrovietnam phải dịch chuyển mô hình kinh doanh phù hợp với sự thay đổi của thị trường, đồng thời cơ cấu được mô hình quản trị, tinh gọn bộ máy, tối ưu nguồn lực để nâng cao năng suất, hiệu lực, hiệu quả phục vụ cho sự phát triển của Tập đoàn trong giai đoạn tới”.
Nhằm thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về tinh gọn bộ máy, trên cơ sở tinh thần Kết luận 76-KL/TW, Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, vừa qua, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết chuyên đề “Về đổi mới tổ chức bộ máy và tái cơ cấu doanh nghiệp tinh gọn, nâng cao năng suất lao động”. Và để thực hiện được cuộc “cải tổ” lần thứ hai trong Tập đoàn, điều quan trọng nhất là phải có sự đồng thuận, thông suốt từ trên xuống dưới, có sự thấu hiểu trong từng cán bộ, đảng viên, người lao động Dầu khí. Chính vì vậy, các đơn vị, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội trong toàn Tập đoàn phải tuyên truyền, vận động, phổ biến đầy đủ các thông tin, chủ trương của Tập đoàn để đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động nắm rõ và đồng thuận.
Phát huy truyền thống hơn 63 năm qua, với tinh thần “Một đội ngũ – Một mục tiêu”, nhất định Petrovietnam sẽ hoàn thành xuất sắc các mục tiêu của việc sắp xếp, tái cơ cấu, tinh giản bộ máy gắn với nâng cao năng suất lao động. Đây cũng là sức mạnh tạo xung lực mới, đưa Petrovietnam bước vào một thời kỳ mới, tập trung chuyển dịch mô hình, chuyển dịch năng lượng, để phát triển trở thành Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng quốc gia.
Thanh Ngọc – Hiền Anh
Nguồn: https://www.pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/cea74e8d-1c81-4e71-9113-d7660ef972a4