Đổi mới công nghệ và chuyển đổi số
Đổi mới công nghệ và chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp, giúp nâng cao hiệu quả, tối ưu chi phí và thích ứng với thị trường biến động nhanh chóng.
Theo đó, các doanh nghiệp nói chung không ngừng đổi mới công nghệ sản xuất; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Dữ liệu lớn (Bigdata); Chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp; Thúc đẩy kênh bán hàng trực tuyến; Đào tạo và phát triển nhân lực số…
Petrolimex tích cực thực hiện chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xăng dầu tại Việt Nam, đang tích cực thực hiện chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả vận hành, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Theo đó, Petrolimex đã phát triển hệ thống bán hàng điện tử và thanh toán trực tuyến để đáp ứng nhu cầu mua sắm tiện lợi của khách hàng; trong đó, phương thức thanh toán không tiền mặt như thanh toán qua QR code, ví điện tử và thẻ ngân hàng tại các trạm xăng dầu, giúp tăng tiện lợi và trải nghiệm cho khách hàng, đồng thời giảm thiểu rủi ro từ việc sử dụng tiền mặt.
Petrolimex từ lâu đã xây dựng hệ thống quản lý tập trung ERP để đồng bộ hóa các quy trình quản trị doanh nghiệp từ kế toán, tài chính, quản lý nhân sự, sản xuất đến chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, Hệ thống ERP của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho phép quản lý toàn diện chuỗi cung ứng điện năng từ sản xuất, truyền tải đến phân phối, giúp giảm thiểu lãng phí và đảm bảo cung cấp điện ổn định. Bên cạnh đó, nhờ ứng dụng AI và Big Data, EVN phân tích dữ liệu tiêu thụ điện để dự báo nhu cầu, từ đó tối ưu hóa kế hoạch sản xuất và phân phối điện năng. EVN còn ứng dụng AI để tối ưu hóa vận hành lưới điện, giảm thiểu sự cố và giảm tải cho các đường dây điện khi nhu cầu tăng cao.
Tái cấu trúc mô hình quản trị doanh nghiệp
Hiện nay, theo xu hướng chung, tất cả các doanh nghiệp tiến hành sắp xếp lại bộ máy quản lý, tái cấu trúc mô hình quản trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn, loại bỏ các bộ phận hoạt động kém hiệu quả hoặc không phù hợp với chiến lược phát triển.
Tái cấu trúc mô hình quản trị và ứng dụng công nghệ hiện đại không chỉ giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu quả hoạt động mà còn hướng đến phát triển bền vững, tăng cường an toàn lao động và bảo vệ môi trường, từ đó đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Tái cấu trúc mô hình quản trị doanh nghiệp thể hiện ở việc tổ chức lại bộ máy quản trị và đơn giản hóa hệ thống quản lý; Chuyển đổi số trong quản lý và vận hành; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Tăng cường quản lý chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro; Xây dựng hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM); Tăng cường an ninh mạng và bảo mật thông tin…
TKV đang thực hiện tái cấu trúc mô hình quản trị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang thực hiện tái cấu trúc mô hình quản trị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa tài nguyên và đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Trong đó, tiến hành sắp xếp lại bộ máy quản trị theo hướng tập trung vào các đơn vị chủ chốt, tinh giản các cấp quản lý trung gian, từ đó giúp rút ngắn thời gian ra quyết định và giảm thiểu chi phí vận hành; Tái cấu trúc hệ thống chuỗi cung ứng, từ việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào, sản xuất đến vận chuyển và phân phối sản phẩm. Áp dụng hệ thống quản lý kho thông minh và logistics để tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa thời gian cung ứng; Triển khai các công nghệ khai thác thân thiện với môi trường để giảm thiểu ô nhiễm…
Đa dạng hóa sản phẩm và thị trường
Các doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm và thị trường để giảm rủi ro, tối ưu hóa lợi nhuận và mở rộng thị phần.
Minh chứng rõ nhất cho sự thay đổi, thích nghi với nhu cầu người tiêu dùng, đáp ứng những tiêu chí ngày càng cao của các thị trường trong và ngoài nước, đó là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).
Vinatex đã thực hiện tái cơ cấu bằng cách tập trung vào nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, phát triển các dòng sản phẩm cao cấp và thân thiện môi trường, đồng thời Tập đoàn tích cực tìm kiếm các thị trường tiềm năng tại các nước châu Á khác, châu Phi và châu Mỹ La Tinh. Đặc biệt, Vinatex tập trung vào các thị trường tham gia hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam để tận dụng ưu đãi thuế quan.
Bên cạnh các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, Vinatex đẩy mạnh sản xuất các dòng sản phẩm chuyên biệt như đồ thể thao, đồ lót, đồ dệt kim và các sản phẩm dệt may có tính năng đặc biệt như chống tia UV, chống thấm nước, và kháng khuẩn… để nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế là một chiến lược quan trọng để các doanh nghiệp và tập đoàn lớn tại Việt Nam như Vinatex, Petrolimex, EVN, PVN, TKV… nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế.
Chẳng hạn, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế để cải thiện năng lực phân phối xăng dầu và mở rộng ra thị trường quốc tế.
Vinatex tăng cường hợp tác với các đối tác lớn trong ngành dệt may toàn cầu
Tập đoàn Dệt may Việt Nam tăng cường hợp tác với các đối tác lớn trong ngành dệt may toàn cầu để học hỏi công nghệ và mở rộng thị trường. Các hợp tác này cũng giúp Vinatex gia tăng khả năng cung ứng, nâng cao kỹ năng quản lý và cập nhật xu hướng mới nhất của ngành dệt may quốc tế. Vinatex xây dựng hệ thống phân phối trong nước qua các kênh bán lẻ, siêu thị và trung tâm thương mại. Ở nước ngoài, tập đoàn liên kết với các nhà phân phối bản địa để gia tăng sự hiện diện và mở rộng thị phần tại các thị trường xuất khẩu.
PVN hợp tác với nhiều công ty dầu khí đa quốc gia hàng đầu như ExxonMobil (Mỹ), Gazprom (Nga), Rosneft (Nga), và Total (Pháp) để triển khai các dự án thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam cũng như ở các nước khác. Sự hợp tác này giúp PVN có thêm kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến và tối ưu hóa hoạt động khai thác.
Tăng cường phát triển bền vững
Nhiều doanh nghiệp đang đầu tư mạnh vào các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió để đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững và giảm phát thải khí carbon.
Trước những thách thức về năng lượng và bảo vệ môi trường, EVN đã đẩy mạnh đầu tư vào các dự án điện gió, điện mặt trời để đáp ứng nhu cầu năng lượng bền vững.
Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đầu tư vào các công nghệ khai thác hiện đại, như khai thác hầm lò và khai thác tự động hóa nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường và tăng hiệu quả sản xuất. Công nghệ này không chỉ giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính mà còn giảm tác động tới thảm thực vật, hệ sinh thái xung quanh khu vực khai thác.
TKV áp dụng các chính sách quản trị xanh nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và giảm thiểu chất thải trong các hoạt động khai thác và sản xuất. Quản trị xanh không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn gia tăng uy tín doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư và khách hàng.
Với tầm nhìn đến năm 2035 trở thành Tập đoàn năng lượng đứng đầu Việt Nam về những sản phẩm xanh, sạch, chất lượng cao, thân thiện với môi trường dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số toàn diện, Petrolimex là doanh nghiệp xăng dầu tiên phong kinh doanh các mặt hàng nhiên liệu chất lượng cao tiêu chuẩn Euro IV và V bao gồm: Xăng RON 95-IV, Dầu DO 0,001S-V, Xăng RON 95-V, góp phần tiết giảm đáng kể lượng khí thải do các xe cơ giới sử dụng nhiên liệu thải ra môi trường.
Như vậy, những mục tiêu tổng quát và cụ thể được đề ra trong Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 sẽ ngày càng có cơ sở trở thành hiện thực nhờ sự tích cực, chủ động triển khai từ trung ương đến địa phương và sự chung tay của tất cả các doanh nghiệp lớn nhỏ trên phạm vi toàn quốc. Hi vọng rằng, với kinh nghiệm trong công tác triển khai, thực hiện của các Tập đoàn, Tổng Công ty, nhiều bài học quý báu sẽ được rút ra và có thể áp dụng rộng rãi để nhân rộng những điển hình tiên tiến, giúp quá trình tái cơ cấu đồng bộ và hiệu quả hơn.
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/tai-co-cau-nganh-cong-thuong/tai-co-cau-nganh-cong-thuong-nhin-tu-kinh-nghiem-cua-nhung-doanh-nghiep-dau-tau-.html