Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa hiện chiếm phần lớn trong tổng số lượng DN tại Việt Nam. Vì lẽ đó, lực lượng DN nhỏ và vừa đã, đang khẳng định vai trò động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế của các địa phương nói riêng, cả nước nói chung. Và đây cũng là lực lượng luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện phát triển của Chính phủ, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Với mong muốn thúc đẩy hơn nữa tinh thần khởi nghiệp, tạo nguồn động lực to lớn cho kinh tế – xã hội phát triển, trong những năm qua, Tổ chức Tài chính Vi mô (TCVM) Thanh Hóa đã nỗ lực cung cấp nguồn vốn vay, đồng hành cùng DN siêu nhỏ phát triển.
Từ nguồn vốn vay của Tổ chức TCVM Thanh Hóa cùng sự nỗ lực, cố gắng, chị Vũ Thị Hằng (thị xã Bỉm Sơn) từng bước vươn lên, không chỉ lo cho cuộc sống gia đình tốt hơn mà còn góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động.
Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 2,4 triệu DN nhỏ và siêu nhỏ. Thực tế cho thấy, lực lượng DN nhỏ và siêu nhỏ Việt Nam chiếm phần lớn số lượng DN của Việt Nam. Đây là lực lượng tạo nhiều công ăn việc làm nhất cho người lao động nhưng ít có điều kiện tiếp cận và ứng dụng nền tảng tri thức, chuyển đổi số, tín dụng ưu đãi… Vì vậy, trong những năm qua, Tổ chức TCVM Thanh Hóa luôn chú trọng việc đồng hành, hỗ trợ cho nhóm đối tượng này thông qua nhiều hoạt động thiết thực.
Gần 20 năm qua kể từ ngày “góa bụa”, chị Vũ Thị Hằng (47 tuổi, thị xã Bỉm Sơn) nếm trải biết bao nhọc nhằn, thiếu khó, nỗ lực cố gắng từng ngày vươn lên. Từng có thời gian lăn lộn làm việc nơi đất khách quê người, chị Hằng quyết định trở về quê ổn định cuộc sống, xây dựng tương lai. Năm 2017, chị mạnh dạn mở xưởng gia công quần áo, túi xách cho các công ty với chỉ 5 lao động. Do quy mô nhỏ, năng lực tài chính có hạn nên xưởng may của chị Hằng gặp nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị nguyên liệu, nguồn hàng, nhân lực đảm bảo hoạt động sản xuất. Năm 2018, chị Hằng biết đến Tổ chức TCVM Thanh Hóa. Qua tìm hiểu từ phương thức hoạt động, hình thức cho vay vốn không thế chấp, cùng sự tận tâm, nhiệt tình hướng dẫn của cán bộ phụ nữ thôn, xã, cán bộ tín dụng TCVM, chị Hằng mạnh dạn tham gia. Với mức vay ban đầu là 30 triệu đồng, chị Hằng có điều kiện, chủ động và tự tin hơn trong việc chuẩn bị nguồn hàng, ổn định và mở rộng quy mô sản xuất. Năm 2019 chị tiếp tục tham gia vay vốn của Tổ chức TCVM Thanh Hóa để đầu tư mở rộng xưởng may tại xã Hà Vinh (Hà Trung) tạo công ăn việc làm cho hơn 20 công nhân tại địa phương.
Trong khoảng thời gian hai năm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đứng trước nhiều khó khăn, thử thách, chị Hằng nhanh nhạy chuyển hướng, duy trì các đơn hàng nhỏ, gia công hàng cho các công ty nhỏ, đặt hàng online. Năm 2022, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chị Hằng tiếp tục vay vốn của Tổ chức TCVM Thanh Hóa với mức vay 100 triệu đồng, đầu tư xây dựng xưởng may gia công tại huyện Thạch Thành, tạo điều kiện cho gần 30 lao động có việc làm. Đến nay, sau 5 năm tham gia vay vốn của Tổ chức TCVM Thanh Hóa, chị Hằng hiện đã có 3 xưởng gia công đặt tại các huyện, thị xã: Bỉm Sơn, Hà Trung, Thạch Thành góp phần giải quyết việc làm, đóng góp cho kinh tế – xã hội địa phương.
Những kết quả mà chị Vũ Thị Hằng đạt được là minh chứng sinh động, thuyết phục về những nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Tổ chức TCVM Thanh Hóa đối với các DN siêu nhỏ. Đến nay, Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã giải ngân vốn vay DN siêu nhỏ tới 431 khách hàng với tổng dư nợ là 34 tỷ 155 triệu đồng.
Song song với hoạt động tín dụng, TCVM Thanh Hóa đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đối tượng là chủ các DN nhỏ và hộ kinh doanh cá thể, áp dụng chuyển đổi số trong suốt quá trình tập huấn. Đến nay, đã có khoảng 90 khách hàng vay vốn DN siêu nhỏ của TCVM Thanh Hóa được tham gia khóa học Quản trị DN và marketing, hơn 4.000 học viên được tham gia học online qua ứng dụng và website uy tín.
Tiêu biểu như lớp tập huấn trực tuyến về nâng cao năng lực để phát triển doanh nghiệp bền vững dành cho nữ doanh nhân do Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã phối hợp với WISE – Sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh tổ chức năm 2021. Lớp học đã thu hút sự tham gia tích cực của hơn 30 học viên là nữ chủ doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh cá thể. Đây là thời điểm dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống xã hội. Việc tổ chức lớp học cho thấy nỗ lực, trăn trở và hành động thiết thực của TCVM Thanh Hóa, kịp thời nâng cao kỹ năng kinh doanh trong thời đại số, giúp chị em có giải pháp phục hồi công việc kinh doanh đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, tiếp tục tạo việc làm, sinh kế cho các lao động trong tỉnh.
Các nội dung được truyền tải tại lớp tập huấn là những chủ đề được cộng đồng DN quan tâm như: quản lý tài chính cá nhân cho phụ nữ kinh doanh, tiếp thị trực tuyến, xây dựng kế hoạch kinh doanh cùng với hoạt động vòng tròn học tập, kết nối cảm xúc do các giảng viên, chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ các tập đoàn, học viện tại Hà Nội thực hiện. Trong đó, quản lý tài chính cá nhân cho phụ nữ kinh doanh tập trung vào các vấn đề như: Các vấn đề quản lý tài chính thường gặp ở phụ nữ làm kinh doanh; Cách thức lập kế hoạch ngân sách, triển khai và quản lý tài chính cá nhân hiệu quả; Phân tích tài chính cá nhân, tài chính kinh doanh; Cách thức ghi chép sổ sách thu/chi hiệu quả… Thúc đẩy kinh doanh với các kênh tiếp thị số gồm các nội dung: Chiến lược bán hàng trên trang facebook cá nhân, chiến lược bán hàng trên facebook group + marketplace, chiến lược bán hàng trên fanpage… Thúc đẩy kinh doanh với các kênh tiếp thị số có: Chiến lược bán hàng trên zalo cá nhân; Chiến lược bán hàng trên zalo group + zalo OA… Khóa học đã trao 4 suất học bổng trị giá 20 triệu đồng cho những học viên tích cực, lập được kế hoạch kinh doanh khả thi và có mô hình kinh doanh tiềm năng. Sau khóa học các học viên vẫn tiếp tục được Tổ chức TCVM Thanh Hóa hỗ trợ về vốn và kỹ năng để tiếp tục phát triển tốt hơn, phục hồi công việc kinh doanh sau dịch bệnh và tiếp tục tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương.
Cung cấp nguồn vốn vay, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, tài chính… là những việc làm thiết thực, hiệu quả của Tổ chức TCVM Thanh Hóa trong nỗ lực đồng hành, hỗ trợ DN siêu nhỏ, từ đó góp phần thúc đẩy phong trào phụ nữ khởi nghiệp, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội địa phương, hướng tới giá trị bền vững.
Bài và ảnh: Thảo Linh