Đây là đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi đánh giá 5 năm thực hiện Luật Giáo dục đại học 2019-2023.
Cũng theo bộ này, 5 năm thực hiện Luật Giáo dục đại học đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong phát triển hệ thống, nhất là việc thực hiện tự chủ đại học. Tuy nhiên vẫn còn không ít vướng mắc, khó khăn.
Trong số này, bộ đánh giá tài chính là điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển giáo dục đại học.
Tiềm lực tài chính của phần nhiều các cơ sở giáo dục đại học còn yếu kém và thiếu bền vững, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn thu học phí và ngân sách nhà nước (nếu có) trong khi nguồn lực công còn hạn chế.
Thống kê cho thấy 77% nguồn thu của các trường đại học đến từ học phí, chỉ có 5% đến từ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Cơ chế tài chính cho giáo dục cũng còn vướng mắc. Việc phân bổ nguồn lực tài chính chưa thực sự dựa trên yếu tố chất lượng đầu ra. Quản lý, sử dụng tài chính, tài sản còn bị ràng buộc bởi nhiều quy định và chồng chéo, thậm chí có sự mâu thuẫn nhất định, dẫn tới sự thiếu thống nhất trong cách hiểu, áp dụng, vận dụng các quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam không những rất thấp, mà thực tế còn giảm mạnh trong một số năm gần đây.
Bộ này dẫn số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy kinh phí từ ngân sách nhà nước của Việt Nam chi cho giáo dục đại học năm 2020 chỉ chiếm tỉ trọng 0,27% GDP, nhưng kinh phí thực chi chỉ đạt 0,18% GDP.
Trong khi đó con số thực chi ở Indonesia là 0,57%, ở Thái Lan 0,64%, Trung Quốc 0,87%, Singapore 1% và Malaysia là 1,13%.
Từ thực tiễn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá nguồn lực tài chính đang là điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển giáo dục đại học và thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của nước ta.
Đại học sai phạm vì pháp luật chồng chéo
Bên cạnh vấn đề tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhìn nhận hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến giáo dục đại học chưa thống nhất, dẫn đến có cách hiểu khác nhau về cùng một vấn đề.
Các quy định pháp luật liên quan đến quyền tự chủ, tài chính, nhân sự còn chồng chéo và thiếu sự thống nhất, gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc thực hiện quyền tự chủ toàn diện.
Bên cạnh quy định của Luật Giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học công lập còn bị ràng buộc, chi phối bởi nhiều đạo luật như Luật Tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Cán bộ – công chức, Luật Viên chức…
Sự thiếu đồng bộ, liên thông về thể chế dẫn tới mỗi cơ quan, đơn vị bộ, ngành chủ quản, mỗi cơ sở giáo dục đại học có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau; từ đó nảy sinh bất cập, thậm chí sai phạm trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tai-chinh-la-diem-nghen-lon-nhat-trong-phat-trien-giao-duc-dai-hoc-20241221105025782.htm