Tham dự buổi làm việc có gần 200 đại biểu là các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và một số cơ quan chuyên môn của Trung ương, địa phương trong khu vực.
Đây là một trong những chuyến công tác của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội về làm việc và khảo sát tại các địa phương, để đánh giá thực tiễn công tác triển khai các chủ trương, Nghị quyết Trung ương, Nghị quyết của Đảng bộ các tỉnh, thành phố.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã nghe lãnh đạo các địa phương Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung báo cáo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội trong nhiệm kỳ 2021-2025.
Các đại biểu đã thẳng thắn đề cập những vấn đề khó khăn trong thực tiễn, những nút thắt, bất cập về thể chế, làm cản trở quá trình phát triển của địa phương, của Vùng. Nhiều đại biểu cũng bày tỏ tâm tư, suy nghĩ, trăn trở của địa phương đối với sự phát triển của địa phương, của khu vực cũng như của cả nước.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Cần phát huy hơn nữa các tiềm năng, lợi thế, khác biệt của từng địa phương cũng như lợi thế chung của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung. |
Lãnh đạo các tỉnh, thành phố cũng mạnh dạn đề xuất các giải pháp, kiến nghị để tháo gỡ khó khăn, bất cập, những điểm nghẽn trong chính sách chung và cơ chế riêng của từng địa phương, tạo động lực phát triển mới, cách làm đột phá, sáng tạo trong các năm tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Trưởng đoàn công tác ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương trong 5 năm qua. Theo Phó Thủ tướng, trong nhiệm kỳ qua đã có nhiều chủ trương, chính sách, Nghị quyết… quan trọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội được triển khai thực hiện, có tác động to lớn đối với các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung.
Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục xác định những nhiệm vụ trọng yếu trong 5 năm tới trên cơ sở các chủ trương, nghị quyết của Trung ương nhằm duy trì động lực phát triển. Cần phát huy hơn nữa các tiềm năng, lợi thế, khác biệt của từng địa phương cũng như lợi thế chung của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung.
Các địa phương cần mạnh dạn đề xuất cụ thể về đổi mới thể chế, phát triển hạ tầng… để đạt mục tiêu phát triển trong 5 năm tới. Trong đó tập trung các giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng hội nhập sâu rộng, nhưng vẫn phải giữ được tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Đổi mới mô hình phát triển kinh tế, chú trọng mô hình kinh tế tăng trưởng xanh, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ… cũng như xây dựng cơ chế riêng kinh tế vùng, dựa trên lợi thế, tiềm năng, tiềm lực, nguồn lực về con người.
Báo cáo của các địa phương cho thấy còn tồn tại những điểm nghẽn, hạn chế trong phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế cả nước cũng như thế giới còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, các địa phương cần tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh.
Các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung cần phối hợp làm tốt quy hoạch vùng, phối hợp, liên kết trong xây dựng định hướng phát triển chung. |
Các địa phương cần phối hợp giải bài toán quy hoạch vùng, làm rõ các mối quan hệ liên kết, những định hướng phát triển chung của vùng và định hướng riêng của mỗi tỉnh, thành.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các địa phương. Đồng thời đề nghị các địa phương trong vùng cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ thế mạnh riêng có, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo hướng nâng cao hiệu quả, chất lượng và tính bền vững.
Trọng tâm là đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI, tiếp tục đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo… Riêng về cơ cấu kinh tế, ngoài tập trung cho các ngành mang tính chất đại diện cho xu thế của thời đại cần chú trọng phát triển theo mô hình kinh tế tự nhiên hài hòa, một nền kinh tế độc lập, tự chủ, kinh tế trí thức, kinh tế sáng tạo trên cơ sở phát huy giá trị tự nhiên, giá trị di sản.
Thực tế này đòi hỏi sự thay đổi mang tính cách mạng, thay đổi mô hình kinh tế, chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững để doanh nghiệp trong nước tham gia và khẳng định vị trí trong chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Bên cạnh việc ban hành hệ thống quy hoạch, pháp luật bao phủ các lĩnh vực, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần tiếp tục rà soát, xây dựng thể chế chính sách đồng bộ, thống nhất, cập nhật kịp thời những vấn đề thực tiễn đang biến chuyển nhanh chóng, tạo không gian cho tư duy đổi mới, sáng tạo.
Trong những năm tới, các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung sẽ được kết nối chặt chẽ hơn về hạ tầng giao thông nhờ chủ trương đầu tư đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc theo chiều dọc và chiều ngang, đường sắt cao tốc, phát triển các tuyến đường thủy nội địa, hàng không…
Từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các địa phương khu vực miền Trung cần tập trung phát triển đột phá trong các lĩnh vực: khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, tăng cường quản lý Nhà nước.
Nguồn: https://nhandan.vn/tai-cau-truc-nen-kinh-te-doi-moi-mo-hinh-tang-truong-nang-cao-nang-luc-san-xuat-nang-luc-canh-tranh-post822156.html