“Văn nghệ sĩ, về bản chất, luôn hướng tới cái đẹp, cái thiện và những tư tưởng nhân văn. Từ những điều đó, họ gắn cuộc đời và công việc của họ với nhân dân, đất nước, với những lý tưởng xã hội và con người cao đẹp. Không có văn nghệ sĩ chân chính nào lại phản bội nhân dân, đất nước họ. Sứ mệnh và cũng là định mệnh của họ là dùng hoạt động của mình phụng sự đất nước và nhân dân”. Đó là nhấn mạnh của nhà nghiên cứu văn học, PGS, TS Phạm Quang Long, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Quyền tự do sáng tạo không có nghĩa là vô cùng, vô tận
Phóng viên (PV): Thời gian qua, một số ý kiến cho rằng, sở dĩ chúng ta chưa có những tác phẩm văn học, nghệ thuật (VHNT) tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người là do thiếu môi trường, không gian sáng tạo. Ông suy nghĩ gì về nhận định này?
PGS, TS Phạm Quang Long: Tôi cho rằng môi trường và không gian sáng tạo cần thiết cho mọi lao động, đặc biệt là các lao động sáng tạo cá nhân như lao động của văn nghệ sĩ, nhà khoa học. Nếu ai đó cho rằng chỉ vì thiếu môi trường, không gian sáng tạo mà không thể có những tác phẩm đỉnh cao, nếu không phải là cố tình buộc tội cho điều gì đó thì cũng là nhận thức chưa đúng, nhận định thiếu khách quan.
VHNT thời nào cũng thế, vừa chịu sự chi phối của những quy luật xã hội, vừa bị các quan hệ chính trị, đạo đức chính thống, truyền thống văn hóa… của thể chế định hướng, chi phối, nhưng nó cũng vận động theo những quy luật sáng tạo riêng. Bởi đó là hoạt động đặc thù, người tạo ra nó là một thành viên của xã hội nhưng sản phẩm người đó làm ra lại chỉ của mình anh ta. Đó là kết quả của những tìm kiếm cá nhân, là sản phẩm độc nhất vô nhị, đặc thù, không thể sản xuất hàng loạt.
PGS, TS Phạm Quang Long. |
Văn nghệ sĩ gắn với thời đại mình, sống trong thời đại mình, chịu chi phối, ràng buộc của những quan hệ nhiều chiều của thời đại nhưng họ tìm kiếm con đường đi cho xã hội (bằng tác phẩm) nên họ luôn trăn trở về những vấn đề của thời đại và đi trước thời đại qua những dự cảm nhiều khi chỉ lóe lên một lần trong đời. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nam Cao ở thời họ sống có được tự do đâu mà để lại cho đời những tác phẩm lớn cho hậu thế? A.Pushkin bị Sa hoàng bắt đi đày; F.Dostoyevsky bị kết án tử hình rồi sau đó được thả; L.Tolstoy bị nhà thờ rút phép thông công, thế mà họ vẫn viết được những tác phẩm khiến cả nhân loại phải ngưỡng mộ. Đưa ra mấy ví dụ thế để nói rằng nghệ sĩ rất cần tự do, cần không gian sáng tạo vì đó là những tiền đề cần thiết cho công việc của họ, nhưng để có tác phẩm lớn hay không còn cần nhiều yếu tố khác nữa.
Trong lịch sử nước ta, từng có những vị vua rất hay chữ, yêu văn chương, viết nhiều. Họ có tự do gần như tuyệt đối nhưng họ có để lại tác phẩm nào lớn đâu? Văn nghệ sĩ phải sống bằng niềm vui và nỗi đau của nhân dân, đất nước mình, thậm chí của con người nói chung, có tư tưởng vượt trước thời đại của mình và còn cần cả tài năng xuất chúng nữa mới hy vọng viết ra được những tác phẩm đỉnh cao.
PV: Là người viết văn, viết kịch, quá trình sáng tác các tác phẩm văn học, ông có lúc nào cảm thấy bị giới hạn, gò bó trong tư duy sáng tạo bởi một áp lực vô hình nào đó không?
PGS, TS Phạm Quang Long: Nghề chính của tôi là dạy học, nghiên cứu văn học; còn viết là một sở thích, một nhu cầu cá nhân, nhưng nhu cầu cá nhân cũng không bao giờ tách khỏi trách nhiệm với xã hội, với yêu cầu tuân theo những chuẩn mực của xã hội và của chính mình. Khi đứng trên lớp hay viết cái gì, tôi đều phải ý thức được mình là ai, mình đang làm gì và những gì mình nói, viết phải ở trong những khuôn khổ mang tính chuẩn mực, ít nhất là không thể vi phạm pháp luật và không gây hại cho xã hội. Đó là ý thức tuân thủ luật pháp, đạo lý, là những yêu cầu khoa học. Áp lực là ở chỗ đó, nhưng niềm vui chân chính cũng ở đó, vì mình góp phần mang lại những giá trị tích cực cho người khác, cho xã hội.
PV: Ông là tác giả kịch bản văn học “Quan lớn về làng” đề cập đến một đề tài nóng hổi, rất nhức nhối của đời sống, đó là sự tha hóa của quan chức với nạn tham ô, tham nhũng. Khi viết kịch bản sân khấu này, ông có gặp khó khăn gì không?
PGS, TS Phạm Quang Long: Tôi viết vở “Quan thanh tra” (khi dựng sân khấu đổi thành “Quan lớn về làng”) dựa trên cảm hứng về vở kịch của nhà văn Nga N.Gogol (1809-1852). Giữa kịch bản văn học và kịch bản sân khấu có chỗ thêm, chỗ bớt để có thể công diễn được. Đạo diễn Doãn Hoàng Giang bảo tôi “phải đưa bối cảnh về trước năm 1945 để vở diễn có chiều sâu hơn”. Chúng tôi chuyển bối cảnh nhưng vẫn nói được những gì cần nói. Như vậy là tự mình phải biên tập cả ý tưởng, cả chi tiết để không vi phạm các quy định chung. Nhưng việc chuyển bối cảnh lại cho phép chúng tôi càng có điều kiện tung tẩy, sáng tạo thêm. Tôi kể chi tiết này: Khi diễn vở “Quan lớn về làng” ở một huyện của tỉnh Thái Bình, lãnh đạo huyện lúc đầu đến ngồi xem đông đủ lắm, nhưng về sau họ rút lui dần, có lẽ vì bị “chạm nọc”. Còn người dân rất phấn khởi vì nó đụng đến vấn đề chống tham nhũng. Vở diễn được trao tặng Huy chương Vàng tại Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc năm 2011. Nói thế để thấy, viết về đề tài phức tạp, nhạy cảm có thể đụng chạm đến quan chức các cấp, nhưng điều quan trọng là người sáng tạo phải biết chuyển tải thông điệp tích cực, ý nghĩa để phục vụ những giá trị chung của cộng đồng, xã hội và đất nước.
PV: Đại văn hào H.Balzac (Pháp) từng nói: “Tôi viết dưới ánh sáng của hai chân lý vĩnh cửu: Chúa và nền quân chủ chuyên chế”. Từ quan niệm đó, có người cho rằng, không gian sáng tạo không có nghĩa là vô tận, vô cùng, mà cũng cần được soi chiếu, dẫn đường bởi những lý tưởng, chuẩn mực, phép tắc nhất định. Điều này có gì mâu thuẫn với việc bảo đảm quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ không, thưa ông?
PGS, TS Phạm Quang Long: Điều đó hoàn toàn đúng và đừng ai có ảo tưởng về quyền tự do tuyệt đối cả. Trong thực tế không có điều ấy. Ngay với tôn giáo cũng không có được tự do tuyệt đối. Thiên Chúa giáo đã đưa lên giàn thiêu những người nói trái đức tin của họ, vậy thì không có thể chế nào để cho các công dân của mình tự do vượt ra ngoài pháp luật, bởi một thể chế sẽ không thể tồn tại nếu không có luật pháp để điều tiết các quan hệ xã hội. Tôn giáo cho con người được tự do lựa chọn hành động theo đức tin nhưng đến lúc chết vẫn phải chịu sự phán xét của đấng tối cao về sự tốt-xấu, đúng-sai của mỗi người.
Như vậy, xét về khía cạnh nào con người cũng không có tự do theo nghĩa vượt ra khỏi mọi ràng buộc, ước thúc của xã hội và của chính mình. Còn nói rằng cần bảo đảm quyền tự do sáng tác cho văn nghệ sĩ là nói đến thái độ tôn trọng nghề và đặc thù công việc của họ trong khuôn khổ pháp luật, đừng dùng những biện pháp hành chính ngoài luật hạn chế tự do bằng cách can thiệp vào công việc của họ khi họ không trái luật. Tôi nói thế vì hoạt động văn nghệ từ bản chất đã phụ thuộc vào pháp luật và quy định của thể chế, nói khác đi là không đúng.
Danh vọng với văn nghệ sĩ cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là được nhân dân yêu mến
PV: Ông nghĩ sao khi những năm qua có một số văn nghệ sĩ đang tự đánh mất phẩm giá thiên lương của kẻ sĩ chân chính và tự bào mòn sứ mệnh cao cả của VHNT thông qua các tác phẩm nghèo nàn về cảm xúc và nội dung tư tưởng, nhưng lại ẩn chứa những thông điệp bất lợi cho sự nghiệp chung?
PGS, TS Phạm Quang Long: Đó là điều rất đáng tiếc. Sáng tạo VHNT mà lồng ghép động cơ cá nhân không trong sáng hay gắn với mục đích hẹp hòi, thiên kiến thì tự thân văn nghệ sĩ chưa làm tròn bổn phận của kẻ sĩ chân chính.
Văn nghệ sĩ xưa nay vẫn được người đời trân trọng, tôn vinh bởi tài năng, trí tuệ của họ thường đầy đặn, sung mãn hơn công chúng. Những giá trị văn hóa, nghệ thuật, tinh thần mà đội ngũ văn nghệ sĩ mang lại cho nhân dân và đất nước luôn được đón nhận nhiệt thành và là một trong những đòn bẩy, động lực thúc đẩy xã hội phát triển tiến bộ, văn minh.
Trong tinh thần đổi mới của toàn xã hội gần 4 thập niên qua, các văn nghệ sĩ có cơ hội được “tắm mình” trong bầu không khí sáng tạo mà Đảng, Nhà nước đã kiến tạo và khuyến khích họ không ngừng nỗ lực tìm tòi, cống hiến cho nhân dân và đất nước bằng những tác phẩm tô đẹp thêm cuộc sống và góp phần làm giàu giá trị văn hóa cho con người. Nhưng mọi sự sáng tạo của văn nghệ sĩ cũng rất cần được thể hiện từ lương tâm, trách nhiệm, bổn phận của người công dân. Vì văn nghệ sĩ trước hết cũng là một công dân, nên phải ứng xử với tư cách, trách nhiệm công dân đối với xã hội và Nhà nước. Cố tình không hiểu hay xa rời điều đó, văn nghệ sĩ rất dễ tự tách mình ra khỏi số đông cộng đồng và đôi khi trở nên lạc lõng, thậm chí đối lập với đồng loại.
Các nghệ sĩ biểu diễn trong một chương trình. Ảnh minh họa: Hanoimoi.com.vn |
PV: Lòng trung thành là một trong những phẩm chất cao quý của bậc chính nhân quân tử. Theo ông, nên hiểu như thế nào về lòng trung thành của văn nghệ sĩ thời nay đối với Tổ quốc, nhân dân và chế độ chính trị-xã hội mà dân tộc ta đã lựa chọn và đang hướng tới?
PGS, TS Phạm Quang Long: Bàn về vấn đề này có nhiều góc nhìn. Mà không phải chỉ có ở lĩnh vực văn nghệ. Gần đây tôi nghe nói các câu lạc bộ bóng đá còn thưởng cho cầu thủ vì lòng trung thành với câu lạc bộ của họ. Xưa nay người ta đã nói đến điều này nhưng biên độ của nó khá rộng. Chẳng hạn, nói về lòng trung thành của những người quân tử với người đã có ơn với họ như sự tri ân, đó là một thái độ ứng xử tốt. Nhưng nhiều người tỏ lòng trung không đúng lúc, đúng chỗ đã chuốc lấy sự chê cười của thiên hạ.
Lòng trung thành không chỉ là một thái độ đạo đức, một lựa chọn đạo đức mà đó còn là nhận thức. Tôi chỉ xin bàn từ một góc nhỏ thế này: Văn nghệ sĩ, về bản chất, luôn hướng tới cái đẹp, cái thiện và những tư tưởng nhân văn. Từ những điều đó, họ gắn cuộc đời và công việc của họ với nhân dân, đất nước, với những lý tưởng xã hội và con người cao đẹp. Không có văn nghệ sĩ chân chính nào lại phản bội nhân dân, đất nước họ. Sứ mệnh và cũng là định mệnh của họ là dùng hoạt động của mình phụng sự đất nước và nhân dân. Danh vọng với họ cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là họ được nhân dân yêu mến bằng tác phẩm và lòng trung thành họ hiến dâng cho nhân dân, đất nước.
Đại thi hào Nguyễn Trãi từng nói: “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”. Đây là một câu nói cụ thể nhưng suy rộng ra là nhân dân nuôi dưỡng họ, là nguồn năng lượng để họ phụng sự bằng tác phẩm của mình. Đi ngược lại điều này là phản bội nhân dân và tự hủy hoại chính họ. Văn nghệ sĩ mà không yêu nhân dân, đất nước mình, không coi những hạnh phúc và vui buồn của nhân dân, đất nước là của mình thì không thể nói đến khái niệm trung thành ở đây. Nhìn vào lịch sử ở đâu cũng thấy điều này: Cống hiến toàn bộ cuộc đời và trí tuệ, tâm huyết cho nhân dân thì không chỉ nhân dân thời họ sống ghi nhận mà lịch sử sẽ mãi ghi công điều này.
PV: Muốn hình thành ý thức, trách nhiệm xã hội cần trải qua một quá trình nhận thức. Với những văn nghệ sĩ trẻ đang đào luyện năng lực chuyên môn, hình thành nhân sinh quan và thế giới quan sáng tạo, theo ông, chúng ta cần làm gì để góp phần bồi đắp, nâng cao trách nhiệm công dân cho văn nghệ sĩ trẻ?
PGS, TS Phạm Quang Long: Văn nghệ sĩ trẻ hay già đều giống nhau ở một điểm là họ cố gắng sáng tạo để phụng sự cuộc đời và khẳng định chỗ đứng của họ trong lòng nhân dân. Vậy thì họ phải hiểu được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Nhân dân ở đây có thể là số đông, có thể là số ít nhưng bao giờ cũng tiêu biểu cho xu thế phát triển và tương lai của đất nước. Hiểu được điều này, đáp ứng được điều này thì văn nghệ sĩ sẽ có được sự tôn trọng và yêu mến của nhân dân. Nhà thơ Chế Lan Viên có lúc băn khoăn và ân hận vì những gì ông viết ra chưa có gì chung với nhân dân (tất nhiên ông nói hơi quá nhưng không sai) và ông muốn “từ chân trời một người đến chân trời của tất cả” (nhà thơ Pháp Paul Eluard). Khái niệm tất cả ở đây muốn chỉ quảng đại quần chúng, đến đất nước và dân tộc. Văn nghệ sĩ nào cũng vậy, không thấm thía điều này, khó đi đến đích lắm!
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
“Chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, đồng thời bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam; hạn chế các lệch lạc, các biểu hiện chạy theo thị hướng tầm thường”. (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng) |
(còn nữa)
THIỆN VĂN – HÀM ĐAN (thực hiện)