Có thể nói, tác nghiệp ở các sự kiện thể thao luôn là trải nghiệm thú vị, nơi mà mỗi phóng viên có thể học hỏi rất nhiều kiến thức chuyên môn, kỹ năng tác nghiệp chuyên nghiệp. Họ phải đảm bảo công tác hậu cần, rèn luyện về thể lực, để chuẩn bị cho tinh thần làm việc ăn ngủ cùng các môn thể thao. Sự kiện World cup, SEA Games, hay sự kiện đang diễn ra được nhiều phóng viên thể thao quan tâm là Đại hội Thể thao châu Á – Asiad 2023 tại thành phố Hàng Châu của Trung Quốc.
Những sự kiện thể thao này là nơi họ có thể đúc rút cho bản thân rất nhiều kinh nghiệm quý giá mà hiếm có trường lớp nào đào tạo có được. Qua đây mỗi phóng viên sẽ được trang bị thêm kỹ năng tác nghiệp, khả năng thích nghi, ứng chiến và tất cả những khó khăn thử thách đó sẽ rèn thêm bản lĩnh, ý chí quyết tâm của một người làm báo Việt Nam.
Thông thường nhiều người hình dung, phóng viên văn hóa thể thao sẽ được hòa mình vào không gian rộng lớn, thoáng đãng của sân vận động, sân khấu với hình ảnh, âm thanh ánh sáng. Tuy nhiên, để có được những bức ảnh đẹp phóng viên theo dõi sự kiện văn hóa thể thao cần có kinh nghiệm, linh hoạt, đặc biệt là có sự hiểu biết về lĩnh vực văn hóa thể thao, khả năng phán đoán tình huống.
Cách đây hai năm, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) cũng là sự kiện lớn trong khu vực, chủ nhà Việt Nam đã thực hiện được một kỳ Đại hội với nhiều ấn tượng với bạn bè khu vực. Để tác nghiệp tại sự kiện đó, mỗi phóng viên đều có cách nhìn, cách khai thác đề tài riêng biệt.
Tại buổi Lễ khai mạc SEA Games năm đó, nhà báo Thanh Hà, nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã lựa chọn vị trí tốt nhất để ghi lại từng khoảng khắc, diễn biến sự kiện một cách bao quát nhất. Anh tìm vị trí đứng tốt để quan sát và đồng thời bao quát được sân khấu, khu vực diễn ra màn châm đuốc độc đáo tại lễ khai mạc SEA Games.
Nhà báo Thanh Hà cho biết, khó nhất là chụp được khoảnh khắc thượng cờ và lúc hình ảnh của các nhân vật xung quanh sự kiện đó. Làm sao thể hiện được thần thái những bước chân trên lễ đài của các chiến sỹ tham gia lễ thượng cờ. Làm sao thể hiện được sự trang nghiêm, nghiêm túc và phù hợp với bối cảnh…
Những bức ảnh anh chụp ngay sau đó được đăng tải và để lại ấn tượng cho độc giả. Tuy nhiên ít ai biết được rằng để có mặt và để chụp ảnh sự kiện hôm đó bắt buộc phóng viên còn phải hiểu về sự kiện đó. Trước đó, nhà báo Thanh Hà đã tham dự các buổi tập, tổng duyệt của sự kiện, nắm bắt kịch bản và hiểu được kịch bản những lúc nào quan trọng nhất, điểm nhấn của sự kiện để có bức ảnh mang tính biểu trưng của cả kỳ đại hội.
Đối với lĩnh vực thể thao ở nhiều quốc gia, họ cũng coi đây như là một tôn giáo, việc thắng hay bại của đội tuyển thể thao đó ảnh hưởng khá nhiều đến đời sống tinh thần của người dân. Phóng viên chụp ảnh thể thao sẽ góp phần rất lớn để lan tỏa các giá trị tích cực, sự tự hào dân tộc, vì màu cờ sắc áo.
Nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn – Trưởng khối nội dung Media – Báo Dân trí chia sẻ: Tác nghiệp ở mọi môn thi đấu dù quan trọng hay không, dù là sự kiện nhỏ nhất cho tới lớn nhất hãy tác nghiệp bằng tất cả năng lực, sự tỉ mỉ, chỉn chu của bản thân. Nếu coi thường, hời hợt với các vận động viên và giải đấu bạn đang coi thường chính niềm đam mê và nghề nghiệp của mình. Làm một việc lặp đi lặp lại trong 10.000 ngày bạn sẽ trở thành một chuyên gia, nếu thực hành một cách nghiêm túc, bạn chỉ cần số ngày rất ít so với con số trên.
Đối với nhiều phóng viên theo dõi mảng thể thao, đặc điểm quan trọng của việc chụp ảnh vận động viên hoặc chụp ban đêm cần hạn chế dùng đèn led vì sẽ ảnh hưởng đến tính chân thực của ảnh cũng như ảnh hưởng đến các vận động viên. Nếu như người mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm tốt nhất là nên đi xem như một khán giả, dự những buổi diễn ra sự kiện trước để nắm bắt và có tính bao quát của vấn đề. Có trải nghiệm để từ đó đúc rút cho mình, xây dựng thói quen tác nghiệp khoa học, bài bản và hiệu quả.
Chia sẻ kinh nghiệm nhiều năm làm phóng viên văn hóa nói chung và thể thao nói riêng, nhà báo Thanh Hà cho rằng: “Khi tác nghiệp ở sự kiện thể thao nên cố gắng lựa chọn những môn thi đấu có khả năng dành nhiều huy chương, biết được các vận động viên thi đấu và khả năng dành chiến thắng cao. Lựa chọn góc máy, hướng ngồi khu vực nào tác nghiệp để toát lên thần thái của vận động viên khi họ thi đấu hết mình và dành chiến thắng. Phóng viên ảnh theo mảng thể thao, luôn để chế độ có tốc độ chụp nhanh, ánh sáng nhiều vì những gì diễn ra rất nhanh. Phóng viên tuyệt đối không chạy quá nhiều vị trí, tránh ảnh hưởng công tác tổ chức trận đấu hay môn thi đấu:.
“Phóng viên phải nắm bắt thời cơ, nhạy bén, có giác quan dự đoán để biết được khi nào là cao trào của trận đấu, là điểm nhấn trong trận đấu, nắm được khoảng thời gian đó thì mới có nhiều cơ hội để có các bức hình đẹp, có nội dung hình ảnh mà mình muốn truyền tải. Đôi khi sự kiện đó, hình ảnh chỉ có một khoảnh khắc và không bao giờ lặp lại” nhà báo Thanh Hà chia sẻ.