Để tri ân những người làm nên chiến thắng năm xưa
Khác với tác nghiệp ở các thành phố lớn có điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động tác nghiệp được tốt hơn, tác nghiệp tại tỉnh miền núi Điện Biên gặp không ít những khó khăn riêng. Tuy nhiên trong hoàn cảnh đó, đội ngũ phóng viên ở nhiều cơ quan báo chí trong cả nước vẫn luôn sẵn sàng lên đường, mọi lúc mọi nơi để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Điều này đúng như tinh thần 56 ngày đêm chiến dịch Điện Biên Phủ của thế hệ ông cha ngày xưa. Dường như khí thế của người lính điện biên năm xưa đã thúc giục để mỗi nhà báo, phóng viên nỗ lực sáng tạo không ngừng, có những tác phẩm báo chí đặc sắc mang đến công chúng.
Xác định đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng nhau ôn lại truyền thống, ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng kế hoạch, xây dựng các tuyến tin bài và tuyên truyền một cách có hiệu quả bằng nhiều hình thức, cách thức khác nhau để thu hút công chúng.
Cách đây 10 năm (năm 2014) nhà báo Phạm Khắc Phục – Truyền Hình Quốc Hội Việt Nam đã từng lên Điện Biên tác nghiệp dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng đối với anh năm nay sự kiện có quy mô lớn hơn rất nhiều. Với mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé cho công tác tuyên truyền về tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà báo Phạm Khắc Phục đã tích cực tìm kiếm các đề tài, cố gắng sản xuất những phóng sự truyền hình chất lượng nhất.
Với kinh nghiệm nghề nghiệp, anh không chỉ đưa tin các sự kiện của lãnh đạo Đảng, nhà nước mà còn sản xuất nhiều phóng sự nói về những ký ức của các cựu chiến binh, về các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, hậu phương… Những chiến thắng lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ được thể hiện rõ qua ký ức của các cựu chiến binh đã giúp nhà báo có được nhiều tác phẩm chất lượng.
Nhà báo Phạm Khắc Phục chia sẻ: Dịp kỷ niệm này nhiều phóng viên về với Điện Biên để tuyên truyền, mỗi người đều mong muốn góp phần làm sống lại không khí hào hùng xưa. Tuy nhiên tôi nghĩ điều quan trọng đầu tiên với mỗi phóng viên tham gia đưa tin thì cần phải tìm hiểu, dành thời gian nghiên cứu các sự kiện, các trận đánh, những quyết sách quan trọng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa đến Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ… từ đó để có cái nhìn tổng quan sau đó mới đi khai thác chi tiết các vấn đề, các nhân vật, sự kiện, hiện vật, nhân chứng.
“Đối với truyền hình chúng tôi lựa chọn những nhân vật đặc sắc thôi là chưa đủ, mà nhân vật còn có đủ sức khỏe, sự minh mẫn để trả lời phỏng vấn, tìm ra những chi tiết “đắt” để từ đó khai thác. Khác với các loại hình báo chí khác, với phóng viên truyền hình ngoài việc tìm được nhân vật chúng tôi còn phải xây dựng được bối cảnh phù hợp với nhân vật ấy, gắn với sự kiện, hiện vật xưa kia với nhân vật ngày nay”, nhà báo Phạm Khắc Phục cho biết thêm.
Thực tế cho thấy, khác với các với thể loại báo in, phát thanh, hay báo mạng, truyền hình thường kể chuyện bằng hình ảnh, muốn thu hút được khán giả phải có cách thể hiện độc đáo, tìm kiếm, lồng ghép thước phim bây giờ với những thước phim quý trước kia, tránh việc bị nhầm lẫn giữa sự kiện này với sự kiện kia là điều không hề dễ dàng. Bên cạnh đó, phóng viên cũng phải biết dùng thêm các hiệu ứng hình ảnh, kỹ xảo, phục dựng để lồng ghép vào tác phẩm tạo được sự ấn tượng cho người xem… nên việc dành thời gian tuyệt đối cho nhiệm vụ sản xuất tin bài cùng kĩ năng linh hoạt trong tác nghiệp chính là điều mà nhà báo Khắc Phục và các đồng nghiệp của anh coi trọng.
Lựa chọn những hình ảnh chân thực, gần gũi và góc quay mới lạ
Trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đã có hàng trăm hàng nghìn bài báo về mảnh đất lịch sử Điện Biên Phủ. Có những bài báo, tác phẩm truyền hình tri ân các anh hùng liệt sỹ, phản ánh sự hồi sinh mạnh mẽ phát triển kinh tế – xã hội của nhân dân các dân tộc Điện Biên trên chiến trường xưa. Mỗi nhà báo phóng viên lại các có những cách nhìn, sức sáng tạo riêng, tạo ấn tượng cho tác phẩm của mình.
Chia sẻ về ấn tượng nhất trong dịp này, nhà báo Phạm Khắc Phục nhớ lại: Trong lần ê kíp tác nghiệp ở Di tích hầm Đờ Cát, đúng hôm vào ngày trời mưa to, tuy nhiên di tích vẫn thu hút được đông du khách. Nhóm chúng tôi tự hỏi chắc có điều gì hấp dẫn hơn mới đông khách đến vào lúc mưa kéo dài như vậy. Thời điểm đó chúng tôi cố gắng ghi lại hình ảnh những giọt mưa trút xuống hầm để mường tượng vào thời điểm cách đây 70 năm, 56 ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt của thế hệ trước.
“Cũng chính hôm đó, chúng tôi gặp được một nhân vật đặc biệt, ông đang giới thiệu về di tích cho khách tham quan. Mặc dù ông chỉ là một người dân sinh sống tại thành phố Điện Biên Phủ đã nghỉ hưu nhưng trong dịp này ông tự nguyện đến các điểm di tích để giới thiệu cho du khách tham quan về các di tích, chia sẻ thông tin về những chiến dịch, các trận chiến đấu trước đây tại Điện Biên Phủ…Đó là những nhân vật chúng tôi luôn muốn tìm kiếm, họ không chỉ là những người có những hoạt động có ý nghĩa cho cộng đồng mà họ còn góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết trong toàn dân” nhà báo Phạm Khắc Phục thông tin thêm.
Trong muôn vàn hình ảnh đẹp về lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà báo Phạm Khắc Phục và đồng nghiệp luôn lựa chọn những hình ảnh chân thực, gần gũi và góc quay mới lạ. Rất nhiều những hình ảnh dẫn tại hiện trường với hầm hào, các di tích còn sót lại sẽ giúp cho khán giả dễ dàng hiểu hơn về những giá trị của lịch sử, những vất vả hi sinh mà thế hệ cha ông đã trải qua. Từ những phóng sự này bộ phận phân bổ video sẽ cắt, chỉnh sửa thêm phụ đề để phát trên các nền tảng mạng xã hội, giúp cho độ lan tỏa của tác phẩm được rộng rãi hơn.
“Chúng tôi hy vọng cùng với tác phẩm của các đồng nghiệp khác, mỗi tác phẩm báo chí dù có các cách thể hiện khác nhau nhưng tựu trung đều khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt, một dấu mốc bằng vàng chói lọi. Làm sống dậy không khí thi đua quyết chiến quyết thắng của cả dân tộc. Chiến thắng vang dội ngày ấy cho đến ngày nay vẫn cứ trường tồn. Đó là tinh thần đoàn kết một lòng, tinh thần vượt qua mọi khó khăn khốc liệt để dành chiến thắng, dành độc lập cho dân tộc. Và trong 70 năm qua, tinh thần đó vẫn luôn được hun đúc truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác” – nhà báo Khắc Phục nhấn mạnh.
Trong hành trình làm báo không phải phóng viên nào cũng may mắn được tham gia sự kiện lớn như kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tuy gặp những khó khăn về điều kiện tác nghiệp như mưa, nắng thất thường, điều kiện về đi lại, ăn ở, an ninh nghiêm ngặt, tuy nhiên mỗi phóng viên đều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất, có thông tin chính xác để gửi về cơ quan một cách sớm nhất…
Nhà báo Phạm Khắc Phục tâm sự: “Mỗi lần được đi tác nghiệp một sự kiện lớn của đất nước sẽ càng tôi luyện thêm những kỹ năng mới, cho chúng tôi biết cách khắc phục những khó khăn ở từng địa phương, từng sự kiện. Biết cách xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình tác nghiệp…Tôi nghĩ rằng, thế hệ người làm báo hôm nay sẽ luôn mong muốn học hỏi tinh thần của người làm báo Điện Biên năm xưa, để viết tiếp về mảnh đất lịch sử và huyền thoại này”.
Nguồn: https://www.congluan.vn/tac-nghiep-mot-su-kien-lon-se-toi-luyen-them-nhung-ky-nang-moi-post294652.html