Lăn kim không có tác dụng điều trị mụn trứng cá, nếu thực hiện có thể làm mụn bùng phát mạnh hơn, nguy cơ nhiễm trùng da.
ThS.BS.CKI Trần Nguyễn Anh Thư, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết lăn kim vi điểm là thủ thuật xâm lấn tối thiểu trên da. Bác sĩ sử dụng con lăn có những chiếc kim nhỏ, chủ động tạo ra những vết thương dạng lỗ nhỏ li ti trên bề mặt da. Các tổn thương này kích hoạt phản ứng chữa lành vết thương tự nhiên của cơ thể. Cơ thể sẽ giải phóng các chất kích thích tăng trưởng, tạo ra các mạch máu mới và nhiều protein (collagen, elastin). Những protein này giúp làn da đầy đặn, săn chắc và mịn màng.
Lăn kim thường được áp dụng phổ biến ở mặt nhưng cũng có thể ở chân, lưng, cổ, đầu hoặc những vùng da lão hóa, bị tổn thương. Phương pháp này được chỉ định điều trị sẹo rỗ, sẹo lõm nông, nhất sẹo do mụn trứng cá; lỗ chân lông to; nếp nhăn li ti; trẻ hóa làn da; rụng tóc từng mảng.
Tuy nhiên, lăn kim không được sử dụng để điều trị cho tình trạng mụn trứng cá đang sưng viêm. Theo bác sĩ Thư, nhiều người lầm tưởng lăn kim có thể giải quyết tình trạng mụn trứng cá là do hiểu sai thông tin hoặc do cơ sở làm đẹp, thông tin mạng xã hội đưa không chính xác.
Mụn chứa vi khuẩn, nhất là ở mụn mủ, mụn bọc và mụn nốt nang. Khi lăn kim, kim sẽ tiếp xúc với vi khuẩn gây mụn, làm lây lan vi khuẩn sang các vùng da lành, kích ứng và bùng phát mụn ngày càng nặng hơn. Thủ thuật tạo ra những vết thương nhỏ nên có thể khiến tình trạng viêm, nhiễm trùng, mụn trứng cá bùng phát nặng hơn.
Ngoài ra, những trường hợp không nên lăn kim khác gồm da thường xuyên phát ban (viêm da tiếp xúc); đang bị viêm da cơ địa (chàm), bệnh vảy nến, mụn rộp; người bệnh rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu; bệnh nhân ung thư và đang hóa trị hoặc xạ trị. Vùng điều trị có các nốt ruồi hoặc các khối u thay đổi về kích thước, hình dạng, màu sắc, chảy máu cũng không nên lăn kim. Người bệnh nên đến bệnh viện chuyên khoa da liễu hoặc ung bướu để khám.
Bác sĩ Thư lưu ý điều trị da bằng lăn kim không có tác dụng đẹp ngay mà cần có thời gian hồi phục. Da cần vài ngày đến vài tuần (tùy vào độ sâu của kim trên da) mới thấy hiệu quả. Người bệnh cần chọn lọc kỹ các thông tin được giới thiệu, kiểm chứng trước khi áp dụng và nên đến bệnh viện chuyên khoa da liễu để chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Thư Anh
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu – thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp |