Thức khuya kéo dài sẽ làm xáo trộn nhịp sinh học, dễ gây mất ngủ và tăng nguy cơ mắc một số bệnh như đau tim, suy tim và đột quỵ, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).
Các nghiên cứu từ lâu đã phát hiện thức khuya liên tục và thiếu ngủ có thể tác động tiêu cực đến nhiều khía cạnh đời sống. Về mặt thể chất, nó có thể dẫn đến tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim và bệnh tiểu đường. Thiếu ngủ cũng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và khiến cơ thể dễ mắc bệnh.
Hơn nữa, thức khuya dễ dẫn đến thiếu ngủ, gây buồn ngủ vào ban ngày, khiến cơ thể mệt mỏi và khó tập trung. Tất cả đều ảnh hưởng đến hiệu suất công việc và các mối quan hệ cá nhân.
Thiếu ngủ cũng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc. Thiếu ngủ mạn tính có thể làm tăng nguy cơ phát triển các vấn đề tâm lý tâm thần như trầm cảm, lo âu hay rối loạn tâm trạng.
Một tác hại ít người biết khác của thiếu ngủ là dễ gây chóng mặt. Vì khi chúng ta thiếu ngủ, hệ tiền đình sẽ trở nên mệt mỏi, từ đó khiến cơ thể cảm thấy choáng váng, thiếu ổn định và có cảm giác chóng mặt.
Không những vậy, thiếu ngủ mạn tính còn gây mất nước bằng cách làm mất cân bằng các loại hoóc môn giúp điều chỉnh lượng nước. Mất nước nhẹ cũng có thể gây ra các triệu chứng hạ huyết áp thế đứng, chẳng hạn như yếu, chóng mặt và mệt mỏi. Ngoài ra, thiếu ngủ làm tăng tình trạng kháng insulin, có thể dẫn đến tăng lượng đường trong máu. Biến động đường huyết trong máu cũng gây chóng mặt.
Để giảm thiểu tác hại tiềm tàng của việc thức khuya và thiếu ngủ, mọi người cần ưu tiên ngủ đủ giấc. Nếu không có việc cần thiết thì không nên thức khuya. Trong trường hợp buộc phải thức khuya, chẳng hạn vì công việc, thì những ngày sau hãy thiết lập lại thói quen ngủ. Mọi người cần tạo một lịch trình giấc ngủ nhất quán, tức mỗi ngày đều ngủ và thức dậy cùng một khung giờ nhất định, theo Verywell Health.