Cuốn sách của một tác giả chính là người Việt Nam được xuất bản bởi Routledge vừa ra mắt nhưng ngay sau đó đã bị đồng tác giả tố ‘không viết chữ nào’. Trong khi tác giả chính cầu cứu, nói đang bị ‘vu khống, tống tiền’.
Ngày 24-9 vừa qua, TS Nguyễn Trà Giang – viện trưởng Viện Khoa học và Quản lý thể dục thể thao, Trường đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM (UMT) – ra mắt cuốn sách A Unified System Fitness Design (USFD – Mô hình thể chất toàn diện và bao hàm).
Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Oliver Napila Gomez (người Phillipines) – đồng tác giả cuốn sách trên – đã gửi email đến Trường UMT, đồng thời đăng hàng loạt tố cáo trên mạng xã hội cho rằng: “Tôi là tác giả duy nhất của cuốn sách USFD”.
Đồng tác giả tố tác giả chính “không góp chữ nào”
Cuốn sách USFD đứng tên 2 tác giả Nguyễn Trà Giang và Oliver Napila Gomez được nhà xuất bản Routledge (thuộc Tập đoàn Taylor & Francis Group, có trụ sở tại Anh quốc) xuất bản.
Tuy nhiên, sau buổi ra mắt cuốn sách USFD tại Việt Nam, ông Oliver Napila Gomez đã đăng bài trên Facebook tố bà Nguyễn Trà Giang vi phạm sở hữu trí tuệ khi đứng tên tác giả đầu của cuốn sách: “Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng tôi đã bị thao túng để từ bỏ quyền tác giả đầu tiên và trao nó cho cô ấy (Trà Giang – PV), mặc dù thực tế là cô ấy không có đóng góp gì cho cuốn sách”.
Trước đó, trên trang cá nhân Oliver đăng rất nhiều nội dung tố cáo Nguyễn Trà Giang, được cho là đã gửi đến Trường UMT, trong đó khẳng định: “Oliver là người sáng tạo và chủ sở hữu của thương hiệu USFD. Oliver là tác giả duy nhất của bản thảo của cuốn sách.
Cuốn sách trên được xuất bản chủ yếu do nỗ lực của Oliver trong việc ứng dụng, truyền thông và biên soạn bản thảo. Bạn (Trà Giang) không có đóng góp học thuật nào cho các khái niệm và kiến thức được trình bày trong cuốn sách, thậm chí không góp một chữ nào”.
“Vu khống trên mạng xã hội để tống tiền”
Trước sự việc này, tác giả Nguyễn Trà Giang đã gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng, khẳng định: “Tôi là tác giả chính của cuốn sách USFD, được xuất bản bởi Routledge. Ông Oliver Napila Gomez là đồng tác giả, người đang nhắm vào tôi để tống tiền bằng cách vu khống tôi trên mạng xã hội vì thù hận cá nhân do bị mất việc tại Trường UMT”.
Theo TS Nguyễn Trà Giang, bà và ông Oliver có quan hệ bạn bè, thầy trò trong học thuật. Sau thời gian quen biết từ năm 2017, bà và Oliver có trao đổi về học thuật chuyên môn các đề tài về tố chất thể lực, các chương trình tập luyện cũng như bài test kiểm tra đánh giá tố chất thể lực học sinh, sinh viên.
“Thời điểm đó Oliver vừa tốt nghiệp đại học tại Phillipines, còn tôi đã là tiến sĩ và đang công tác tại một trường đại học tại Thái Lan. Trong các cuộc trao đổi học thuật này, tôi đóng vai trò là người hướng dẫn (mentor) cho Oliver (mentee) như một sinh viên”, bà Giang cho biết.
Cũng theo bà Giang, thời điểm này bà nhận ra tại Việt Nam và Thái Lan các tố chất thể lực không được đánh giá quan trọng, ngay cả cho học sinh, sinh viên.
Đồng thời các test kiểm tra còn rất lạc hậu và sơ sài. Đó là quyết định để bà đưa ra kế hoạch viết một nghiên cứu, sách vở hay gì đó có thể giúp cho việc này phát triển hơn và mọi người đều hiểu và quan tâm đến nó.
“Tôi bắt đầu phác thảo ý tưởng (nội dung liên quan đến cuốn sách USFD hiện tại – PV) của mình cùng với PGS.TS Rumpai Soonjan, một đồng nghiệp ở Trường đại học Bangkokthonburi, cả hai đã cùng nhau viết và bắt đầu dự án từ tháng 12-2020 mang tên “Thiết kế và phát triển ứng dụng di động và hướng dẫn kiểm tra thể lực phù hợp và chuẩn hóa cho nhóm học sinh từ 6 – 18 tuổi tại Thái Lan”, bà Giang chia sẻ.
PGS.TS Rumpai Soonjan xác nhận thông tin trên với Tuổi Trẻ và cho biết thêm: “TS Nguyễn Trà Giang là người chủ chốt và chịu toàn bộ trách nhiệm về nội dung đề tài từ tháng 12-2020. Trong đề tài này, TS Giang đã trình bày chi tiết về sức khỏe liên quan đến thể lực cũng như các kỹ năng liên quan đến thể lực.
Chúng tôi đã nộp đề tài này để xin tài trợ từ Hội đồng Nghiên cứu quốc tế Thái Lan, nhưng cuối cùng đề tài không được triển khai do dịch COVID-19 và quỹ không cấp kinh phí”.
Tháng 2-2021, bà Giang phối hợp cùng bà Nguyễn Thị Mỹ Hậu, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Năng khiếu Thể dục thể thao TP.HCM, viết đề tài tương tự tại Việt Nam, nhưng rồi dự án này cũng không được triển khai do dịch COVID-19.
“Oliver là người đánh máy”
Theo bà Giang, đến năm 2022, bà gặp lại Oliver khi ông này đang là giáo viên dạy giáo dục thể chất tại một trường tiểu học quốc tế ở Thái Lan. Từ đó cả hai gặp gỡ nhau nhiều hơn để trao đổi các vấn đề học thuật, rồi nảy ra ý tưởng làm cuốn sách với chủ đề các tố chất thể lực dựa vào những nội dung và tài liệu đã có trước đó mà bà đã soạn thảo trong các năm 2020, 2021.
“Sau đó tôi đã gửi toàn bộ nội dung từ các dự án trước cũng như nội dung mới đến máy của Oliver qua Airdrop (một dịch vụ chia sẻ tập tin trên các thiết bị của Apple), để ông ấy có đủ dữ liệu đánh máy và chỉnh sửa. Từ đó các nội dung bắt đầu được ráp dần.
Tôi đưa ý kiến chuyên môn, Oliver là người đánh máy cũng như hoàn chỉnh các dữ liệu và ý kiến thu thập được trong các buổi làm việc chung. Chúng tôi gặp và trao đổi thường xuyên các nội dung cho đến khi hoàn thiện vào tháng 8-2022″, bà Giang kể.
Cũng theo bà Giang, sau đó cả hai đã bàn và quyết định gửi bản thảo đến Nhà xuất bản Springer.
“Lúc đó, tôi giao toàn trách nhiệm cho Oliver để có thể trực tiếp làm việc với nhà xuất bản. Chính tôi là người chọn các phản biện bên ngoài để phản biện, gồm nhiều nhà khoa học nổi tiếng về khoa học thể thao khắp thế giới, nhưng bản thảo không được xuất bản do không đạt yêu cầu.
Sau nhiều ngày tìm hiểu, tôi bàn với Oliver sửa lại bản thảo chuyển sang Nhà xuất bản Routledge. Tôi chịu trách nhiệm chính cho việc sửa và viết lại bản thảo. Chúng tôi đã phải tốn thêm 1 năm để làm việc này đến tháng 9-2023″, bà Giang cho hay.
Đến tháng 2-2024. một hợp đồng xuất bản sách hoàn thiện giữa 3 bên (hai tác giả và Routledge) được ký kết. Từ thời điểm này, khi Routledge tập trung vào việc phát hành sách trên toàn thế giới, hai tác giả chuẩn bị buổi ra mắt sách theo hướng dẫn và yêu cầu của Routledge để hỗ trợ việc kinh doanh của họ.
“Mọi việc vẫn diễn ra theo kế hoạch cho đến ngày 29-9, Oliver ngỏ ý xin tiền tôi để sửa nhà cho gia đình bạn ấy ở Phillipines, nhưng tôi nói rằng chúng ta đang chuẩn bị làm buổi ra mắt sách nên không có tiền đưa bạn ấy.
Sau đó, ngày 16-10, Oliver có gửi nội dung email tống tiền tôi với số tiền 40.000 USD và bắt đầu đe dọa sẽ bêu xấu tôi trong giới học thuật”, bà Giang phản ánh.
Do nảy sinh xung đột lợi ích
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Oliver cho rằng: “Việc bà Giang chỉ đạo nội dung cuốn sách trong các cuộc họp là chưa từng xảy ra. Sự thực là khi có cơ hội, tôi chia sẻ ý tưởng với cô ấy. Cô ấy chưa bao giờ hướng dẫn gì cho tôi. Tôi dạy cô ấy, tôi hướng dẫn cô ấy chứ không phải ngược lại. Cô ấy đã viết gì để xứng đáng với vị trí là tác giả đầu tiên? Không gì cả”.
Về việc vắng mặt trong buổi ra mắt sách, ông Oliver cho biết: “Do nảy sinh xung đột lợi ích nên tôi từ chối tham gia. Tôi đã yêu cầu Giang không sử dụng hình ảnh của tôi trong buổi ra mắt sách nhưng cô ấy vẫn sử dụng chúng”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tac-gia-sach-keu-cuu-noi-dong-tac-gia-vu-khong-tong-tien-20241203074325692.htm