Có mặt tại buổi giao lưu, tác giả Nguyễn Quang Thọ không nén được cảm xúc, rơi nước mắt khi thấy quyển Người Việt nói tiếng Việt – “đứa con tinh thần” mà ông dành hơn 10 năm chăm chút – đã đến tay độc giả.
Với ông Nguyễn Quang Thọ, tiếng Việt là “di sản của cha ông, là bài học nằm lòng của mỗi người, muốn biết nhiều thì phải học nhiều, học từ lúc nằm nôi cho tới khi xuống lỗ”. Vậy nên 10 năm qua, tác giả đã đặt mình vào vai trò “con mọt sách” để “gặm nhấm” một loạt từ điển đã ấn hành.
Qua đó, ông phát hiện ra còn có nhiều câu thành ngữ, tục ngữ bị bỏ sót, hoặc đã thu nhận nhưng cách giải thích theo ông nhận thấy là “chưa thỏa đáng”. Từ đó, Nguyễn Quang Thọ nhẫn nại ghi chép và bắt đầu hành trình viết nên hơn 100.000 từ và cho ra đời quyển sách Người Việt nói tiếng Việt.
Cuốn sách này có hơn 380 trang, sưu tập hơn 600 thành ngữ và tục ngữ không có mặt trong các từ điển đã phát hành mặc dù rất thông dụng trong đời sống. Sách gồm 3 phần chính: Mắt thấy tai nghe; Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật; Đánh trống qua cửa nhà sấm.
Qua tác phẩm, độc giả bắt gặp những thành ngữ, tục ngữ quen thuộc thường xuất hiện trong cuộc sống như: “Nhạt như nước ốc ao bèo”; “Ăn cơm trước kẻng”; “Chạy mất dép”; “Tiền trao cháo múc”; “Nằm mơ giữa ban ngày”; “Mảnh tình vắt vai”; “Xuống dốc không phanh”; “Cạp đất mà ăn”; “Hái ra tiền”; “Nói cho vuông”; “Cầm đèn chạy trước ô tô”; “Nhà mặt phố, bố làm quan”; “Ngon nhức nách”…
Ông bày tỏ: “Cuốn sách này không giúp bạn trả lời được hết mọi câu hỏi, thậm chí còn làm bạn đặt ra nhiều câu hỏi. Nhưng chúng tôi hy vọng đem đến cho bạn đọc một cách tiếp cận mới với những vấn đề còn đang vướng mắc, cung cấp ngữ liệu cho nhiều thành ngữ, tục ngữ bị bỏ sót, trao đổi về những lời giải nghĩa theo chúng tôi là chưa chuẩn và lưu ý vài sai sót kỹ thuật khá nghiêm trọng trong từ điển…”.
Trước ý kiến tác phẩm này có thể gây ra tranh cãi, tác giả Nguyễn Quang Thọ cũng thừa nhận bản thân vẫn còn thiếu sót nên tác phẩm của ông cũng sẽ không tránh khỏi tranh cãi.
“Tôi từng học ở Đức, ở đó học sinh được khuyến khích tư duy luôn đặt câu hỏi “tại sao?” chứ không học thuộc lòng hay thầy nói gì nghe vậy. Tôi nói lên điều tôi biết và nghĩ trong 10 năm, thì người khác cũng nói lên điều họ biết, họ nghĩ trong 10 năm hay thậm chí 20 năm. Tôi tin rằng người ta sẽ tranh cãi khi đọc quyển sách, tuy nhiên có điều có thể cãi được, cũng có điều không”, ông Thọ nói.
Ngoài ra, quyển Người Việt nói tiếng Việt còn phần nào đi sâu vào lĩnh vực chuyên môn của các nhà ngôn ngữ học, bởi trong đó, ông Nguyễn Quang Thọ đã trình bày quan điểm “thành ngữ là gì” – vấn đề mà trước nay nhiều nhà nghiên cứu chưa đồng thuận.
Theo nhà báo Lê Minh Quốc, ông Nguyễn Quang Thọ đã “biến hóa tài tình trong hành trình phát triển của tiếng Việt” khi bổ sung thêm một loạt từ mới, cách nói mới vừa xuất hiện trong đời sống gần đây.
“Không chỉ kỳ công mà còn là một trong những cách thể hiện tình yêu máu thịt dành cho tiếng Việt. Mà một khi yêu lấy tiếng Việt tận xương tủy cũng chính là yêu lấy non sông gấm vóc nước Việt đấy thôi”, nhà báo Lê Minh Quốc nhận xét.
Tác giả Nguyễn Quang Thọ sinh năm 1949 tại Nam Định và lớn lên ở Hà Nội. Ông là chiến sĩ sư đoàn 304 từ năm 1968 đến năm 1971.
Ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đức tại trường Đại học Tổng hợp Các Mác (nay là Đại học Tổng hợp Leipzig) thành phố Leipzig (Đức) năm 1979; Tốt nghiệp cao học với đề tài Thành ngữ so sánh tiếng Đức (đối chiếu với tiếng Việt) tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM (2005).
Nguyễn Quang Thọ từng làm việc tại Nhà xuất bản Thanh Niên; Chủ biên tập san Văn hóa và Đời sống, Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM (1991-1992); Tổng Biên tập báo Yêu Trẻ (1997 – 2010).