Trước đây, nhìn thấy chiếc xe gắn máy quen thuộc đậu sát vách tường của lối đi vào văn phòng của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ là biết tác giả Lê Duy Hạnh đang có mặt ở Hội Sân khấu TP HCM.
Để lại nhiều di sản
Các nghệ sĩ đã gắn bó với hoạt động Hội Sân khấu TP HCM đều cảm nhận sự trống vắng mỗi khi nhắc về tác giả Lê Duy Hạnh – vị thuyền trưởng kiên định, lèo lái con thuyền sân khấu của thành phố vững vàng lướt sóng.
Bởi, 25 năm trôi qua, hình ảnh quen thuộc của chiếc xe gắn máy và dáng người nhỏ nhắn, mỗi ngày ông đã đi về từ nhà riêng (trong một con hẻm nhỏ trên đường Điện Biên Phủ) đến ngôi nhà chung “5B” thân thương của giới nghệ sĩ sân khấu.
Ngày 6-9-2023, tác giả Lê Duy Hạnh đã rời xa sân khấu, đi về miền nhớ trong cõi vĩnh hằng mà người ở lại, dù có thể đã vơi đi niềm thương tiếc nhưng những kỷ niệm về ông vẫn hiện diện sâu sắc trong ký ức nhiều người.
Ba kịch bản của ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001, gồm: “Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc”, “Mặt trời đêm thế kỷ” và “Trời Nam” đều là những tác phẩm hay, giá trị; hằng năm các cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ cho sân khấu, các thí sinh trong Nam ngoài Bắc đều sử dụng những kịch bản này để tranh tài.
NSND Trần Minh Ngọc cho biết tác giả Lê Duy Hạnh mạnh ở cả 4 “địa hạt”: hát bội, cải lương, kịch nói và thể loại kịch bản dành cho một diễn viên, đó là các vở như: “Tâm sự Ngọc Hân”, “Diễn kịch một mình”, “Hoàng hậu hai vua”, “Vua thánh triều Lê”, “Chiếc áo thiên nga”, “Hoa độc trong vườn”, “Dời đô”, “Độc thoại đêm”, “Trở về miền nhớ”, “Nỗi đau nhân loại”…
“25 năm làm lãnh đạo hội, đồng thời là một tác giả, ông đã góp phần xây dựng ngôi nhà sân khấu khang trang, để lại di sản rất lớn cho các thế hệ nghệ sĩ” – NSND Trần Minh Ngọc nhìn nhận.
Ngọn đuốc soi đường
Tác giả Lê Duy Hạnh sinh ra tại Tây Sơn, Bình Định, thời sinh viên ở Sài Gòn ông học rất giỏi, năm 1972 ông đã được chọn đi Mỹ học để lấy bằng tiến sĩ. Nhưng thay vì xuất ngoại, ông đã vào chiến khu rồi được đưa ra miền Bắc học tập. Sau năm 1975, ông xin về lại miền Nam công tác và có in một tập truyện ký, rồi bất ngờ ông rẽ ngang qua lĩnh vực sân khấu và gắn bó với bộ môn nghệ thuật này cho đến cuối đời.
NSND Lệ Thủy nhớ lại: “Năm 1980, kịch bản đầu tiên của tác giả Lê Duy Hạnh là “Tâm sự Ngọc Hân”, được Đoàn Văn công TP HCM dàn dựng, bất ngờ trở thành một hiện tượng sân khấu. Khi đó NSƯT Mỹ Châu vai Ngọc Hân, Tuấn Thanh vai Nguyễn Huệ đã vụt sáng với phong cách ca diễn ấn tượng. Chỉ trong vài năm vở diễn đã đạt tới 700 suất diễn, một con số ước mơ của nhiều đoàn hát”.
Theo giới chuyên môn, dù với phong cách, hình thức thể hiện nào, bút pháp của tác giả Lê Duy Hạnh cũng sắc sảo, giàu bản lĩnh với những góc nhìn tư duy sáng tạo, tác phẩm nào của ông cũng chiếm trọn niềm say mê của công chúng.
NSƯT Thanh Thanh Tâm, một trong những nghệ sĩ đã nhận được sự dìu dắt, nâng đỡ của ông, bà bộc bạch: “Tác giả Lê Duy Hạnh đã động viên tôi rất nhiều trong sự nghiệp, cho tôi nhiều bài học từ sàn diễn đến cuộc sống. Có thể nói ông là ngọn đuốc soi đường để thế hệ nghệ sĩ, đạo diễn, tác giả trẻ noi theo”.
Đối với lĩnh vực sân khấu TP HCM, tác giả Lê Duy Hạnh đã góp phần rất lớn trong công tác ươm mầm nguồn nhân lực trẻ, mà ngày nay họ đã trở thành những ngôi sao trụ cột của nhiều sân khấu xã hội hóa như: Thành Lộc, Hồng Vân, Minh Nhí, Quốc Thảo, Ái Như, Thành Hội, Mỹ Uyên, Trịnh Kim Chi, Ngọc Trinh…
Tác giả Lê Duy Hạnh cũng đã thúc đẩy nhiều sân khấu tại TP HCM phát triển hiệu quả, từ giải thưởng Trần Hữu Trang, đến Liên hoan Sân khấu Mùa thu và Liên hoan Sân khấu hài TP HCM. Ông còn đồng hành, động viên, nâng đỡ các nghệ sĩ, tác giả, đạo diễn, họa sĩ… để họ nỗ lực sáng tạo, mang lại giá trị nhân văn sâu sắc qua từng tác phẩm.
Với sân khấu xã hội hóa, tác giả Lê Duy Hạnh trở thành “anh cả đỏ” của mô hình này – điển hình là Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ TP HCM (5B Võ Văn Tần). Trong kho kịch bản đồ sộ mà ông để lại cho đời, vẫn còn vô số kịch bản viết tay mà gia đình đang lưu giữ. Trong số này có nhiều kịch bản phản ánh về đời sống xã hội, vẫn chưa đưa được khai thác, dàn dựng.
Nhớ về tác giả Lê Duy Hạnh, những ai yêu sân khấu, mến mộ tâm và tài từ một vị thuyền trưởng cả đời cống hiến cho “vùng biển sân khấu” sẽ cảm thấy trong mỗi nhịp đập của sàn diễn hằng đêm, vẫn còn nghe sự rung cảm từ trái tim giàu trắc ẩn mà ông dặn dò thế hệ tiếp nối phải luôn làm nghề tử tế, nghiêm túc hướng đến những giá trị cao đẹp cho nền nghệ thuật Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 1 năm ngày mất của tác giả Lê Duy Hạnh, Hội Sân khấu và Hội Nhà văn trình làng 2 quyển sách: “Tuyển tập kịch bản cải lương của tác giả Lê Duy Hạnh” (Nhà Xuất bản Sân khấu thuộc Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) và “Lê Duy Hạnh – Miền nhớ: Tuyển tập tác phẩm” (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn).
NSƯT Thành Lộc cho biết vào thập niên 1980, các đạo diễn trẻ được đào tạo từ Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM) ra trường nhưng không có đơn vị nghệ thuật nào nhận về. Thế là Hội Sân khấu TP HCM đã thành lập CLB Sân khấu Thể nghiệm (tại số 5B, Võ Văn Tần, quận 3, còn gọi là sân khấu 5B). Là tổng thư ký, ông Lê Duy Hạnh đã tạo “đất sống” cho các đạo diễn trẻ mới ra trường tại sân khấu 5B. Sân khấu này đã giới thiệu nhiều phong cách nghệ thuật mới lạ từ hình thức dàn dựng đến chủ đề tư tưởng, gây chú ý trong dư luận.
Sau đó, Hội Sân khấu TP HCM tổ chức liên hoan sân khấu thể nghiệm lần thứ 1, vang danh toàn quốc, tiếp đó là lần 2 có sự tham gia của các đơn vị nghệ thuật phía Bắc. Có thể nói, thành công của mô hình sân khấu 5B có đóng góp rất lớn của ông Lê Duy Hạnh. Từ đây, các đạo diễn trẻ có dịp phát huy khả năng sáng tạo của mình, xuất hiện những tên tuổi đạo diễn mới: Trần Cảnh Đôn, Kim Loan, Phú Hải, Minh Hải, Hồng Vân…
“Tôi có may mắn 10 năm là diễn viên của sân khấu nhỏ 5B. Nhờ được trui rèn mà kỹ năng diễn xuất của tôi phát triển một cách toàn diện. Nếu nói người có công chắp cánh cho những đạo diễn, diễn viên trẻ hoạt động, phát huy khả năng sáng tạo của mình thì không ai khác là ông Lê Duy Hạnh. Chúng tôi luôn nhớ về ông như một người anh trong nghệ thuật” – NSƯT Thành Lộc xúc động.
NSND Hữu Danh cho biết: “Tôi là nghệ sĩ hát bội, có đam mê viết tuồng, chính thầy Lê Duy Hạnh đã giáo huấn, đã nghiêm khắc, đã soi sáng từng con chữ, từng vần điệu, và cả chủ đề tư tưởng, để tôi sáng tác và bám nghề. Sau đó tôi có nhiều giải thưởng về kịch bản hát bội, tất cả đều nhờ ơn của thầy”.
Nguồn: https://nld.com.vn/tac-gia-le-duy-hanh-nguoi-cua-mien-nho-196240803211022414.htm