Cần tây là loại thực vật chứa rất nhiều nước. Tỷ lệ nước trong cần tây lên đến 96%. Một chén cần tây chỉ chứa khoảng 7 calo nhưng lại cung cấp cho cơ thể nhiều dưỡng chất có lợi như chất xơ, vitamin K, folate và kali, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).
Ngoài ra, cần tây cũng có các hợp chất có tác dụng chống lại các gốc tự do, giảm viêm và trung hòa một số thực phẩm có tính a xít, chẳng hạn như thịt chế biến hay hải sản. Loại thực vật này cũng có một hợp chất độc đáo giúp giảm cholesterol và chất béo trung tính.
Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Clinical and Experimental Pharmacology and Physiology phát hiện hợp chất 3-n-butylphthalide trong cần tây có tác dụng giảm cholesterol trong máu. Kết luận này được rút ra sau khi các nhà khoa học cho những con chuột thí nghiệm uống nước ép cần tây. Nồng độ cholesterol trong cơ thể chúng đã giảm nhờ tác động của chất 3-n-butylphthalide trong cần tây.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác công bố trên chuyên san Journal of Agriculture and Food Chemistry phát hiện hợp chất oleamide trong tinh dầu cần tây có tác dụng giảm cholesterol “xấu” LDL và chất béo trung tính.
Hơn nữa, một số bằng chứng nghiên cứu khác cho thấy việc việc kết hợp cần tây với các loại thực phẩm tốt cho tim mạch khác có thể giúp giảm cholesterol cao mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý một chế độ ăn như vậy cần tham khảo ý kiến bác sĩ, nhất là những người đang cần uống thuốc kiểm soát cholesterol trong máu.
Ngoài việc giảm cholesterol trong máu, cần tây còn có tác dụng giúp kiểm soát huyết áp. Lợi ích này có được là nhờ hàm lượng chất flavonoid, apiin, apigenin, canxi và magiê có trong cần tây. Một nghiên cứu khác chuyên san Journal of Health phát hiện thường xuyên uống nước ép cần tây đã giúp các tình nguyện viên trong nghiên cứu giảm trung bình 30 mmHg huyết áp tâm thu và 14 mmHg huyết áp tâm trương.
Ngoài ra, các hợp chất của cần tây có hoạt tính sinh học như 3-n-butylphthalide và apigenin còn có tác dụng điều chỉnh huyết áp và giảm nhịp tim. Không những vậy, chất apigenin được chứng minh là có tác dụng ức chế tế bào ung thư, theo Verywell Health.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tac-dung-khong-ngo-cua-can-tay-den-cholesterol-185240520002441542.htm