SK Investment không còn là cổ đông lớn của Vingroup; T&T Group đầu tư dự án điện gió đầu tiên tại Lào; VIMC lợi nhuận cao kỷ lục; VNG lập thêm một công ty con mảng lập trình…
T&T đầu tư điện gió tại Lào; VIMC lợi nhuận kỷ lục; Vingroup lập công ty người máy
SK Investment không còn là cổ đông lớn của Vingroup; T&T Group đầu tư dự án điện gió đầu tiên tại Lào; VIMC lợi nhuận cao kỷ lục; VNG lập thêm một công ty con mảng lập trình…
T&T Group đầu tư dự án điện gió đầu tiên tại Lào
Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào vừa trao hợp đồng nhượng quyền dự án điện gió Savan 1 cho Công ty TNHH MTV điện gió Savan 1 – đơn vị thành viên của T&T Group.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào trao hợp đồng nhượng quyền dự án điện gió Savan 1 cho Công ty TNHH MTV điện gió Savan 1 |
Theo hợp đồng nhượng quyền, Chính phủ Lào đồng ý cho Công ty TNHH MTV điện gió Savan 1 thiết kế, xây dựng, sở hữu và vận hành dự án điện gió Savan 1 với thời hạn hợp đồng lên tới 25 năm để xuất khẩu điện về Việt Nam.
Dự án được triển khai tại huyện Phin, tỉnh Savannakhet, Lào với tổng công suất lắp đặt lên tới 495 MW và tổng mức đầu tư khoảng 768 triệu USD. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án có công suất lắp đặt 300 MW, tổng vốn đầu tư hơn 490 triệu USD và đưa vào vận hành thương mại trong cuối năm 2025.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Tập đoàn T&T Group, Chủ tịch Công ty TNHH MTV điện gió Savan 1 cho biết, việc ký kết hợp đồng nhượng quyền dự án điện gió Savan 1 với Chính phủ Lào là cột mốc quan trọng, đánh dấu bước khởi đầu trong chiến lược đầu tư năng lượng “xuyên biên giới” của T&T Group.
“Nhà máy điện gió Savan 1 sẽ là dự án tiên phong và là nền tảng, cơ sở để Tập đoàn tiếp tục triển khai đầu tư nhiều dự án năng lượng khác tại Lào trong thời gian tới”, bà Nguyễn Thị Thanh Bình nhấn mạnh.
Đây là dự án điện gió trên bờ có quy mô lớn nhất mà Tập đoàn T&T Group đầu tư cho đến nay, góp phần mở rộng danh mục đầu tư của Tập đoàn T&T Group để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2035, tổng công suất phát điện của các nhà máy điện năng lượng tái tạo và phát thải carbon thấp dự kiến đạt khoảng 12-15 GW, chiếm khoảng 10% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện Việt Nam.
Hiện nay, ở trong nước, T&T Group đã đưa vào vận hành 10 dự án điện gió, điện mặt trời tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng, Gia Lai,… với tổng công suất lắp đặt và hòa lưới điện quốc gia đạt gần 1.000 MW. Ngoài ra, T&T Group cũng đang liên doanh cùng KOGAS, KOSPO, HANWHA (Hàn Quốc) triển khai dự án điện khí LNG Hải Lăng Giai đoạn 1 có công suất 1.500 MW, vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD.
VIMC lợi nhuận cao kỷ lục
Năm 2024, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP (VIMC) có lợi nhuận cao kỷ lục 4.940 tỷ đồng. Thông tin trên được Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh báo cáo tại Hội nghị tổng kết năm 2024 của VIMC.
Năm 2025, VIMC định hướng tập trung đầu tư phát triển hệ thống cảng biển |
Theo ông Tĩnh, mặc dù tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược gay gắt; xung đột leo thang ở nhiều khu vực; giá xăng dầu, hàng hóa cơ bản, cước vận tải biến động mạnh; kinh tế, thương mại phục hồi chậm… Tuy nhiên, năm 2024, VIMC ghi nhận những kết quả kinh doanh đầy tích cực.
Cụ thể, sản lượng vận tải biển do đội tàu VIMC đảm nhận đạt 20 triệu tấn, vượt 22% kế hoạch năm. Trong lĩnh vực cảng biển, sản lượng hàng hóa thông qua ước đạt 145 triệu tấn, tăng 26% so với cùng kỳ và vượt 17% kế hoạch năm.
Kết quả, doanh thu toàn VIMC ước đạt 24.813 tỷ đồng và lợi nhuận 4.940 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đạt 18,2 triệu đồng/người/tháng, riêng công ty mẹ đạt 25,1 triệu đồng/người/tháng, vượt 9% kế hoạch.
Tổng giám đốc VIMC cho biết mặc dù năng lực đội tàu bị suy giảm song do đẩy mạnh các hoạt động thuê tàu ngoài dưới nhiều hình thức nên sản lượng vận tải biển vượt xa kế hoạch từ đầu năm. Năm 2024, VIMC Lines mở rộng hoạt động và phát triển tuyến dịch vụ kết nối Malaysia, Singapore và Indonesia.
Năm 2024, các dự án trọng điểm của VIMC được đẩy mạnh triển khai, cơ bản đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra. Trong đó, với dự án đầu tư xây dựng bến container số 3, số 4 thuộc cảng Lạch Huyện, TP. Hải Phòng, VIMC đang hoàn thành các gói thầu, lắp đặt thiết bị và chuẩn bị các thủ tục mở cảng, đưa vào khai thác trong quý 1/2025 theo kế hoạch.
Với dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đến nay, dự án cơ bản đã giải quyết được các thủ tục liên quan. Năm 2025, VIMC sẽ phối hợp với đối tác để hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, được lựa chọn làm nhà đầu tư.
Về định hướng năm 2025, VIMC sẽ tập trung thực hiện các dự án đầu tư phát triển, như cảng Lạch Huyện, cảng Liên Chiểu, cảng quốc tế Cần Giờ… Doanh nghiệp tiếp tục đầu tư tàu mới hoặc mua tàu cũ phù hợp với chiến lược phát triển đội tàu, ưu tiên các loại tàu thế hệ mới tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường.
SK Investment không còn là cổ đông lớn của Vingroup
SK Investment Vina II Pte. Ltd. thông báo giao dịch cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup – CTCP. Theo đó, SK Investment đăng ký bán 50,86 triệu cổ phiếu VIC, giảm lượng cổ phiếu nắm giữ từ 231,47 triệu đơn vị xuống còn 180,61 triệu đơn vị.
Tỷ lệ sở hữu sẽ giảm tương ứng từ 6,05% xuống còn 4,72% và qua đó không còn là cổ đông lớn.
SK Investment cho biết, giao dịch được thực hiện với mục đích tái cơ cấu danh mục đầu tư và sẽ được thực hiện theo phương thức thỏa thuận trong thời gian từ 16/1 đến ngày 14/2.
Bình luận về thông tin này, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup chia sẻ: “Theo chúng tôi được biết, việc SK bán cổ phần lần này đã nằm trong chiến lược hoạch định lại danh mục đầu tư của đối tác tại các thị trường quốc tế nói chung. SK vẫn bày tỏ tin tưởng vào tiềm năng thị trường Việt Nam nói chung và Vingroup nói riêng với đa dạng cơ hội kinh doanh và vị thế dẫn dắt trong hầu hết các lĩnh vực kinh doanh. Đối với Vingroup, SK vẫn là đối tác quan trọng. Hai bên vẫn đang trao đổi về một số cơ hội hợp tác nhằm tận dụng tối đa tiềm năng phát triển trong thời gian tới.
Trước thương vụ thoái vốn khỏi Vingroup, tháng 11/2024, SK Group đã chuyển nhượng thành công 76 triệu cổ phiếu MSN của Masan Group thông qua phương thức thỏa thuận. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của SK Group tại MSN là 3,67% vốn điều lệ và qua đó không còn là cổ đông lớn tại MSN.
SK Group cũng chuyển nhượng 7,1% cổ phần WinCommerce (WCM) cho Masan Group với giá 200 triệu USD, tương đương với việc định giá WCM hơn 2,8 tỷ USD.
Ngoài ra, SK Group cũng đang xem xét bán 65% vốn tại CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP). Tập đoàn Hàn Quốc làm việc với một cố vấn tài chính về thương vụ này. Họ cũng liên hệ với các công ty dược phẩm và các quỹ chuyên đầu tư vốn cổ phần tư nhân để khảo sát về sự quan tâm với phần chuyển nhượng trên.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lập công ty phát triên người máy đa năng
Công ty CP Nghiên cứu phát triển và ứng dụng Người máy đa năng VinMotion có trụ sở ở Long Biên, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Tỷ lệ vốn góp của Vingroup tại VinMotion là 51%.
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng liên tục thành lập các doanh nghiệp mới trong hệ sinh thái công nghiệp – công nghệ cao |
Cuối tháng 11 năm ngoái, Vingroup cũng thông báo chính thức thành lập Công ty cổ phần nghiên cứu phát triển và ứng dụng người máy VinRobotics có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Trong đó, Vingroup nắm giữ 51% cổ phần, ông Phạm Nhật Vượng góp 39% cổ phần, hai ông Phạm Nhật Quân Anh và Phạm Nhật Minh Hoàng mỗi người có 5% cổ phần.
Vị trí tổng giám đốc VinRobotics do ông Ngô Quốc Hưng đảm nhiệm
Từ đầu năm 2024 đến nay, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng liên tục thành lập các doanh nghiệp mới trong hệ sinh thái công nghiệp – công nghệ cao.
Tháng 3/2024 lập công ty phát triển trạm sạc V-GREEN, mục đích hỗ trợ VinFast tiến ra thị trường toàn cầu. Sau đó là công ty mua bán, cho thuê ôtô điện và công ty dạy lái ôtô điện.
Gần nhất hồi cuối tháng 11, hai con trai ông Vượng là Phạm Nhật Quân Anh và Phạm Nhật Minh Hoàng góp vốn lập công ty phát triển robot VinRobotics. Động thái này góp phần hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp – công nghệ cao, một trong ba trụ cột chính của tập đoàn. CEO VinRobotics Ngô Quốc Hưng cho rằng, trong kỷ nguyên công nghệ, các sản phẩm, giải pháp có hàm lượng chất xám cao sẽ đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội.
Ở mảng công nghệ, Vingroup đã xây dựng được hệ sinh thái dày đặc. Nổi bật nhất là VinAI – doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm ứng dụng vào ôtô điện VinFast và các dự án nhà ở Vinhomes. Trước đó, danh mục của tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn có VinBrain cũng hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Công ty này vừa được Nvidia mua lại 100% và đã cử Giám đốc phụ trách thuế Mark Steven Hoose làm Chủ tịch kiêm người đại diện pháp luật.
VNG lập thêm một công ty con mảng lập trình
CTCP VNG đã thông qua việc góp vốn thành lập một công ty con, có tên Công ty TNHH 2Morebits.
Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập VNG đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch 2Morebits |
Trụ sở dự kiến tại Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội. Vốn điều lệ là 20 tỷ đồng, toàn bộ từ VNG. Công ty hoạt động trong mảng lập trình máy vi tính và các ngành nghề khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập VNG được chỉ định làm đại diện quản lý phần vốn góp của VNG tại 2Morebits, đồng thời đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Công ty.
Trước đó, ông Minh mới trở lại vị trí Chủ tịch HĐQT VNG vào cuối tháng 11/2024 sau gần 2 năm chuyển giao chức vụ này cho ông Võ Sỹ Nhân để đảm nhận chức Tổng giám đốc.
Về tình hình kinh doanh, VNG đạt gần 2,6 ngàn tỷ đồng doanh thu trong quý 3/2024, tăng 32% so với cùng kỳ. Dù lỗ sau thuế 11 tỷ đồng, nhưng đây vẫn là kết quả tích cực so với khoản lỗ gần 650 tỷ đồng cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2024, doanh thu VNZ đạt gần 6,9 ngàn tỷ đồng, tăng gần 31%; lỗ sau thuế giảm mạnh còn gần 597 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 1,9 ngàn tỷ đồng).
Nguồn: https://baodautu.vn/tt-dau-tu-dien-gio-tai-lao-vimc-loi-nhuan-ky-luc-vingroup-lap-cong-ty-nguoi-may-d240245.html