Ngày 30/01/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định công nhận 27 bảo vật quốc gia trong đó có sưu tập vũ khí trường Giảng Võ, niên đại thế kỷ 18-18 hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội.
Trường Giảng Võ (Giảng Võ Trường) là địa điểm quan trọng ở Thăng Long xưa. Đây là khu vực luyện tập võ thuật, giảng dạy binh pháp, thao diễn quân sự cao cấp của các triều đại phong kiến.
Từ những năm 1960, việc nghiên cứu khu di tích Trường Giảng Võ đã được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học.
Từ những phát hiện lẻ tẻ hiện vật vũ khí tại Trường Trung cấp Giao thông Cầu Giấy (nay là trường Đại học Giao thông Vận tải), vào năm 1983, tại khu vực hồ Ngọc Khánh, các nhà khoa học đã phát hiện bộ sưu tập vũ khí bằng kim loại phong phú bậc nhất của thời Trung đại cho phép xác định khu vực này là Trường Giảng Võ thời Lê.
Sưu tập vũ khí gồm 111 hiện vật thuộc 13 nhóm có kích thước khác nhau, được phân loại theo chức năng sử dụng gồm hai loại là bạch khí (những vũ khí vận hành bằng cơ bắp người) và hoả khí (những vũ khí vận hành bằng thuốc súng).
Vũ khí Trường Giảng Võ không bề thế nhưng có tính sát thương vô cùng cao. Giáo, câu liêm được chế tạo cực kỳ đơn giản. Phần lưỡi giáo là một thanh sắt nhọn, phần câu liêm chỉ là một thanh sắt được uốn cong, hay súng lệnh chỉ được thêm cán dài bằng gỗ lim, không phải bằng đồng, khác với vũ khí của quân Minh được chế tác cầu kỳ, tinh xảo hơn nhưng độ sát thương chưa chắc cao bằng vũ khí thô sơ của Đại Việt.
Một số hiện vật trong sưu tập vũ khí Trường Giảng Võ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Súng lệnh là một loại súng dùng để phóng pháo hiệu chỉ huy, chỉ cần nhìn màu sắc pháo hiệu phát ra mà ta biết nên tiến hay lùi trong lúc nguy cấp. Quân đội Đại Việt thường dụ địch đến gần, dùng vũ khí ba chạc nhỏ gọn móc vào chân ngựa kẻ thù, rồi hất chúng ngã. Cách đánh như vậy không tốn công sức nhưng lại rất hiệu quả. Điều này cho thấy, vũ khí Trường Giảng Võ là minh chứng sinh động cho nghệ thuật tư duy quân sự ở trình độ cao của ông cha ta.
Kỹ thuật chế tác vũ khí Trường Giảng Võ chủ yếu theo phương pháp rèn đập thủ công, mũi tên, súng lệnh được đúc, nên không trùng lặp với bất cứ sưu tập vũ khí nào ở Việt Nam hiện có. Dù nằm sâu dưới lòng đất hơn 200 năm nhưng bộ vũ khí vẫn giữ được gần như nguyên vẹn hình dáng, bởi quá trình rèn đúc được những người thợ có tay nghề cao khéo léo thực hiện.
Theo thông tin từ Bảo tàng Hà Nội, sắp tới bộ vũ khí Trường Giảng Võ sẽ được đưa ra trưng bày chính thức./.
Hà Chi-Ngọc Trà-Thu Hằng (Vietnam+)