“Trăng hạ huyền đã cháy” là tập thơ đầu tay của tác giả Lê Hải Kỳ, gồm 54 bài thơ, dày 108 trang cùng 3 phụ bản của nhà thơ, họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn. Tập thơ chắt lọc tác phẩm của tác giả trong chặng đường 20 năm “dan díu” với thi ca.
Lê Hải Kỳ chia sẻ, “Trăng hạ huyền đã cháy” là “thi tập ròng tình”. Nên người đọc cần khơi lòng để dòng yêu thương tuôn chảy, hòa nhịp với mạch thơ. Hẳn nhiên có lúc xuôi êm, có lúc quanh co hờn dỗi, không tránh khỏi khúc lỡ khúc bồi… nhưng tựu trung đều là tiếng lòng đủ đầy cung bậc của Lê Hải Kỳ được mô phỏng và ký âm bằng thơ.
54 bài thơ trong tập “Trăng hạ huyền đã cháy” là 54 bản tình ca đầy những cung bậc thẳm sâu của con tim. Tình yêu chảy tràn khắp không gian và thời gian, từ trong căn phòng nhỏ chảy tràn ra cánh đồng đầy rơm rạ nắng cháy giữa mùa đốt đồng rực lửa; tình yêu ấy trôi từ rừng sâu núi cao chảy về biển lớn…
Những cuộc tình ấy, có khi nhẹ nhàng dịu ngọt, đằm sâu như nước Hương Giang nhưng cũng không kém phần bỏng cháy: “Thương nhớ hơn Trường Tiền/ chiều nay em Hương Giang/ mộng mơ trôi tim tím khoảng trời/ nhịp cầu nào vừa gãy giữa tim tôi” (“Chiều nay em Hương Giang”). Cũng có khi lại đau đớn khắc khoải với những tổn thương buốt giá: “Cơn cớ gì/ tim tôi nhói lên loang lổ những nhịp rung/ chút nắng đông chẳng thể nào sưởi ấm trùng trùng giá buốt/ xin đừng dối lòng vì nỗi đau rất thật/ sao em nỡ mài dao trên những vết thương” (“Em trả lời tôi đi”). Có khi lại đầy tiếc nuối đến day dứt: “thời gian!/ thời gian quảy gánh trần ai, đẫm lưng áo oằn những vết thương/ bán rẻ/ mua đắt/ liêu xiêu con đường tình rải sỏi bầm tim nhau, em có biết?/ làm gì có nỗi buồn nào đủ sắc nhọn mà cắn vỡ đọt mù u/ nên/ có lẽ suốt đời tôi mắc nợ một lời thương…” (“Lời thương còn bỏ ngỏ”). Tình yêu trong thơ Lê Hải Kỳ luôn chất chứa khát khao, nhưng cũng đầy rẫy sự cô đơn. Tựa như con sói lạc bầy cất tiếng hú giữa miền hoang dại, trong vô vọng yêu, trong vô vọng thẳm sâu ký ức nhớ thương tiếc nuối chẳng thể nào nguôi ngoai.
Ở tập thơ đầu tay này, Lê Hải Kỳ sử dụng thể thơ tự do đầy phóng khoáng để thể hiện tiếng lòng. Những câu thơ linh hoạt dài ngắn bất ngờ, không bị gò bó trong khuôn khổ của vần điệu, quy tắc, giúp cảm xúc thăng hoa không giới hạn. Người đọc dễ dàng bắt gặp hình ảnh, ngôn ngữ mới lạ, khiến câu thơ trở nên sinh động và đầy sức hút. Đó là khi tác giả thả hồn mình rong ruổi, mạnh mẽ “cầm cánh đồng lên”, là khi thổn thức oán trách “sao em nỡ mài dao trên những vết thương”, để lòng chới với trước “cuộc tình khâm liệm suốt ba năm mà vẫn còn âm ỉ”.
Lê Hải Kỳ có một giọng thơ đa thanh. Thơ anh có khi sôi nổi mạnh mẽ, có khi bay bổng da diết, có lúc lại đằm thắm dịu dàng và đầy tính tự sự: “Em ơi/ bầy sẻ nâu ngủ vùi suốt mùa đông đã lích nhích nhặt nắng/ trước hiên nhà/ chúng kể nhau nghe về mùa xuân lấp lánh chồi non/ và những cánh đồng/ cánh đồng nào cũng đang dậy thì trong mắt lũ chim bắt giữ linh hồn” (“Khu vườn nhiều mây”).
Đọc “Trăng hạ huyền đã cháy”, người đọc thăng hoa theo cảm xúc cuồng say của tác giả, nhưng cuối cùng đọng lại vẫn là những dư vị ngọt lành. Tình yêu, đến cuối cùng vẫn cần một chốn bình yên để nương náu, đó là khi ta về dưới mái nhà, ngồi bên hiên đầy nắng, ngồi trong vườn đầy mây, để nghe tim mình bình an trong dịu ngọt.
Lê Hải Kỳ tên thật là Lê Hải, sinh năm 1983, quê ở xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Anh theo học cử nhân báo chí Trường Đại học Khoa học Huế, hiện đang sống và làm việc tại Đà Nẵng. Lê Hải Kỳ có nhiều thơ, văn đăng trên các tạp chí trung ương và địa phương.